Các quốc gia ASEAN cùng chia sẻ cách thu hút thêm nhiều du khách tới khu vực sau đại dịch cũng như tập trung bảo đảm sức khỏe và an toàn cho du khách trong bối chủng nhiều biến chủng mới đang lưu hành. Đây là những vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự của Hội nghị Cơ quan Du lịch quốc gia ASEAN lần thứ 56.
ASEAN nỗ lực phục hồi du lịch khu vực. (Ảnh: visitasean)
Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tuyến do Indonesia chủ trì trong 2 ngày 5 và 6/7. Phó Tổng cục trưởng Du lịch Hà Văn Siêu dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.
Tại hội nghị, các quan chức du lịch ASEAN nhất trí tiếp tục phối hợp để phục hồi du lịch khu vực theo kế hoạch hành động đã được phê duyệt hồi đầu năm nay, đồng thời phối hợp các ngành liên quan. Mục tiêu cuối cùng là phục hồi ngành du lịch và khôi phục số lượng du khách về mức trước đại dịch.
Để thực hiện được mục tiêu đó, các nước ASEAN nhất trí phải phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, các chiến dịch tiếp thị, cải thiện các tiêu chuẩn du lịch và kết nối, và áp dụng nhiều hệ thống kỹ thuật số để giúp khách du lịch tăng khả năng tiếp cận thông tin dễ dàng hơn.
Ngoài ra, các nhà chức trách ASEAN sẽ làm việc với các đối tác đối thoại và các tổ chức quốc tế để tăng cường hoạt động du lịch, giúp du khách đi lại dễ dàng hơn.
Hội nghị tập trung xem xét báo cáo của 4 Ủy ban Hợp tác du lịch ASEAN, bao gồm: Ủy ban Cạnh tranh du lịch ASEAN, Ủy ban Phát triển du lịch bền vững và toàn diện ASEAN, Ủy ban Giám sát nghề du lịch ASEAN, Ủy ban Nguồn lực, giám sát và đánh giá du lịch ASEAN. Đồng thời, Hội nghị sẽ xem xét và thông qua/hoàn thiện một số văn bản, bao gồm: báo cáo của 4 Ủy ban, hướng dẫn về việc Thành lập Cơ chế du lịch được thể chế hóa với các đối tác bên ngoài của ASEAN, các đề xuất dự án ASEAN cho năm 2022.
Đại biểu các nước tham dự Hội nghị trực tuyến (Ảnh: TCDL)
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Du lịch Hà Văn Siêu bày tỏ sự vui mừng khi khu vực ASEAN đang dần mở cửa trở lại trong những tháng gần đây và khuyến khích các quốc gia thành viên xem xét nới lỏng các điều kiện đi lại nhằm kết nối du lịch giữa các nước trong khu vực.
Việt Nam đang là Phó Chủ tịch Ủy ban Phát triển du lịch bền vững và toàn diện ASEAN và đang chủ trì dự án “Sản phẩm du lịch lễ hội”. Việt Nam đang có kế hoạch tổ chức một hội thảo khu vực vào năm sau với chủ đề Du lịch lễ hội. Sự kiện sẽ bao gồm một hội thảo và một chuyến khảo sát lễ hội ở Việt Nam. Phó Tổng cục trưởng hoan nghênh các ý kiến đóng góp từ các quốc gia thành viên ASEAN nhằm hợp tác hiệu quả hơn nữa để thúc đẩy dự án này.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang chủ trì dự án “Xây dựng và triển khai Chiến lược khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương và khu vực tư nhân vào phát triển du lịch”. Dự kiến, Việt Nam cũng sẽ tổ chức một hội thảo về việc triển khai thực hiện Chiến lược này ở Việt Nam, đồng thời đề nghị các quốc gia thành viên chia sẻ thông tin về những câu chuyện thành công nhằm thúc đẩy sự tham gia và hưởng lợi của cộng đồng và khu vực tư nhân trong phát triển du lịch.
Chiến lược Marketing du lịch ASEAN giai đoạn 2021-2025 đã được xây dựng với 3 trụ cột: (1) Xây dựng câu chuyện về Thương hiệu du lịch Đông Nam Á hấp dẫn hơn; (2) Tập trung vào một nhóm các thị trường và đối tượng phù hợp; (3) Thực hiện hiệu quả hơn các hoạt động xúc tiến, quảng bá.
Chiến lược Marketing giai đoạn mới được điều chỉnh dựa trên các xu hướng dự báo sau Covid-19 và căn cứ vào khả năng tài chính của ASEAN. Chiến lược đã được thảo luận qua các cấp Nhóm Công tác, Ủy ban Cạnh tranh du lịch và Cơ quan du lịch quốc gia.