Những tri thức dân gian về cầu thang nhà sàn dân tộc Thái
Lượt xem: 514
Cuốn Văn hóa Thái những tri thức dân gian của tác giả Đặng Thị Oanh do Nhà xuất bản Thanh niên phát hành năm 2011, dày 200 trang đem tới cho bạn đọc những góc nhìn thú vị về hình tượng cầu thang nhà sàn Thái.

http://baosonla.org.vn/Uploads/Images2017/cau-thanh.png
Cầu thang lên nhà sàn dân tộc Thái (hình ảnh minh họa).

Tác giả đã mượn hình ảnh cầu thang để khuyên bảo mọi người khi làm bất cứ việc gì cũng phải xem xét, suy tính thì mới có kết quả tốt: “Lên thang xem bậc/ Đẵn cây xem hướng cành”. Hình tượng cầu thang cũng được dùng để lên án những thói hư tật xấu của con người trong xã hội, như thói ham chơi, lười lao động: Làm nương lười cầm rìu/ Làm ruộng bừa không nhấc/... Không lúc nào xuống khỏi cầu thang”. Việc đi lại trên cầu thang là một tiêu chuẩn để đánh giá đạo đức của những cô dâu mới về nhà chồng: không được lên xuống “đay quản”, không được vào gian hoóng, không được ngồi ở đầu cầu thang nhà chồng: “Bậc thang cùng đừng ngồi/ Ghế bố chồng chớ tựa/ Anh chồng đẹp đừng tán”. Người Thái còn mượn hình ảnh cầu thang để lên án lối sống mất đoàn kết, hay nói xấu mọi người của một số ít người trong xã hội: Xuống thang chưa hết bậc đã nói xấu nhau.

Vào những đêm trăng sáng, nam thanh nữ tú trong bản ngoài mường thường tụ tập ở nơi Hạn Khuống. Cuộc hát đối đáp diễn ra thật lãng mạn qua những câu hát xin thang tha thiết của các chàng trai: Xin nàng rộng lòng thương nàng hỡi/ Thang ba bậc bắc xuống/ Dứng sáu bậc bắc cho/ Để chúng tôi lên sưởi ấm lòng. Và các cô gái liền hát đáp lại một cách duyên dáng: “Em đây khó nghĩ trăm bề/ Thang ba bậc còn để trên rừng dướng/ Dứng sáu bậc còn để trên rừng giang/ ... Chàng lên hãy du thử lại thang/ Gõ thử thang phòng khi thang mục/ Du thử thang phòng khi thang chúng em long/ Thang mục hồn chàng sẽ tủi/ Thang long sợ chàng sẽ rơi...”. Trong cuộc hát đối đáp nếu bên nam thắng thì bên nữ mới bắc thang cho lên Hạn Khuống. Có thể nói chiếc thang Hạn Khuống là cánh cửa của tình bạn, tình yêu trong sáng.

Bên cạnh đó, cầu thang còn có vai trò quan trọng trong sinh hoạt tinh thần của bà con. Gần như tất cả các phong tục tập quán của người Thái như: Sinh đẻ, nuôi con, mừng nhà mới, cưới xin, ma chay tang lễ, cúng giỗ... cầu thang đều có mặt dù là ít hay nhiều, dù có ở phần đầu hay phần cuối buổi lễ.

Trong tục lệ cưới xin của người Thái, cầu thang là một trong những bước của nghi lễ cưới xin như: Dạm ngõ, ăn hỏi, gửi rể, lễ cưới, lễ tạ ơn... Trong lễ ăn hỏi, khi đoàn nhà trai đến nhà gái, đến nơi phải dừng dưới chân cầu thang hát hỏi xin lên nhà. Nếu nhà gái đồng ý thì mới lên thang vào sàn: “... Ông bà ơi - quan ngoại ơi!/ Mới lấy cái thang ngăn dẫn lối/ Thang sau ngăn mời đặt lên nhà/ Lấy thang dài to bắc mời chúng tôi lên!”.

Trong cuộc đời của mỗi con người làm nhà là công việc trọng đại. Khi đã chọn được ngày tốt chủ nhà tiến hành làm lễ lên nhà mới, việc cúng khấn ở chân cầu thang (tin đay) là một nghi lễ quan trọng. Trước khi bước lên thang vào nhà mới, chủ nhà hoặc thầy mo lấy chân dậm vào bậc cầu thang thứ nhất ba lần và miệng đọc bài khấn đuổi ma tà, cầu mong cho khi lên nhà mới ở cả gia đình được khỏe mạnh hạnh phúc: Cầu thang to tôi mới lên/ Tôi mới lên thang nhà to làm tạo/ Có nhiều khách đến chơi/ Ma gì trong nhà tôi cũng đuổi hôm nay.../ Táo quân ơi hãy đón tôi lên” (Lên nhà mới). Khấn xong, chủ nhà chọn một người đàn ông bên nhà vợ là người làm ăn phát đạt, tính tình ôn hòa, tốt bụng lên thang vào nhà trước để lấy may cho gia chủ.

Bên cạnh mảng dân ca dành cho người lớn, hình ảnh cầu thang cũng có mặt trong những bài đồng dao Thái, như bài đồng dao “Bi hua Bóh” (Chải đầu đẹp) được các em gái cất tiếng hát nhịp nhàng khi âu yếm chải đầu cho đứa em nhỏ của mình: “Chải chải/ Vuốt vuốt/ Chải đầu đẹp/ Chị dặn em/ Chớ bậy vào bậc thang lên xuống!/ Đừng bậy ra đường đi lối lại của bà con!/ Bà con biết sẽ rầy!/ Bà nội hay sẽ mắng” (Đồng dao Thái Tây Bắc - Tô Ngọc Thanh sưu tầm, dịch)...

Cầu thang của nhà sàn Thái ở Sơn La nói riêng và Tây Bắc nói chung phản ánh nhiều mặt trong đời sống vật chất và tinh thần cũng như các điều kiện về tự nhiên, về xã hội của dân tộc Thái nơi đây.

Theo Báo Sơn La