Phát triển du lịch Sơn La gắn với thích ứng và giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu toàn cầu
Cùng với sự biến đổi thường xuyên về nền nhiệt độ, sự khắc nghiệt của khí hậu trong năm, các hoạt động thiên tai như sóng thần, lũ lụt, hạn hán, nhiệt độ tăng khiến băng tan, mực nước biển dâng, biến đổi khí hậu đang là mối lo ngại của toàn cầu… Theo thống kê nhiệt độ trung bình hiện nay đã tăng 0,5 – 0,7oC so với 50 năm về trước, cùng với hiện tượng El Nino, La Nina đang tác động vào tất cả các vấn đề của cuộc sống xung quanh con người và tất cả các lĩnh vực như nông nghiệp, ngư nghiệp, văn hóa, du lịch, thương mại và dịch vụ; ảnh hưởng gián tiếp đến các lĩnh vực giao thông, công nghiệp, xây dựng, … sự tác động của nó có tính lâu dài, bất trắc, bất định, rộng lớn và không thể đảo ngược được. Một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề, nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu đó là ngành du lịch.
Trong những năm qua, việc phát triển du lịch bền vững trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Khoa học về biến đổi khí hậu và phát triển du lịch bền vững chưa có sự gắn kết chặt chẽ. Nếu giải quyết được vấn đề trên, du lịch có thể thích ứng được với biến đổi khí hậu, phát triển một cách bền vững và tác động trở lại giúp giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu đối với môi trường và xã hội, giúp nâng cao nhận thức về các hành động liên quan đến bảo tồn thiên nhiên và khí hậu, khách du lịch trở thành những sứ giả cho các hành động bảo tồn thiên nhiên và khí hậu.
Trong Hội nghị “Việt Nam: Hướng tới phát triển bền vững trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu” do Dự án EU – ESRT (Dự án Chương trình Phát triển Năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội) phối hợp với Tổng cục Du lịch Việt Nam tổ chức, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Bruno Angelet đã phát biểu: Biến đổi khí hậu hiện là vấn đề nghiêm trọng mà Việt Nam phải đối mặt, trong đó ngành Du lịch cũng như Liên minh châu Âu đều đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó và giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Vậy nên phát triển du lịch bền vững cần hướng tới giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đối với môi trường và du lịch. Cũng tại Hội nghị này, thay mặt nhóm chuyên gia Dự án EU-ESRT, giáo sư Peter Bus đã trình bày về những khuyến nghị và các bước thực hiện tiếp theo về vấn đề này, trong đó, ông nhấn mạnh về sự phối kết hợp trong các hoạt động giữa các cơ quan chuyên trách về du lịch và môi trường ở các tỉnh, thành trên toàn quốc.
Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực du lịch và biến đổi khí hậu giữa Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) và Viện Chiến lược, Chính sách, Tài Nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tại Hội nghị (Ảnh: Vương Nhị)
Tỉnh Sơn La là một tỉnh miền núi phía Tây Bắc, trong những năm qua đã phải hứng chịu những tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, các loại hình thiên tai thường thấy tại Sơn La như lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, nắng nóng, hạn hán kéo dài… đặc biệt trong một đến hai năm gần đây đó là hiện tượng băng tuyết ở vùng cao. Qua đó có thể thấy, biến đổi khí hậu gây nên những ảnh hưởng nhất định đối với hoạt động Du lịch của tỉnh như phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, môi trường du lịch; làm xáo trộn sinh hoạt hàng ngày của người dân tộc vùng cao; thời tiết khắc nghiệt gây ảnh hưởng đến các hoạt động tham quan du lịch, quá lạnh làm chết cây cối hoặc quá nóng gây nên hỏa hoạn, các hiện tượng lũ quét, lũ ống khiến các công trình kiến trúc bị hỏng, đường giao thông tắc nghẽn, ảnh hưởng đến các tuyến du lịch, khu điểm du lịch và cuộc sống của người dân bản địa…
Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đối với lĩnh vực Du lịch, coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, Du lịch Sơn La đã đạt mức tăng trưởng đáng ghi nhận. Tuy nhiên, việc bảo vệ môi trường du lịch của người dân địa phương và du khách vẫn còn nhiều bất cập, nhân dân chủ yếu chú trọng khâu khai thác các dịch vụ du lịch, còn các vấn đề về môi trường và tác động của du lịch đến với môi trường hầu như chưa được quan tâm chính đáng - đây chính là vần đề nhức nhối trong công tác quản lý các khu, điểm, tuyến du lịch. Một trong những nguyên nhân, đó là nhân dân chưa nhận thức rõ về ảnh hưởng tác hại của biến đổi khí hậu. Nhiều nơi có cảnh quan đẹp nhưng không được gìn giữ gây hậu quả xói mòn đất, lũ quét, thay đổi dòng chảy... Các suối khoáng nóng tự nhiên đang bị khai thác bừa bãi, không có quy hoạch bảo vệ nguồn nước thiên nhiên quý hiếm. Các khu, điểm du lịch khai thác “ngắt ngọn” chưa chú ý đến công tác bảo môi trường, phát triển du lịch xanh, bền vững. Tại nhiều khu điểm du lịch trọng điểm của tỉnh vẫn còn hiện tượng đổ rác thải bừa bãi gây mất cảnh quan đô thị, nhiều điểm chưa có nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ du khách, chưa có nội quy về bảo vệ cảnh quan môi trường...
Để phát triển du lịch gắn với thích ứng và giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay trên địa bàn tỉnh Sơn La đòi hỏi phải thực hiện tốt những nhiệm vụ sau:
- Nâng cao nhận thức: Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cán bộ trực tiếp quản lý trong lĩnh vực, người lao động trong ngành Du lịch và cộng đồng dân cư, du khách tại các điểm du lịch, tổ chức lễ hội và di tích. Các cơ quan truyền thông báo chí cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về phát triển du lịch bền vững gắn với thích ứng và giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn hiểu và có những chiến lược, hướng đi đúng đắn, kịp thời, góp phần xây dựng và phát triển nền kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Công tác quản lý nhà nước: Tăng cường hơn nữa sự quan tâm, chỉ đạo từ các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh Sơn La về công tác phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Lồng ghép, thực hiện các nội dung bảo vệ môi trường đối với các chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch; khẳng định và nâng cao vai trò của tiêu chí bảo vệ môi trường trong các hoạt động du lịch; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về môi trường. Các ngành chức năng tỉnh Sơn La, đặc biệt là ngành du lịch và tài nguyên môi trường cần có sự hợp tác chặt chẽ, tạo ra các diễn đàn trao đổi về chuyên môn nghiệp vụ để tìm ra những giải pháp khắc phục, hạn chế những tác động của biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay
- Cơ chế chính sách: Nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ cho việc áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường trong các hoạt đông du lịch. Phát triển các dịch vụ môi trường tại địa phương và trong mỗi đơn vị kinh doanh du lịch, xây dựng những chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu và môi trường bền vững; tổ chức ký kết giữa đơn vị kinh doanh du lịch và nhà quản lý tại địa phương, cam kết nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường cũng như có những hành động làm giảm phát thải khí CO2 ra ngoài môi trường tại mỗi đơn vị kinh doanh du lịch; có biện pháp thông tin, tuyên truyền tới du khách về tạo dựng một môi trường du lịch trong sạch, hạn chế sự tác động vào môi trường, tác nhân gây nên sự biến đổi khí hậu.
- Phát triển sản phẩm du lịch: Phải theo quy hoạch, gắn hoạt động du lịch với các hoạt động cộng đồng về bảo vệ môi trường. Các sự kiện du lịch phải gắn với công tác bảo vệ môi trường. Xây dựng bộ tiêu chuẩn và xét tặng danh hiệu cho tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ môi trường.
- Đối với mỗi khách du lịch, người dân địa phương cần nghiêm chỉnh chấp hành những quy định về bảo vệ môi trường, có kế hoạch đi du lịch một cách kỹ lưỡng, lựa chọn những địa điểm du lịch phù hợp, sử dụng phương tiện phù hợp nhằm giảm lượng khí thải ra môi trường; có những hành động tích cực trong bảo vệ môi trường du lịch. Như vậy là mỗi cá nhân đã trở thành những du khách có trách nhiệm, đóng góp vào sự bền vững của các điểm du lịch nói riêng và hoạt động du lịch nói chung./.
Vương Nhị