Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của người Khơ Mú
Lượt xem: 1097
Ở Sơn La, người Khơ Mú cư trú tại các huyện: Thuận Châu, Mai Sơn, Yên Châu, Sông Mã và Sốp Cộp. Trong đó, chủ yếu ở Sông Mã, Sốp Cộp.

Về nguồn gốc dân tộc Khơ Mú, các học giả đều khẳng định dân tộc Khơ Mú là cư dân bản địa vùng bán đảo Đông Dương. Nhiều học giả cho rằng vùng tập trung cư trú của họ là miền Bắc Lào và tỉnh Luông Pha Băng. Tại đây, hình thành vương quốc có tên là Swa hay Lawa trước khi người Thái cư trú. Có thể vào cuối Thiên niên kỷ thứ nhất sau Công nguyên, tổ tiên của người Khơ Mú đã làm chủ nước Lào hay ít nhất cũng là miền thượng Lào hiện nay. Thời oanh liệt của người Khơ Mú chấm dứt từ khi người Lào với một tù trưởng huyền thoại có tên là Khun Bo Rôm, cùng con trai là Khun Lò đánh đuổi họ lên vùng rừng núi hẻo lánh chiếm lấy miền Luông Pha Băng, người Khơ Mú còn bị đẩy sang Thái Lan và Tây Bắc Việt Nam.

Lịch sử của người Khơ Mú gắn với truyền thuyết về vị anh hùng huyền thoại tên là Chương hay Chương Han. Theo truyền thuyết lịch sử, dân tộc Khơ Mú đã có thời kỳ phát triển hưng thịnh. Vị tù trưởng Chương Han đã tổ chức tập hợp hàng ngàn binh mã, đánh Đông dẹp Bắc, chinh phạt nhiều vùng rộng lớn. Tuy là truyền thuyết nhưng Chương Han vẫn được lưu truyền trong dân gian Khơ Mú một cách sâu rộng.

Thực hiện Kế hoạch bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La năm 2019, chúng tôi đã tiến hành khảo sát về dân tộc Khơ Mú trên địa bàn toàn tỉnh, đánh giá thực trạng về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội và đặc biệt là bản sắc văn hóa truyền thống.

Về tiếng nói: Người Khơ Mú có tiếng nói riêng thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ me, ngữ hệ Nam Á, hiện nay đa số người Khơ Mú vẫn sử dụng ngôn ngữ riêng của dân tộc. Ngoài ra, họ còn sử dụng thành thạo tiếng Thái, Lào, Mông, Kinh.

Về kinh tế truyền thống: Người Khơ Mú chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng trọt trên nương rẫy. Phương thức canh tác chính là phát nương và đốt nương làm rẫy. Người Thái có câu: “Xá ăn theo lửa, Thái ăn theo nước” để chỉ hình  thức canh tác chủ yếu của người Khơ Mú. Với hình thức canh tác này, gậy chọc lỗ có vai trò quan trọng. Trong truyền thống của người Khơ Mú có hai loại gậy chọc lỗ: Một loại làm bằng gỗ thường, một loại làm bằng gỗ rất cứng. Loại làm bằng gỗ thường để dùng tạm thời một lần, dùng xong vứt đi, khi cần lại chặt cây gỗ khác, vót nhọn là thành cây gậy chọc lỗ mới. Một loại làm bằng gỗ rất cứng, chỉ mọc trên núi đá, mà tiếng Thái gọi là “Mạy cu”, hoặc bằng gỗ lim, gỗ táu…gậy được đẽo, gọt, vát đều hình móng chân hươu, đôi khi còn bịt sắt. Loại gậy chọc lỗ này chắc, bền, dùng được lâu dài từ vụ này sang vụ khác, thông thường dùng được vài năm, loại này còn được gắn lên trên đỉnh thêm một đoạn ống tre, tạo thành một loại nhạc cụ, mỗi khi chọc lỗ, tra hạt tạo nên âm thanh vui tai vang lên giữa núi rừng yên tĩnh. Người Khơ Mú có các trồng chính là: lúa, ngô, sắn, khoai sọ; các loại đậu, đỗ, bầu, bí…và các loại cây khác. Để trồng trọt đạt năng xuất cao và hiệu quả, đồng bào Khơ Mú có nông lịch riêng phù hợp với khí hậu vùng đồng bào cư trú và các loại cây trồng khác nhau. So với hệ thống lịch âm thì lịch của người Khơ Mú sớm hơn hai tháng. Trồng trọt theo quy trình: Chặt cây, đốt cây, tra hạt, làm cỏ được quy định rất cụ thể, rõ ràng. Chăn nuôi lợn, gà, vịt chủ yếu phục vụ cúng bái trong các dịp lễ, tết, cúng ma khi có người ốm, đau, hoặc làm thịt đãi khách khi có khách đến nhà chơi.

Hiện nay, người Khơ Mú ở Sơn La đã làm thêm nhiều ruộng nước trồng lúa và thay đổi một số cây trồng: chè, cà phê, cây ăn quả…cải tiến phương thức canh tác tăng năng xuất lao động, nuôi nhiều gia xúc, gia cầm để phục vụ cho đời sống tâm linh, cải thiện hàng ngày.

Người Khơ Mú có tập quán tính theo lịch can, chi, cứ làm 9 ngày thì nghỉ ngày thứ 10, một tháng nghỉ 3 ngày. Tùy theo từng bản, dòng họ của người có công lập bản mà chọn ngày nghỉ, cũng là ngày kiêng của bản để tổ chức lễ cúng bản hàng năm, đây cũng là một đặc điểm riêng có của dân tộc Khơ Mú mà không có ở bất cứ dân tộc nào khác ở Sơn La.

Về nhà cửa: Người Khơ Mú ở nhà sàn. Trước đây do cuộc sống du canh, du cư, họ ở trong những ngôi nhà tạm bợ bằng tranh tre, nứa lá. Ngày nay, đồng bào có cuộc sống ổn định, làm những ngôi nhà khang trang bằng gỗ, lợp ngói, tôn hoặc fibrô xi măng. Trong ngôi nhà cũng đã có sự thay đổi về cách bài trí nhưng việc bố trí gian thờ, bàn thờ tổ tiên và nơi thực hành các lễ nghi vẫn được giữ gìn theo truyền thống. Trong ngôi nhà truyền thống của người Khơ Mú có 2 bếp: một bếp ở giữa nhà để nấu nướng hàng ngày; 1 bếp ở gian thờ (gian đầu hồi nhà) để đồ xôi hàng ngày và làm lễ cúng. Gian đầu tiên này cũng là gian thiêng để cúng nhà và cúng cơm mới.

Về nghề thủ công truyền thống: Người Khơ Mú có nghề đan lát mây tre phát triển, kỹ thuật tinh xảo, độ thẩm mỹ cao, các dân tộc láng giềng rất ưa thích, ngoài để phục vụ sinh hoạt hàng ngày thì đã từ lâu các sản phẩm mây tre đan đã được người Khơ Mú trao đổi với người Thái để lấy lương thực, vải, quần áo. Các nghề thủ công truyền thống khác như: dệt, rèn, mộc…chưa phát triển.

Về dòng họ: Đây là nét văn hóa đặc biệt của người Khơ Mú. Các dòng họ của người Khơ Mú có nguồn gốc rõ ràng, mang tên các loài cây, thú, chim, thậm chí mang tên vật vô tri vô giác: con hổ, cầy, các loài chim, cây cỏ, rọ lợn…Thông thường các dòng họ đều có truyền thuyết về tô tem của dòng họ  mình và kiêng ăn thịt những con vật đó. Nhóm tên thú có  họ Quàng (Rvai - con hổ), họ Mòng (Tmoong - chồn, cầy)…; Nhóm tên chim có họ Ôm, Pít, Ríc (tên các loài chim)…; Nhóm tên cây cỏ có họ Cút, Ven (tên cây cỏ dưới ruộng, trên nương)…hiện nay, người Khơ Mú vẫn mang các dòng họ truyền thống: Quàng, Cút, Pít, Mòng, Ven, Ôm, Ríc…ngoài ra, do cư trú gần với người Thái nên họ cũng đã tiếp thu họ truyền thống của người Thái: họ Mè, Lò, Hà…

Về trang phục: Trước đây, người Khơ Mú chỉ biết dệt vải khổ rộng 20cm để làm túi đeo, dùng lâm thổ sản, đồ đan để đổi lấy vải của người Thái hoặc người Lào, tùy vào nơi họ cư trú để mặc. Tuy nhiên, để phù hợp với người mặc và truyền thống dân tộc nên cũng có một số khác biệt, chủ yếu là trang phục phụ nữ. Trang phục phụ nữ Khơ Mú các vùng khác mặc giống phụ nữ Thái đen, vùng Sốp Cộp có nét tương đồng với trang phục phụ nữ Lào: Váy giống như váy Lào, dài đến ngang bắp chân, có táp miếng vải thổ cẩm chạy ngang thân váy, áo ngắn có viền các loại vải, chỉ màu theo các đường may, gấu, cổ, tay áo, đặc biệt là bộ cúc áo bằng bạc có hình chữ nhật tiết diện 4x6cm gồm 4 chiếc, đính thêm các đồng bạc tròn theo nẹp áo, hiện nay bộ cúc này rất ít người còn giữ, chủ yếu dùng cúc bạc của người Thái (mák pém) và các đồng bạc đính lên áo. Chiếc khăn dài khoảng 2 sải tay, rộng 40cm, bằng vải sợi bông nhuộm chàm, hai đầu có thêu hoa văn đơn giản bằng chỉ màu, khi dùng thường gấp làm 4 theo chiều dọc và quấn gọn gàng lên đầu. Phụ nữ Khơ Mú dùng nhiều đồ trang sức bằng bạc: vòng tay, vòng chân, vòng cổ, nhẫn, châm cài đầu…Phụ nữ ở các vùng khác có nét tương đồng về trang phục với phụ nữ Thái đen: váy dài đen, khăn Piêu, chỉ có chiếc áo là vẫn giữ theo kiểu truyền thống của người Khơ Mú. Hiện nay, có một số nơi vẫn duy trì nghề dệt vải làm túi, người ta dùng sợi bông, se lại cho chắc, rồi dệt khổ vải 20cm, ở giữa khổ vải trắng là các đường sọc bằng chỉ màu để trang trí, để tạo thành túi, người ta ghép các miếng vải với nhau mà không phải cắt, ngoài những đường thêu đơn giản thì việc dùng chỉ màu để ghép những miếng vải lại với nhau thành túi cũng là phương pháp trang trí cho những chiếc túi. Những chiếc túi vẫn được người dân sử dụng trong các lễ cưới, tang ma và đặc biệt đựng áo của các thành viên gia đình trong lễ cúng bản.

Về ẩm thực: Ngoài lương thực được trồng trên nương, dưới ruộng thì các loại rau chủ yếu khai thác từ thiên nhiên. Ngoài các loại thịt gia xúc, gia cầm nuôi được thì họ cũng săn bắn các con thú trên rừng, côn trùng dưới ruộng, ao để làm thức ăn. Họ chủ yếu ăn xôi đồ, các loại thức ăn được chế biến chủ yếu là đồ chín, đồ chín nộm lên, nướng, gỏi…sử dụng rất nhiều gia vị, đặc biệt là ớt. Trước đây, chủ yếu uống nước lã, bây giờ họ cũng uống nước chè, nước đun sôi để nguội. Rượu cần được sử dụng quanh năm, đặc biệt trong các lễ nghi không thể thiếu được chum rượu cần để dâng lên tổ tiên và mời bà con, họ hàng. Cả phụ nữ và đàn ông đều có tục hút thuốc lá bằng tẩu gỗ, họ tự trồng cây thuốc, thu hoạch và sử dụng dần quanh năm, hiện nay chủ yếu chỉ còn những người già hút, trung niên và thanh niên ít hút. Những phụ nữ lớn tuổi vẫn ăn trầu.

Về các loại hình nghệ thuật: Người Khơ Mú biết chế tác và sử dụng rất nhiều loại nhạc cụ: Đàn tre không dây (đao đao), Đàn tre có dây (Ra bang họa),  Sáo (Tâm heếch), trống (Tăm pựt), các loại sáo (Pí tót), chiêng, ống tre (bẳng bu) …Họ có điệu hát Tơm truyền thống với nhiều làn điệu: Tơm đón khách, Tơm giao duyên, Tơm mừng nhà mới, Tơm trong đám cưới…Họ cũng có nhiều điệu múa truyền thống, trong đó phải kể đến điệu Vêlr guông (lắc hông) với những động tác mềm dẻo nhưng dứt khoát, khỏe khoắn. Hiện nay, các làn điệu Tơm vẫn có nhiều người hát, các đội văn nghệ quần chúng tại các bản vẫn tập luyện, biểu diễn điệu múa Vêlr guông (lắc hông) truyền thống.

Về phong tục, tập quán: Người Khơ Mú vẫn gìn giữ các nghi lễ vòng đời: Sinh ra, đặt tên; cưới xin, tang ma; có nhiều nghi lễ quanh năm: Đầu năm có lễ cúng bản (Xên cung); sau Lễ cúng bản, các gia đình về làm Lễ cúng tổ tiên để xin gieo hạt (Hrẹ hrệ); sau khi cúng xin tổ tiên, mỗi gia đình lại lên nương để cúng hồn mẹ lúa để cầu mong được mùa; cúng cầu mưa (Tu hừn tạ prư); đến tháng 8-9, các gia đình lại tổ chức nghi lễ mừng cơm mới (Mạ quai) để cám ơn ông bà đã cho mùa màng tươi tốt, con cháu hội tụ, đoàn viên; cuối năm, nhà nhà lại tổ chức Tết Khơ Mú (Mạ grợ) để cầu phúc, cầu lộc tiễn năm cũ, đón năm mới. 

 

 

 

Qua khảo sát, chúng tôi thấy rằng: Người Khơ Mú ở Sơn La có nhiều nét văn hóa, phong tục, tập quán mang đậm bản sắc tộc người, ngày nay vẫn đang được gìn giữ và phát huy. Tuy nhiên, họ chủ yếu sống ở vùng sâu, xa, biên giới, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, vì vậy ngoài việc gìn giữ các giá trị văn hóa, cần có những giải pháp:

Một là: Nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể về việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tuyên truyền cho người dân, để họ thấy tự hào, gắn bó với di sản, tích cực, tự giác trong công tác giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Hai là: Dân tộc Khơ Mú có tỷ lệ hộ nghèo cao nên việc nâng cao đời sống kinh tế cho người dân thực sự rất cần thiết, phải gắn việc bảo tồn bản sắc văn hóa với xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế để di sản được giữ gìn hiệu quả.

Ba là: Tiếp tục nghiên cứu, tư liệu hóa các di sản văn hóa dân tộc Khơ Mú để có cơ sở cho việc khôi phục, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc.

Bốn là: Tăng cường đầu tư cho công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khơ Mú, đồng thời tôn vinh nghệ nhân, giá trị di sản văn hóa góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo vệ an ninh chính trị tại vùng biên giới./.

Tác giả: Ngô Hải Yến