Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu tự hào là nơi giúp đỡ, nuôi giấu cán bộ của nước bạn Lào, hoạt động gây dựng cơ sở cách mạng. Đây cũng là địa danh lưu giữ những giá trị to lớn về lịch sử, sự gắn bó máu thịt của tình đoàn kết giữa hai nước Việt Nam - Lào nói chung và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La với các tỉnh Bắc Lào nói riêng; góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, quan hệ đoàn kết đặc biệt, tình cảm thủy chung son sắt...
Khách du lịch tham quan và tìm hiểu Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào.
Nằm sát biên giới, bản Lao Khô có vị trí địa lý hết sức quan trọng, phía Tây và Nam giáp huyện Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào); địa hình hiểm trở, núi cao, nhiều thung lũng sâu, rừng rậm, là điều kiện thuận lợi cho việc đóng quân và hoạt động bí mật của du kích trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Cách đây hơn 70 năm, ngày 20/5/1948, Ban xung phong Lào Bắc được Bộ Tổng Chỉ huy Quân đội quốc gia và Dân quân Việt Nam ra chỉ thị thành lập. Ban Xung phong Lào Bắc do đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn (sau này là Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Thủ tướng, Chủ tịch nước CHDCND Lào) làm Trưởng ban, có nhiệm vụ gây cơ sở vùng sau lưng địch, phát động phong trào du kích để thành lập căn cứ địa kháng chiến chống thực dân Pháp, đào tạo cán bộ địa phương. Ban Xung phong Lào Bắc đã chọn bản Phiêng Sa, xã Chiềng On, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La làm nơi đứng chân, chuẩn bị mọi điều kiện cho thực hiện nhiệm vụ. Tại đây, nhân dân bản Phiêng Sa và gia đình ông Tráng Lao Khô đã ủng hộ, chia sẻ lương thực, thực phẩm để nuôi giấu cán bộ cách mạng, giúp đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn và Ban xung phong Lào Bắc từng bước tiến sâu vào nội địa Lào, gây dựng cơ sở, phát triển lực lượng góp phần đưa cuộc kháng chiến của nhân dân các bộ tộc Lào phát triển. Bản Phiêng Sa, xã Chiềng On, nay là bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài trở thành địa danh lưu nhiều dấu ấn về liên minh đoàn kết chiến đấu, biểu tượng của mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước, hai dân tộc Việt Nam - Lào.
Với giá trị quốc tế, lịch sử nổi bật của cách mạng hai nước Việt Nam và Lào, ngày 3/4/2012, Di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Việt Nam xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Nhằm bảo tồn di tích cách mạng trong kháng chiến chống thực dân Pháp, là nơi ôn lại truyền thống lịch sử, ghi nhớ công ơn của thế hệ cha, ông trong quá trình giải phóng dân tộc Việt Nam - Lào, góp phần ổn định chính trị, giữ vững an ninh, chủ quyền biên giới, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc. Nhằm phát huy di tích gắn liền với phát triển du lịch, Quốc hội hai nước đã quyết định và chỉ đạo xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô. Năm 2012, UBND tỉnh Sơn La tiến hành xây dựng quy hoạch tổng thể Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào trên diện tích gần 50 ha, gồm: Di tích gốc là khu nền nhà cũ của gia đình ông Tráng Lao Khô và các lán trại của Ban xung phong Lào Bắc thời kỳ 1948-1951; Đài biểu tượng Hữu nghị Việt Nam - Lào; nhà trưng bày các hình ảnh, tư liệu, hiện vật quan trọng về tình hữu nghị Việt Nam - Lào; nơi dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn; Bia dẫn tích tổng quan giới thiệu về di tích; nhà đón tiếp, khu giáo dục truyền thống. Trong đó, tiêu biểu là Đài biểu tượng hữu nghị Việt Nam - Lào được xây dựng với ý tưởng đài hoa hữu nghị mọc trên núi rừng Tây Bắc. Đài xây dựng trên đỉnh đồi, cao 18 m, phần đế tạo hình sóng nước với các cánh hoa sen, hoa chăm-pa cách điệu, thể hiện nét văn hóa đặc trưng của hai nước Việt Nam - Lào. Toàn bộ di tích được bao bọc bởi những cánh rừng nguyên sinh rộng lớn với nhiều loài thực vật phong phú.
Di tích được khánh thành đưa vào hoạt động ngày 6/7/2017, chào mừng Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam và đồng chí Pany Yathotu, Chủ tịch Quốc hội nước CHDCND Lào đã cùng cắt băng khánh thành công trình tôn tạo Di tích lịch sử quan trọng này. Từ đó đến nay, khu di tích là nơi giới thiệu, tôn vinh những giá trị lịch sử to lớn, mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa nhân dân hai nước, khẳng định tinh thần quốc tế cao cả và sự hy sinh to lớn của quân đội và nhân dân Việt Nam giành cho nhân dân Lào. Tính từ sau ngày khánh thành đến tháng 10/2019, đã có gần 10.700 lượt khách đến tham quan khu di tích, trong đó khách quốc tế gần 1.400 lượt, khách trong nước 9.255 lượt.
Việc bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô không chỉ là trách nhiệm đối với lịch sử của hai dân tộc, hai đất nước, mà còn thể hiện nghĩa tình, tri ân công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng hai nước của thế hệ hôm nay đối với các thế hệ cha, ông. Tuy nhiên, vì điều kiện đi lại khó khăn, lượng khách tham quan chưa thật nhiều. Để phát huy hơn nữa những giá trị của di tích, huyện Yên Châu cần phối hợp với các ngành liên quan sớm làm hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt để nâng tầm giá trị, tạo vị thế mới cho di tích; tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm bổ sung các tư liệu, hiện vật liên quan đến di tích để phục vụ công tác trưng bày, giới thiệu di tích với khách tham quan; tăng cường tập huấn, rèn luyện kỹ năng cho đội ngũ hướng dẫn viên người địa phương tại di tích, đảm bảo truyền tải đầy đủ nội dung, giá trị, ý nghĩa của di tích tới du khách. Bên cạnh đó, tích cực phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí tại địa phương và Trung ương làm tốt công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá; nghiên cứu tổ chức thường niên một số hoạt động của địa phương tại di tích và khu vực xung quanh, như: Ngày hội văn hóa Việt Nam - Lào, Ngày Tết độc lập 2/9, Ngày hội văn hóa các dân tộc của huyện, Hội chợ triển lãm... để thu hút du khách; đồng thời, phối hợp với huyện Xiềng Khọ, tỉnh Sầm Nưa (nước CHDCND Lào) tổ chức các tour đưa đón khách du lịch Lào tham quan di tích.