Nhiều địa phương hỗ trợ cho hướng dẫn viên du lịch bị ảnh hưởng bởi Covid-19
Lượt xem: 440

Theo Tổng cục Du lịch, với thủ tục được rút gọn đến mức tối đa theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ, đến nay nhiều địa phương đã thực hiện hỗ trợ đợt 1 cho các hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn, có nơi đang tiến hành hỗ trợ đợt 2.

Hướng dẫn viên du lịch đã phải tìm nhiều nghề khác để mưu sinh khi dịch Covid-19 đóng băng hoạt động du lịch (Ảnh:ST)

Cụ thể, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, các địa phương như Yên Bái, Gia Lai, Cần Thơ, Bình Định, Nghệ An, Lạng Sơn, Sóc Trăng đã hỗ trợ đợt 1 cho các hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19… Riêng Bình Định đang tiến hành hỗ trợ đợt 2.

Rút gọn thủ tục hành chính

Kinh phí hỗ trợ với hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo quy định tại điểm 9 Mục II, Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 với mức hỗ trợ 3.710.000/đồng/người, theo phương thức chi trả một lần.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc, đợt hỗ trợ lần này cho hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 về thủ tục hành chính đã được cắt giảm tối đa nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất. Thứ nhất, đơn giản hóa thủ tục đề nghị hỗ trợ, quy định 1 cửa tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cho hướng dẫn viên du lịch là Sở quản lý du lịch ở địa phương; Thứ hai, đơn giản hóa hồ sơ đề nghị, chỉ gồm 02 loại gồm giấy đề nghị theo mẫu và hợp đồng lao động hoặc thẻ hội viên; Thứ ba, cắt giảm thời gian thẩm định đến mức tối đa, còn 4 ngày; Thứ tư, hình thức nhận hỗ trợ sẽ được trực tiếp chuyển vào tài khoản của hướng dẫn viên, bên cạnh đó cũng có thể chọn nhận qua bưu điện hoặc trực tiếp.

Bên cạnh đó, theo Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ, khoảng thời gian nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ kéo dài 6 tháng (từ ngày 7/7/2021 đến hết 31/1/2022), thời gian này đủ để hướng dẫn viên du lịch hoàn thiện hồ sơ và lựa chọn thời gian thích hợp để nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ.

Gấp rút triển khai 

Bên cạnh một số địa phương đã tiến hành hỗ trợ đợt 1, các địa phương còn lại như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bắc Giang… đang tiếp nhận hồ sơ và chờ phê duyệt để tiến hành hỗ trợ cho hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn.

Trước đó, ngày 22/7, Tổng cục Du lịch đã có Công văn số 979 gửi các sở quản lý du lịch ở địa phương hướng dẫn thực hiện hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Riêng tại Đà Nẵng, ngày 30/7, địa phương ra thông báo thực hiện hỗ trợ người lao động trong ngành du lịch bị mất việc làm nhưng không có giao kết hợp đồng lao động.

Theo đó, các đối tượng được hưởng mức hỗ trợ này là người lao động tự do, bị mất việc làm ở các cơ sở lưu trú từ 20 phòng trở lên và các đơn vị lữ hành, khu điểm du lịch thuộc quản lý của Sở Du lịch (Khu du lịch Sun World Ba Na Hills, điểm du lịch Nhà trưng bày Hoàng Sa).

Người lao động còn cần điều kiện cư trú hợp pháp tại địa phương (có hộ khẩu thường trú hoặc sổ tạm trú), sẽ được nhận mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng; chi trả một lần cho người lao động.

Ngoài ra, đối với người lao động tự do làm việc ở các khu, điểm du lịch khác hoặc cơ sở lưu trú dưới 20 phòng, các điểm kinh doanh dịch vụ tại các bãi tắm, Sở Du lịch Đà Nẵng đề nghị liên hệ với UBND phường, xã nơi cư trú để được hướng dẫn cụ thể về hồ sơ hỗ trợ theo quy định.

Theo thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, trên toàn quốc hiện nay có 26.721 hướng dẫn viên du lịch đã được cấp thẻ, trong đó 16.965 hướng dẫn viên du lịch quốc tế, 8.743 hướng dẫn viên du lịch nội địa và 1.013 hướng dẫn viên du lịch tại điểm. Đại dịch Covid-19 đã khiến người lao động trong ngành du lịch gặp vô vàn khó khăn, đặc biệt là đối tượng hướng dẫn viên du lịch, đa số đã phải chuyển đổi nghề để mưu sinh như bán bảo hiểm, bán hàng online, làm sale bất động sản....

Dù số tiền không lớn, song việc hỗ trợ kịp thời và thực hiện minh bạch các gói hỗ trợ sẽ phần nào giúp người lao động trong ngành du lịch vượt qua khó khăn trước mắt, có thêm động lực ở lại với nghề khi dịch bệnh qua đi, du lịch phục hồi.