Nghệ thuật vẽ tranh thờ của người Dao
Lượt xem: 1126
Đối với đồng bào người Dao ở Sơn La, nghi lễ thờ cúng không thể thiếu bộ tranh thờ. Xung quanh bộ tranh thờ này, có rất nhiều điều bí ẩn.

http://baosonla.org.vn/Uploads/Images2017/uirjfcor.jpg
Anh Bàn Văn Long, bản Suối Bon, xã Lóng Luông (Vân Hồ) vẽ tranh thờ của người Dao.

Về Vân Hồ lần này, chúng tôi có dịp gặp anh Bàn Văn Long, bản Suối Bon, xã Lóng Luông, người hiện đang duy trì, lưu giữ nghề vẽ tranh thờ của người Dao. Qua anh, chúng tôi được biết thêm về “hậu trường” nghi lễ này. Tranh thờ tồn tại trong các nghi lễ người Dao có từ rất lâu đời. Tranh thờ vẽ xong phải làm lễ khai quang, rồi cất trong ống, khi có nghi lễ hoặc ngày tết mới đem ra treo. Mỗi nhà người Dao có ít nhất một bộ tranh thờ. Anh Long theo nghề vẽ tranh thờ để giữ gìn bản sắc dân tộc mình. Hiện, trong nhà anh đang có 15 bộ tranh đang vẽ dở do nhiều người đặt mua, mỗi bộ tranh (3 tờ) giá 1,4 triệu đồng/bộ.

Theo anh Long, nội dung của tranh thể hiện quan niệm của người Dao về vũ trụ, triết lý và mối quan hệ giữa cuộc sống con người với vạn vật. Trong đó, bảo trợ cho cuộc sống của con người là 3 vị thần (còn gọi là tam thanh), gồm: Ngọc thanh (thần cai quản trên trời), Thượng thanh (thần cai quản trần gian), Thái thanh (thần cai quản âm phủ). Trong 3 vị thần này, Ngọc thanh có vị trí cao hơn cả, 3 vị này có khi được vẽ độc lập ở từng bức tranh, nhưng cũng có khi được vẽ chung hoặc vẽ cùng các vị thần linh khác như bức “Tổng tinh đàn”.

Nhưng tựu chung lại thì Tam thanh luôn giữ vị trí trung tâm trong các bộ tranh người Dao. Trước đây, khi muốn có giấy để vẽ tranh thờ, người ta thường làm những tấm giấy dó khổ lớn, sau đó dùng keo da trâu (da trâu khô nấu lên thành keo) làm chất kết dính, dính ép 25 lượt giấy dó với nhau. Còn bây giờ phần lớn đều mua giấy công nghiệp khổ lớn và độ dài phù hợp.

http://baosonla.org.vn/Uploads/Images2017/vh2.JPG
Chân dung quan Thái thanh do anh Bàn Văn Long vẽ.

Tranh thờ của người Dao có mô típ theo kiểu tranh dân gian Hàng Trống (Hà Nội), nét vẽ thường tả thực và các màu xanh, đỏ, tím, vàng, đen, trắng được cụ thể trong từng họa tiết. Tranh vẽ chân thực theo chủ đề nên chỉ cần giới thiệu một lần là có thể nhớ  được ngay. Chẳng hạn, bức vẽ “Tổng tinh đàn” mô tả các vị thần linh được người Dao tôn thờ, trong đó các vị Tam thanh được đặt ở vị trí trên cùng. Bức vẽ “Thập điện diêm vương” nói về 10 cửa điện của diêm vương chỉ có cửa thứ 10 là cửa luân hồi, còn lại 9 cửa khác là cửa không tốt, với quan niệm, cửa diêm vương là nơi xử người khi chết xuống âm phủ, tùy theo lúc sống phạm các tội lỗi nặng, nhẹ khác nhau sẽ phải chịu những hình phạt khác nhau... Bức vẽ “Tứ đại nguyên súy” vẽ 4 vị thần trong vũ trụ rất uy phong: mưa, gió, sấm, chớp. Màu sắc của mỗi bức vẽ cũng tùy thuộc vào chủ đề hay nhân vật mà đưa ra những gam màu có đặc thù tương ứng, như bức Tam thanh thì gam màu chủ đạo cũng như trang phục của Ngọc thanh là màu xanh da trời; Thượng thanh thì chủ đạo là màu xanh lá cây; Thái thanh thì chủ yếu là màu đỏ, đen. Trong các bức tranh vẽ thần linh đều có vẻ mặt khác nhau, từng vị thần thể hiện nét uy vũ riêng biệt trên nền hào quang.

Các bức tranh thờ được treo kín trên vách nhà trong những lễ tục được quan niệm góp phần tiếp thêm sức mạnh và niềm lạc quan cho con người vào thế giới tự nhiên để hướng thiện, mang cốt cách của những chủ nhân vũ trụ. Việc vẽ tranh và sử dụng tranh thờ là một nét văn hóa tâm linh độc đáo, không pha lẫn trong đời sống tinh thần của người Dao.

Theo Báo Sơn La