Những năm gần đây, nhờ chính sách đổi mới, mở cửa của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là chính sách đổi mới về đối ngoại và kinh tế đối ngoại cùng với xu hướng toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng nhanh ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, ngành du lịch Việt Nam cũng đã có những bước tiến nhất định và ngày càng có tác động tích cực hơn đến nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội đất nước. Du lịch được xác định “là một ngành kinh tế mũi nhọn” trong các ngành kinh tế quốc dân và đang hội nhập với trào lưu phát triển du lịch của khu vực và thế giới.
Với những lợi thế về tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc phát triển du lịch của tỉnh Sơn La là phù hợp với xu thế của thời đại, phù hợp với chiến lược phát triển du lịch của Việt Nam, đặc biệt là chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong đó du lịch và dịch vụ được xác định là một ngành kinh tế quan trọng...
Năm 2012, tỉnh Sơn La đón 1.115 lượt khách du lịch đến năm 2015 lượt khách du lịch là 1.597 nghìn lượt, tăng gần 43%. Cùng với tốc độ tăng trưởng khách du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch ngày càng được chú trọng đầu tư xây dựng, đặc biệt là hệ thống các khách sạn tư nhân, bên cạnh đó là một số Nhà nghỉ du lịch và homestay. Tính đến cuối năm 2015, tỉnh Sơn La có 150 cơ sở lưu trú du lịch với: 24 Khách sạn (trong đó có: 01 khách sạn 3 sao; 12 khách sạn 2 sao và 11 khách sạn 1 sao); 118 Nhà nghỉ Du lịch và 08 Homestay, với 1900 buồng, với 3350 giường. Ngoài ra còn có 2 khách sạn đang đề nghị Tổng cục Du lịch xếp hạng 3 sao, với 120 phòng đưa vào sử dụng và 2 khách sạn đang xây dựng (dự kiến đăng ký hạng 3 sao), với 150 phòng dự kiến đưa vào sử dụng trong năm 2016. Các khách sạn có quy mô, chất lượng dịch vụ tốt chủ yếu tập trung tại thành phố Sơn La và khu du lịch quốc gia Mộc Châu, số ít còn lại nằm tại các huyện trên địa bàn tỉnh. Vào dịp cao điểm công suất sử dụng buồng phòng bình quân tại một số khách sạn lớn đạt khoảng 75%, các cơ sở còn lại công suất đạt gần 50%.
Lưu trú du lịch được xem là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong phát triển ngành du lịch. Tuy nhiên hoạt động dịch vụ này tại tỉnh Sơn La vẫn còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp đòi hỏi ngày càng cao và đa dạng của hoạt động du lịch trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng và toàn diện. Ngoài những nguyên nhân về thị trường thì đại đa số các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú trong tỉnh xuất phát từ hộ gia đình kinh doanh tận thu, nên cơ sở vật chất không đảm bảo đầy đủ các tiêu chí theo quy định, trang thiết bị tiện nghi xuống cấp nhưng chưa được quan tâm đầu tư, sửa chữa; Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của người quản lý điều hành, người lao động còn thiếu và yếu, thiếu kỹ năng phục vụ, giao tiếp với khách rất hạn chế, chưa đạt yêu cầu, trình độ ngoại ngữ chưa đáp ứng được công việc; Bên cạnh đó hầu hết các đơn vị kinh doanh cơ sở lưu trú chưa biết liên kết, hợp tác với nhau dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, mạnh ai nấy làm, giá phòng tự tăng lên vào mùa cao điểm...;
Với chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện, số người có khả năng và nhu cầu đi du lịch ngày càng nhiều, nên nhu cầu lưu trú càng tăng. Theo đó là nhu cầu về sản phẩm dịch vụ tại các cơ sở lưu trú du lịch cũng đòi hỏi phải nâng cao chất lượng dịch vụ, đổi mới và chuyên nghiệp hóa.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về số lượng và chất lượng của khách du lịch và mang lại sự hài lòng cho du khách thì các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị kinh doanh cơ sở lưu trú cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như:
Đối với các cơ quan quản lý nhà nước: Cần xây dựng hành lang pháp lý, chính sách, môi trường đầu tư thông thoáng nhằm thu hút thêm các nguồn vốn đầu tư vào kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch nhất là hệ thống cơ sở lưu trú; Xây dựng các chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch; Tăng cường công tác kiểm tra, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, và các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng đối với du khách; Tổ chức các hội thảo phát triển xây dựng sản phẩm nhằm tạo cơ hội hợp tác, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về cách điều hành, quản lý hướng đến phong cách, chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp, cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
Đối với cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh cơ sở lưu trú: Với xu thế du khách yêu cầu ngày càng cao về chất lượng dịch vụ nhưng phải bảo đảm tác động ít nhất đến môi trường thì các đơn vị kinh doanh lưu trú du lịch cần: Chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật, nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ, tạo phong cách riêng thu hút khách lưu trú. Tuy nhiên phải khai thác, sử dụng hợp lý năng lượng, tài nguyên thiên nhiên như thay thế đèn sợi đốt truyền thống bằng bóng đèn tiết kiệm điện, sử dụng hệ thống khóa từ quản lý điện năng trong phòng; dùng vòi nước cảm ứng, phân loại rác thải ngay từ nguồn, hạn chế sử dụng hóa chất để khử trùng nước tại hồ bơi; đặt những tấm thiệp nhỏ hay bảng báo kêu gọi khách lưu trú hỗ trợ đơn vị trong việc chung tay bảo vệ môi trường...; Đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến hình ảnh của cơ sở trên các phương tiện thông tin đại chúng một cách chuyên nghiệp và đồng bộ; Tổ chức, tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ cho người quảng lý và người lao động tại cơ sở; Tạo dựng môi trường làm việc tốt và chính sách ưu đãi cần được quan tâm hơn, giúp cho người lao động ngày càng tận tâm trong công việc phục vụ khách.
Hoạt động kinh doanh cơ sở lưu trú đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch, bởi đây là điều tạo ấn tượng tốt đẹp ban đầu đối với du khách, một trong những cơ sở quan trọng quyết định sự thành công của chuyến đi. Do vậy, việc quan tâm nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ của các cơ sở lưu trú là yếu tố cần thiết để nâng cao hiệu quả kinh tế, đáp ứng nhu cầu của du khách, đồng thời góp phần quảng bá, giới thiệu những thắng cảnh nổi tiếng của mảnh đất và con người Sơn La, thúc đẩy ngành Du lịch của tỉnh ngày càng phát triển xứng đáng với những nguồn tài nguyên du lịch mà chúng ta đang có. Sơn La đang phấn đấu đến năm 2020 có 4.600 buồng đáp ứng đầy đủ về số lượng chất lượng cho 2,1 triệu khách du lịch.
Nguyễn Thanh Huyền