Từng bước phục hồi thị trường du lịch quốc tế
Lượt xem: 288
Sau thành công bước đầu từ giai đoạn 1 thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam theo chương trình “hộ chiếu vắc-xin” (từ giữa tháng 11 đến hết tháng 12/2021), ngành du lịch đang triển khai thực hiện giai đoạn 2 (từ ngày 1/1/2022) theo đúng kế hoạch. Sự ấm dần lên của thị trường khách du lịch quốc tế đang mở ra nhiều cơ hội, từng bước hồi phục ngành công nghiệp không khói nước nhà.

Du khách quốc tế tham quan Hội An (Quảng Nam).

Sau khi Chính phủ đồng ý chương trình thí điểm đón khách quốc tế đến năm địa phương trong giai đoạn 1, Việt Nam đã đón đoàn khách du lịch quốc tế đầu tiên đến Hội An (Quảng Nam) vào ngày 17/11/2021. Và chỉ trong nửa tháng thí điểm, nước ta đã đón gần 1.000 khách quốc tế. Đặc biệt, trong tháng 12/2021, theo thống kê của Tổng cục Du lịch, con số này đã tăng lên hơn 3.000 lượt khách. Trong báo cáo sơ kết gửi Thủ tướng Chính phủ đánh giá tình hình triển khai thí điểm đón khách quốc tế giai đoạn 1, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Việc đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tuân thủ thông điệp 5K và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định, bảo đảm chất lượng dịch vụ cung ứng cho khách du lịch. Tham gia các tour trọn gói, du khách quốc tế có phản ứng tích cực khi được khám phá những điểm đến nổi tiếng của Việt Nam, trải nghiệm các hoạt động thể thao, giải trí hấp dẫn, sôi động cũng như thư giãn, nghỉ dưỡng. Du khách cũng thể hiện sự yên tâm với các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn cho khách quốc tế của Việt Nam. Điều này cho thấy sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam, đồng thời cũng là kênh lan tỏa, chứng minh điểm đến Việt Nam hấp dẫn, an toàn, thân thiện và mến khách…

Các chuyên gia nhìn nhận, những tín hiệu tích cực này không chỉ góp phần khởi động lại các dịch vụ du lịch đón khách quốc tế, tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế, dịch vụ liên quan mà còn giúp các địa phương có căn cứ để đánh giá năng lực phục vụ, từ đó rút kinh nghiệm và chuẩn bị những điều kiện sẵn sàng mở rộng phạm vi, quy mô đón khách trong giai đoạn 2.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 61/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh về Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các bộ, ngành, cơ quan chức năng liên quan và  UBND các tỉnh, thành phố: thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Ninh, Bình Định căn cứ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao tiếp tục chủ động, triển khai thực hiện thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam bảo đảm an toàn, hiệu quả.

Như vậy, so với giai đoạn 1, phạm vi đón khách quốc tế ở giai đoạn 2 đã được mở rộng hơn, từ năm địa phương tăng lên bảy địa phương (thêm thành phố Hồ Chí Minh, Bình Định được đón khách). Đây là những bước đi thận trọng, nhưng chắc chắn của du lịch Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, cũng là tiền đề quan trọng để tiến tới phục hồi thị trường du lịch quốc tế. Tổng Cục trưởng Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhận định: Thành công bước đầu từ giai đoạn 1 kết hợp việc Việt Nam mở lại nhiều đường bay thương mại quốc tế trong giai đoạn 2 sẽ tạo ra sự cộng hưởng tích cực để phục hồi du lịch và hàng không. Điều quan trọng là các địa phương cần sẵn sàng các điều kiện, quy trình đón khách để bảo đảm an toàn phòng dịch và chất lượng dịch vụ.

Gần đây, tỉnh Thừa Thiên Huế vừa đề xuất Chính phủ cho phép thí điểm đón khách du lịch quốc tế trong thời gian sớm nhất. Việt Nam cũng đang trao đổi với Thái Lan về việc thiết lập “bong bóng du lịch”. Những động thái tích cực này cho thấy triển vọng mở rộng phạm vi đón khách quốc tế đến Việt Nam dựa trên cơ sở sẽ có ngày càng nhiều tỉnh, thành phố trong nước sẵn sàng chuẩn bị các điều kiện để không bỏ lỡ cơ hội mở cửa đón khách quốc tế; đồng thời tranh thủ liên kết giữa các địa phương để triển khai du lịch theo hướng “một hành trình, nhiều điểm đến” và liên kết giữa các quốc gia để tận dụng nguồn khách quốc tế đến khu vực.

Thời gian qua, hoạt động thí điểm đón khách quốc tế chủ yếu mới được áp dụng thông qua các chuyến bay thuê bao. Trong khi đó, việc đón khách du lịch quốc tế qua đường bộ, đặc biệt là đường biển được nhìn nhận là rất giàu tiềm năng. Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện đã có hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ tái khôi phục hoạt động du lịch đường biển. Do đó, nhiều doanh nghiệp mong muốn sớm có những hướng dẫn cụ thể đón khách quốc tế qua đường bộ và đường biển để có thể nhanh chóng khôi phục thị trường khách này. Bên cạnh đó, cũng cần có kế hoạch khai thác hoạt động đưa khách trong nước đi du lịch nước ngoài trên cơ sở đàm phán để các nước công nhận hộ chiếu vắc-xin của Việt Nam. Chỉ khi được vận hành ở cả ba mảng: nội địa, inbound (đón khách quốc tế), outbound (đưa khách đi du lịch nước ngoài), du lịch Việt Nam mới tạo được những “chân kiềng” để phục hồi và phát triển bền vững.

Tác giả: Theo Báo Sơn La