Hỗ trợ người dân phát triển du lịch cộng đồng
Lượt xem: 405
Bản Tà Số 1, huyện Mộc Châu, được nhiều người biết đến bởi khí hậu mát mẻ, những vườn mận nở hoa rất đẹp vào mùa xuân. 197 hộ đồng bào dân tộc Mông sinh sống nơi đây đều giữ những nét văn hóa độc đáo trong sinh hoạt của dân tộc mình, đã tạo lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng. Các cơ quan chức năng ở Mộc Châu luôn quan tâm hỗ trợ nguồn vốn vay, hướng dẫn kiến thức để người dân phát huy tối đa văn hóa bản địa phục vụ phát triển du lịch.

Nhà nghỉ phục vụ du lịch cộng đồng tại bản Tà Số 1.

Đến thăm mô hình phát triển du lịch cộng đồng của gia đình anh Mùa A Của, bản Tà Số 1, xã Chiềng Hắc. Tháng 12 năm 2020, gia đình anh được Ngân hàng CSXH huyện Mộc Châu cho vay 100 triệu đồng để xây dựng mô hình nhà phục vụ du lịch cộng đồng. Từ tiền tiết kiệm và nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH huyện Mộc Châu, gia đình anh Của đã dựng được 1 căn nhà gỗ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mông với 5 phòng phục vụ khách ăn nghỉ. Anh Của cho biết: Hiện mô hình du lịch cộng đồng của gia đình đang mang lại thu nhập từ 20 đến 30 triệu đồng/tháng; tạo công ăn việc làm cho 2 lao động.

Từ năm 2020 đến nay, bản Tà Số 1 là điểm đến du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách gần xa. Bên cạnh việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thông qua các hoạt động sinh hoạt thường ngày thì các phong tục, tập quán, các lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian cũng được bản phục dựng và tổ chức, phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách, trong đó có việc duy trì và truyền dạy múa khèn Mông cho lớp trẻ. Hệ thống giao thông, điện, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng ở bản cũng ngày càng được hoàn thiện. Các hộ dân từng bước nâng cao ý thức trong việc cải thiện vệ sinh, cảnh quan môi trường.

Ông Mùa A Lu, Trưởng bản Tà Số 1, cho biết: Các hộ được tuyên truyền vệ sinh nhà cửa, làng bản, đặt các thùng rác tại các khu vực tham quan, phân công người dân tại bản thu gom rác thải nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, trồng nhiều loại cây, hoa tạo cảnh quan “xanh - sạch - đẹp”, tự giác di rời chuồng trại gia súc ra xa nhà, đầu tư xây dựng các công trình vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách, mua sắm thêm các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt để đón khách tham quan, lưu trú. Ngoài ra, người dân còn tự giác bảo nhau nâng cao ý thức trong việc giữ gìn an ninh trật tự tại bản và cho du khách, không để xảy ra tình trạng trộm cắp, mất trật tự an ninh…

Nhà nghỉ du lịch cộng đồng ở bản Tà Số 1.

Bên cạnh đó, những hộ làm du lịch cộng đồng cũng được tập huấn, truyền đạt kiến thức cơ bản về nghiệp vụ làm du lịch cộng đồng, như: Tổ chức kinh doanh các sản phẩm du lịch cộng đồng, tâm lý và kỹ năng giao tiếp trong phục vụ khách du lịch, đón tiếp và phục vụ khách lưu trú tại nhà, hướng dẫn tham quan cho khách du lịch.

Anh Mùa A Chu, một hộ làm du lịch cộng đồng ở bản Tà Số 1, chia sẻ: Nhiều du khách rất thích thú với những món ăn miền núi Tây Bắc. Vì vậy, chúng tôi không chỉ chú trọng chất lượng món ăn, nguồn thực phẩm tươi sống, an toàn thực phẩm mà còn phải quan tâm đến hình thức trình bày món ăn sao cho đẹp mắt; có cách giới thiệu món ăn độc đáo, hấp dẫn. Tất cả đều được cán bộ văn hóa, giảng viên du lịch đến tận nhà hướng dẫn cụ thể…

Ông Nguyễn Thế Cần, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mộc Châu, cho biết: Để hỗ trợ các hộ dân ở bản Tà Số có điều kiện làm du lịch, Ngân hàng CSXH huyện đã cho 5 hộ được tiếp cận nguồn vốn vay phát triển du lịch với tổng số tiền là 330 triệu đồng. Dự kiến trong năm 2022, nguồn vốn ủy thác do UBND huyện chuyển sang cho Ngân hàng CSXH huyện khoảng 1 tỷ 500 triệu đồng sẽ được dành ưu tiên cho vay phát triển du lịch tại bản Tà Số và các bản khác trên địa bàn huyện Mộc Châu có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm với mục tiêu phát triển khoảng 15 mô hình du lịch…

Truyền dạy múa khèn Mông cho thế hệ trẻ ở bản Tà Số 1.

Để phát triển du lịch cộng đồng tại bản Tà Số 1 theo hướng bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, huyện Mộc Châu tiếp tục ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ để thu hút khách du lịch. Tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho các hộ dân trong bản nhận thức rõ du lịch cộng đồng là ngành kinh tế có tính xã hội hóa cao và có nội dung văn hóa sâu sắc, có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho cộng đồng dân cư, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tiếp tục huy động mọi nguồn lực đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng ở bản Tà Số 1 nói riêng, các bản khác trong huyện nói chung, góp phần giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Tác giả: Theo Báo Sơn La