Xây dựng Tà Xùa trở thành trung tâm du lịch của huyện Bắc Yên
Lượt xem: 596
Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện Bắc Yên lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu xây dựng xã Tà Xùa thành trung tâm phát triển du lịch của huyện. Quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết, cấp ủy, chính quyền xã Tà Xùa đang khẩn trương bắt tay vào thực hiện, tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh, với quyết tâm đưa nghị quyết vào cuộc sống.

Người dân xã Tà Xùa (Bắc Yên) thu hái chè cổ thụ.

Tà Xùa những ngày đầu năm khoác lên mình diện mạo mới, những cánh hoa đào tươi thắm bên những con đường bê tông uốn lượn, cùng với khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, những khu homestay mang đậm nét văn hóa đồng bào dân tộc Mông vùng cao, tất cả đã thêm sức hút mạnh mẽ, lan tỏa, khiến du khách tìm về nơi đây ngày một nhiều hơn. Trao đổi với Bí thư Đảng ủy xã Đỗ Văn Tuyến, được biết, để Nghị quyết đi vào cuộc sống, Đảng ủy xã chỉ đạo các chi bộ, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội nhanh chóng xây dựng chương trình hành động sát với thực tiễn của địa phương; phân công nhiệm vụ cho các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ xã trực tiếp quán triệt, triển khai Nghị quyết đến các chi bộ. Một trong những mục tiêu trọng tâm là phát triển du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp bền vững, phấn đấu giai đoạn 2020-2025, Tà Xùa sẽ đón được trên 100.000 lượt khách du lịch, doanh thu từ du lịch đạt trên 90 tỷ đồng.

Để thực hiện mục tiêu đề ra, xã đã tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng nguồn nhân lực, tài nguyên thiên nhiên, nét văn hóa, ẩm thực đặc trưng, làm cơ sở cho việc đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển du lịch của xã. Cụ thể hóa bằng việc xây dựng Đề án phát triển kinh tế theo 2 vùng: Khu bản Tà Xùa, bản Chung Trinh, khu Bẹ thuộc bản Bẹ với lợi thế về cây chè Tà Xùa, sơn tra, thảo quả,... gắn với du lịch trải nghiệm, khám phá và khu bản Trò A, bản Bẹ với lợi thế về chăn nuôi trâu, bò, trồng cây đào gắn với du lịch nghỉ dưỡng.

Xác định việc phát triển du lịch ngoài những yếu tố thu hút du khách về thiên nhiên, cảnh vật, thì nét văn hóa cũng đóng vai trò rất quan trọng, xã Tà Xùa đã phối hợp với các phòng, ban, đơn vị của huyện khảo sát, đánh giá, bảo tồn giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể; sưu tầm và lưu giữ vốn văn hóa địa phương cổ truyền; phục hồi có chọn lọc và tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống thông qua hoạt động lễ hội, hội thi, hội diễn văn hóa thể thao quần chúng. Quan tâm, khôi phục các ngành nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, như: Trồng đay, dệt thổ cẩm, may, thêu trang phục, phục dựng nghề rèn, đan mây tre, làm nhạc cụ dân tộc... Thành lập và duy trì các đội văn nghệ địa phương để phục vụ nhu cầu hưởng thụ của du khách; duy trì các hoạt động thể thao dân tộc, như: Đẩy gậy, kéo co, ném pa pao, đánh cù, đua ngựa... Thành lập nhóm hộ làm du lịch homestay bền vững; thành lập các nhóm hướng dẫn viên du lịch từng bước chuyên nghiệp hóa, kể cả hướng dẫn viên du lịch khám phá, trải nghiệm; mở rộng các cơ sở dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch; nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên phục vụ, nhằm kéo dài thời gian lưu trú của du khách, được đón tiếp du khách nhiều lần.

Ngay những ngày đầu năm 2021, tại xã Tà Xùa, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp gặp mặt, đối thoại với các nhà đầu tư phát triển du lịch ở Tà Xùa. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện, xã Tà Xùa và các doanh nghiệp, nhà đầu tư về lĩnh vực du lịch đã cùng trao đổi, đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho phát triển du lịch ở Tà Xùa. Với sự quan tâm của tỉnh, sự nỗ lực, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong huyện, tin rằng trong tương lai không xa, Tà Xùa sẽ trở thành trung tâm du lịch của huyện Bắc Yên.