Phát triển ngành chè gắn với du lịch trên cao nguyên Mộc Châu
Lượt xem: 1424
Năm 1958, cây chè được Nông trường Quân đội đưa vào trồng thử nghiệm tại cao nguyên Mộc Châu. Sau 60 năm, cây chè ở Mộc Châu được phát triển thành vùng nguyên liệu tập trung rộng lớn, với nhiều giống chè năng suất, chất lượng cao.

Những luống chè trải dài trên sườn đồi tạo ấn tượng cho du khách.

Hiện nay, huyện Mộc Châu có tổng diện tích chè 1.879 ha, sản lượng chè búp tươi trên 24.350 tấn, toàn huyện có 10 doanh nghiệp, HTX sản xuất kinh doanh chè; giá búp tươi chè Shan Tuyết trung bình từ 6000-7000 đồng/kg; chè Ô Long, Kim Tuyên từ 15.000-20.000 đồng/kg. Cây chè đã trở thành loại cây chủ lực trong phát triển kinh tế của Mộc Châu, hàng nghìn hộ dân đã có cuộc sống ổn định, ấm no nhờ cây chè.

Hiện, trên địa bàn huyện Mộc Châu đã hình thành nhiều sản phẩm du lịch sinh thái, trải nghiệm gắn với cây chè, như: Làng chè của Công ty cổ phần Vinatea Mộc Châu, khu vực đồi chè trái tim, đồi chè vân tay, vùng nguyên liệu chất lượng cao gắn với phát triển du lịch sinh thái của DNTN Mộc Sương… Với việc thu hút khách du lịch đến thăm quan, trải nghiệm đã giúp các tổ chức, cá nhân có thêm thu nhập từ hoạt động du lịch. Công ty cổ phần Vinatea Mộc Châu hiện đang có gần 600 ha chè nguyên liệu với hơn 3.500 lao động, 10 đội sản xuất và 2 nhà máy chế biến chè. Là một trong những đơn vị sản xuất kinh doanh chè lớn nhất trên địa bàn huyện Mộc Châu, hằng năm Vinatea sản xuất trên 2.500 tấn chè thương phẩm, doanh thu đạt trên 120 tỷ đồng. Ông Nguyễn Duy Chánh, Giám đốc Công ty cổ phần Vinatea Mộc Châu, chia sẻ: Là một trong những đơn vị kinh doanh nằm trong quy hoạch Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, do đó các hoạt động du lịch đã có những tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty. Với việc du khách ngày càng tìm đến với các đồi chè, nhà máy chế biến chè để tham quan sẽ là cơ hội để quảng bá các sản phẩm cũng như thương hiệu chè Mộc Châu đến với người tiêu dùng, từ đó góp phần mở rộng thị trường, tăng thu nhập cho cán bộ, công nhân viên và người làm chè, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Cách thị trấn Mộc Châu 10 km theo hướng đi quốc lộ 43, đồi chè trái tim là điểm đến thu hút đông đảo du khách khi đến với Mộc Châu. Vào vụ thu hoạch, du khách đến đây không chỉ tham quan, chụp hình mà còn được trải nghiệm tự tay hái những búp chè tươi xanh nhờ sự chỉ dẫn của những công nhân, người trồng chè nơi đây. Chị Nguyễn Lan Anh, du khách đến từ thành phố Hà Nội, chia sẻ: Đến đây tôi được hòa mình vào không gian đầy màu xanh của bầu trời, của đồi chè. Ngắm nhìn những đồi chè xanh ngát, những cô gái dân tộc trong bộ váy áo sặc sỡ, tôi cảm thấy thật bình yên, thoải mái. Rồi khi được tự tay hái từng búp chè xanh non đã mang đến cho tôi trải nghiệm rất thú vị, giúp tôi hiểu hơn về mảnh đất và con người nơi cao nguyên tươi đẹp này.

Một trong những hoạt động để giới thiệu, quảng bá sản phẩm trà Mộc Châu, tôn vinh những người sản xuất, kinh doanh chè và đồng thời cũng là dịp thu hút du khách đến với vùng cao nguyên tươi đẹp chính là Ngày hội trà trên cao nguyên Mộc Châu được tổ chức hàng năm. Đây cũng là dịp thu hút các nhà đầu tư; tạo cơ hội hợp tác phát triển giữa các doanh nghiệp; hợp tác xã sản xuất, kinh doanh chè trong huyện với các doanh nghiệp ngoài huyện; góp phần tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho người trồng chè của huyện Mộc Châu. Qua đó, tạo sự tương hỗ, phát triển du lịch nông nghiệp “Thăm quan vùng chè Mộc Châu” nhằm tiếp tục thu hút đông đảo khách du lịch đến với Khu du lịch quốc gia Mộc Châu.

Để phát triển ngành chè gắn với du lịch bền vững, hiện nay các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh đang chú trọng áp dụng giải pháp công nghệ sạch, an toàn trong sản xuất chè; tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua các ngày hội, lễ hội để phát triển sản xuất, mở rộng thị trường cũng như thu hút du khách. Đồng thời, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển hình thức du lịch đồng chè, tuyên truyền cho cán bộ, công nhân viên, người lao động và khách du lịch không xả rác thải ra các đồng chè gây ô nhiễm môi trường và làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của cao nguyên Mộc Châu.

Theo Báo Sơn La