Tỉnh Sơn La sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, điều kiện khí hậu lý tưởng, cùng những mảng màu văn hóa đặc trưng, riêng biệt của 12 dân tộc anh em cùng sinh sống. Đây chính là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng, gắn với bảo tồn, phát huy những nét văn hóa độc đáo và xây dựng nông thôn mới.
Khu du lịch nghỉ dưỡng cộng đồng Vân Hồ Ecologe, bản Hua Tạt, xã Vân Hồ.
Hành trình đến các bản du lịch cộng đồng tiêu biểu của huyện Vân Hồ, như: Hua Tạt, Nà Bai, Phụ Mẫu... khám phá những nét đẹp trong văn hóa truyền thống và trải nghiệm những nét sinh hoạt trong đời sống lao động sản xuất của đồng bào dân tộc, chúng tôi cảm nhận rõ sự đổi thay của vùng nông thôn ngày càng xanh, sạch, đẹp. Ông Đinh Văn Khuyên, chủ Homesay Điệp Hương, bản Nà Bai, xã Chiềng Yên, chia sẻ: Cả bản hiện có 10 hộ làm du lịch cộng đồng, từ ngày làm mô hình, chúng tôi được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước giúp dân làm đường bê tông, nhà văn hóa, sân thể thao... Ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường ngày càng được nâng lên, bà con bảo nhau trồng thêm các loại hoa dọc các tuyến đường để bản mình đẹp hơn, nhiều khách đến tham quan, trải nghiệm.
Tỉnh ta đã có chính sách xây dựng du lịch cộng đồng trở thành một trong những sản phẩm đặc thù của tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh hỗ trợ và duy trì nhiều bản du lịch cộng đồng tiêu biểu, như: Bản Bó, bản Hùn, bản Hụm (Thành phố); bản Áng, bản Dọi (Mộc Châu); bản Lướt, Nà Tâu (Mường La); bản Bon (Quỳnh Nhai)... Đặc biệt, đã xây dựng được một số mô hình du lịch gắn với xây dựng NTM tiêu biểu, như: Tour du lịch siêu vườn trường trên địa bàn huyện Mộc Châu, mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách tại vườn dâu tây, thung lũng mận, đồi chè...; Tour du lịch trải nghiệm Trang trại du lịch bò sữa Dairy Farm thuộc Công ty CP giống bò sữa Mộc Châu...
Để phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng NTM, tỉnh ta đã tập trung huy động, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ phát triển du lịch và đầu tư các công trình hạ tầng, như: Các tuyến đường giao thông trục chính, đường nội bộ, điện, nước sạch... Các huyện, thành phố đã chủ động bố trí vốn đầu tư và kêu gọi xã hội hóa đầu tư, cải tạo, nâng cấp hệ thống đường bộ, các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ và đường huyện cơ bản được nhựa hóa, đường giao thông nông thôn, các tuyến đường bản, tiểu khu từng bước được bê tông hóa. Bố trí ngân sách địa phương sửa chữa, cải tạo đường giao thông kết nối với các khu, điểm du lịch, bản du lịch. Đồng thời, tập trung huy động các nguồn lực đầu tư các hệ thống điện chiếu sáng, trồng hoa hai bên các tuyến; hỗ trợ hệ thống thu gom, xử lý rác thải...
Bà Hoàng Ngân Hoàn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đánh giá: Việc triển khai chương trình xây dựng NTM đã tạo nên diện mạo mới, đặc biệt là hạ tầng, tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển du lịch nông nghiệp tại các bản có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng. Ngược lại, du lịch cộng đồng trở thành động lực thúc đẩy việc thực hiện phong trào NTM, do việc phát triển du lịch cộng đồng tạo ra những thay đổi tích cực trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, vừa tạo ra sản phẩm tiêu biểu, vừa gìn giữ được giá trị văn hóa gốc của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn, như: Cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ cho du lịch cộng đồng còn chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ; kinh phí hỗ trợ còn thấp, chưa phù hợp với yêu cầu đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng; nguồn nhân lực thiếu và yếu cả trong quản lý và lao động chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch. Phát triển sản phẩm du lịch chưa độc đáo, quy mô nhỏ, thiếu chuyên nghiệp, chưa phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc riêng biệt, đến nay, chưa có sản phẩm du lịch nào được công nhận.
Mô hình du lịch cộng đồng tại bản Nà Bai, xã Chiềng Yên (Vân Hồ).
Để khắc phục những khó khăn, tỉnh ta đang tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch, dự án, đề án, chương trình phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh và các địa phương. Tập trung nguồn lực xây dựng cải tạo, nâng cấp hạ tầng cơ sở du lịch đảm bảo thuận tiện, an toàn. Nghiên cứu, ban hành cơ chế chính sách phát triển du lịch phù hợp, có tính đột phá để thu hút các nhà đầu tư và nhân dân đồng hành cùng nhà nước phát triển du lịch nhanh, bền vững. Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, độc đáo và chuyên nghiệp, góp phần phấn đấu đưa Sơn La trở thành điểm đến an toàn hấp dẫn của vùng Tây Bắc.