Từ lâu, những con dao, cái cuốc sắc lẹm, bền, chắc do chính tay các thợ rèn người Mông chế tác đã được nhiều người biết đến. Với người Mông ở Hang Chú, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, bao đời nay, nghề rèn truyền thống vẫn được các thế hệ gìn giữ và phát huy như một phần không thể thiếu trong đời sống của đồng bào mình.
Lò rèn của người Mông bản Hang Chú
Từ một công việc của đàn ông người Mông...
“Ngày xưa, con trai người Mông đến tuổi lấy vợ là phải biết rèn. Biết ít thì rèn được con dao, biết nhiều thì tự rèn được cái cuốc, lưỡi cày. Người Mông đi chợ thường thì chỉ mua váy, áo chứ không mua dao, mua cuốc bao giờ. Cái nghề này theo tôi từ năm 20 tuổi rồi đấy”. Ông Già Chìa Và, bản Pa Cư Sáng A vừa nhanh tay vót cái chuôi dao vừa kể.
Lò rèn truyền thống của người Mông khá đơn giản, bao gồm: lò đốt, bộ phận tạo gió, một khối sắt to làm đe. Trước đây, nguyên liệu chính để rèn chủ yếu là những mảnh bom. Họ dùng than củi để nung nóng, tôi bằng thân cây chuối và mài sắc bằng đá mài dưới dòng suối chảy. Khác với các dân tộc khác, người Mông không quay bễ mà dùng một đoạn thân gỗ rỗng ruột, bên trong có miếng cao su, nối với cần kéo, đẩy dạng như pít tông gọi là “phông xa” để tạo ra gió khi rèn. Kỹ thuật chế tác không quá phức tạp nhưng để làm được một sản phẩm đạt chất lượng, đòi hỏi người thợ rèn phải có sức khỏe, lòng kiên trì và bàn tay khéo léo.
Các sản phẩm nghề rèn của người Mông bản Hang Chú
Mỗi người đều có bí quyết riêng để sản phẩm rèn của mình có nét khác biệt. Phải sau một hồi bắt chuyện, ông, Mùa A Tếnh, bản Pá Đông mới nói ra một phần bí quyết trong nghề của mình rằng: trong khi rèn, người rèn thường tìm cách tách phần lưỡi dao hay các nông cụ khác thành một đường rãnh rồi nhét một miếng thép mỏng vào đường rãnh đó. Sau đó, sản phẩm được nung và tôi cho hai phần kim loại này quyện chặt với nhau. Chất liệu thép rất cứng, bền và khi được mài kỹ thì rất sắc, bén. Cho nên, các sản phẩm như dao, cuốc...của người Mông đều có độ sắc ngọt, bền và không bị mòn nhanh khi mài nhiều lần. Nhờ vậy, các sản phẩm dao, cuốc, lưỡi cày…để lao động, sản xuất ở vùng núi cao nhiều sỏi đá, nhiều cây bụi lớn nhiều năm mà vẫn dùng tốt, ít bị hỏng.
Đến nghề truyền thống được nhiều người biết đến
Ngày nay, nghề rèn tại Hang Chú vẫn được duy trì và phát triển. Nhờ sự tài hoa, khéo léo mà những sản phẩm họ làm ra được nhiều người biết đến và ưa chuộng.
Lò rèn truyền thống của gia đình ông Già Chìa Và nay được cải tiến hơn với lò đốt bằng than đá, có hệ thống tạo gió bằng điện, không tốn nhiều công sức của người thợ và tạo công suất lớn hơn khi rèn. Nếu trước đây, người thợ phải mất 2 ngày mới rèn được 1 con dao thì nay có thể rèn được 2 - 3 con dao trong một ngày. Nguyên liệu để làm thành phẩm cũng phong phú hơn. Ngoài mảnh bom, họ còn dùng nhíp xe ô tô hay các khối sắt khác để rèn. Dù vậy, người Mông vẫn luôn giữ bí quyết truyền thống để tạo ra những sản phẩm tốt nhất, làm vừa lòng người mua.
Anh Hà Nguyên Nam, Phó chủ tịch xã Hang Chú cho biết: “Là người xuôi lên công tác ở đây, tôi ấn tượng nhất với nghề rèn của đồng bào Mông. Mỗi dịp về quê, tôi thường tìm mua những con dao đẹp mang tặng mọi người, vừa là món quà, vừa là vật dụng hữu ích cho các bà nội trợ”. Mỗi sản phẩm rèn ở đây được bán với giá khác nhau. Một con dao cỡ nhỏ có giá 150.000 - 200.000 đồng và giá trên 300.000 đồng với loại cỡ lớn . Họ thường bán sản phẩm rèn của mình cho du khách, mang xuống chợ hoặc làm theo yêu cầu của khách hàng. Tuy không phải là công việc chính nhưng nghề rèn cũng mang lại thu nhập từ 1 đến 2 triệu đồng/tháng cho các gia đình có người thợ rèn lành nghề, đây là số tiền có giá trị lớn đối với người dân ở một xã vùng cao còn nhiều khó khăn như Hang Chú.
Từ sự đầu tư của nhà nước về giao thông và các phương diện khác, đời sống của đồng bào Mông xã Hang Chú đang dần thay đổi. Nghề rèn truyền thống cũng có cơi hội phát triển, tạo thêm thu nhập cho người dân nơi đây.
Tặng Đào