Du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách
Lượt xem: 465
Đầu năm mới, chúng tôi cùng các du khách khám phá một số điểm du lịch cộng đồng, trải nghiệm đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc, được hòa mình trong không khí rộn ràng tiếng chiêng, tiếng trống vang dội giữa núi rừng; say đắm trước những làn điệu dân ca, múa xòe của các thiếu nữ dân tộc.

Du khách trải nghiệm giã bánh dày tại “A Chu homestay” bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ.

Điểm đến đầu tiên là “A Chu Homestay” tại bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, ấn tượng bởi không gian yên bình, thơ mộng, những cây đào sần sùi, mốc thếch đã bung hoa đỏ thắm. Tráng A Chu là người tiên phong làm du lịch cộng đồng tại bản Hua Tạt, anh chia sẻ: Năm 2015, tôi bắt đầu làm du lịch cộng đồng, với mong muốn để du khách đến trải nghiệm và biết nhiều hơn về giá trị của đời sống văn hóa truyền thống của dân tộc Mông. Hơn 6 năm đầu tư vừa tích lũy học hỏi kinh nghiệm và nhờ sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, hiện tại Homestay được đầu tư quy mô bài bản, với khu vực ăn uống, phòng ở cộng đồng, 10 phòng đơn, khu vực tắm thuốc, đảm bảo phục vụ hàng trăm du khách. Thời điểm chưa bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, bình quân mỗi tháng gia đình đón khoảng 400 - 500 lượt khách tới tham quan, nghỉ dưỡng; doanh thu từ du lịch hàng năm đạt trên 1 tỷ đồng.

Bản Áng, xã Đông Sang (Mộc Châu), một trong những điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn ở Sơn La. Nơi đây hội tụ nhiều lợi thế để phát triển du lịch với cảnh quan đẹp, rừng thông rộng hơn 50 ha, hồ nước tự nhiên, nhiều vườn hoa bốn mùa khoe sắc và đặc biệt là cộng đồng sinh sống của đồng bào Thái với nét văn hóa dân tộc đa dạng. Nổi bật là Lễ hội Hết Chá được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, được nghiên cứu, phục dựng tái hiện vào dịp đầu xuân hàng năm, thu hút rất đông du khách đến tham quan, trải nghiệm. Nhận thấy tiềm năng lợi thế về du lịch, nhiều gia đình trong bản đã cải tạo, làm những ngôi nhà sàn kết hợp dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ, trải nghiệm văn hóa, hiện cả bản có hơn 50 homestay. Chúng tôi đã được trải nghiệm nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái qua việc cùng ăn, cùng ở và sinh hoạt dưới những nếp nhà sàn truyền thống với đầy đủ tiện nghi; được thưởng thức những món đặc sản của núi rừng, như thịt trâu, thịt bò gác bếp, cá suối nướng, xôi ngũ sắc, nộm rau rừng... Ấn tượng nhất là khi màn đêm buông xuống, cùng tiếng trống, tiếng chiêng rộn ràng, chúng tôi lại được hòa mình cùng những điệu múa xòe Thái đậm chất văn hóa địa phương.

Có lẽ phải mất rất nhiều thời gian mới khám phá hết được những điểm du lịch cộng đồng ở Sơn La, bởi đây là vùng đất được tạo hóa ban tặng nhiều cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng; là vùng đất quần cư lâu đời của 12 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc có nét văn hóa truyền thống, mang bản sắc riêng, được bảo tồn và phát triển, tạo nên một bức tranh văn hóa đa dạng, nhiều sắc màu. Khai thác tiềm năng lợi thế, kiến trúc nhà ở, cảnh quan, văn hóa bản địa, đã từng bước phát triển du lịch cộng đồng, tạo ra các dịch vụ trải nghiệm, giao lưu văn hóa, thưởng thức ẩm thực, nghỉ cộng đồng có sức hút đối với du khách.

Nổi bật là các điểm trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa dân tộc Mông, thăm đồi chè cổ thụ, săn mây tại xã Tà Xùa (Bắc Yên); khám phá cuộc sống của cư dân dọc hai bên bờ sông Đà, hòa mình với cảnh đẹp vùng non nước hữu tình tại lòng hồ thủy điện Sơn La, trải nghiệm nuôi cá lồng tại huyện Quỳnh Nhai, Mường La; tắm suối nước nóng bản Mòng, thưởng thức ẩm thực, tìm hiểu văn hóa Thái tại bản Bó, bản Hùn, bản Hụm (Thành phố); ngắm nhìn những ngôi nhà sàn làm từ gỗ pơ mu theo lối kiến trúc truyền thống, ngâm mình trong suối khoáng nóng giữa không gian của núi rừng tại Ngọc Chiến (Mường La); tìm hiểu văn hóa Mường và khám phá lòng hồ Suối Chiếu (Phù Yên)...

Anh Lê Ngọc Hà, quận Cầu Giấy (Hà Nội) đang trên cung đường khám phá các bản du lịch cộng đồng tại Vân Hồ - Mộc Châu, anh chia sẻ: Tôi rất ấn tượng cách người dân làm du lịch cộng đồng nơi đây, rất chuyên nghiệp, nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc. Chúng tôi thích nhiều món ăn ngon, đặc trưng của các dân tộc ở Sơn La. Đặc biệt là do dịch bệnh Covid-19 nên việc lựa chọn du lịch trải nghiệm sẽ an toàn hơn, không ở nơi đông người; được khám phá núi rừng, bản mường, các con tôi luôn háo hức tìm hiểu những nét văn hóa, cuộc sống thường ngày của đồng bào các dân tộc, điều mà các cháu mới chỉ được học trên sách vở.

Nhận thấy du lịch cộng đồng là xu thế đang phát triển mạnh khi nhu cầu trải nghiệm văn hóa của du khách ngày càng tăng, tỉnh Sơn La chú trọng và tập trung phát triển du lịch cộng đồng, gắn với xây dựng nông thôn mới, theo đó đã huy động, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ phát triển du lịch và đầu tư các công trình hạ tầng. Các huyện, thành phố đã chủ động bố trí vốn đầu tư và kêu gọi xã hội hóa đầu tư, cải tạo, nâng cấp hệ thống đường quốc lộ, tỉnh lộ và đường huyện; đường giao thông nông thôn, các tuyến đường bản, tiểu khu từng bước được bê tông hóa. Bố trí ngân sách địa phương sửa chữa, cải tạo đường giao thông kết nối với các khu, điểm du lịch, bản du lịch. Đồng thời, tập trung huy động các nguồn lực và sự đóng góp của người dân đầu tư các hệ thống điện chiếu sáng, trồng hoa hai bên các tuyến; hỗ trợ hệ thống thu gom, xử lý rác thải... để bản làng sáng, xanh, sạch, đẹp hơn.

Bà Hoàng Ngân Hoàn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La, cho biết: Với mục tiêu phấn đấu đưa du lịch Sơn La trở thành điểm đến an toàn hấp dẫn của vùng Tây Bắc, xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, chuyên nghiệp, bền vững và hội nhập quốc tế, ngành đã tham mưu với tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch, dự án, đề án, chương trình phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh và các địa phương. Tập trung nguồn lực xây dựng cải tạo, nâng cấp hạ tầng cơ sở du lịch, đảm bảo cho khách du lịch đi lại thuận tiện, an toàn. Đặc biệt, tham mưu cho tỉnh ban hành cơ chế, chính sách phát triển du lịch phù hợp, có tính đột phá để thu hút các nhà đầu tư và nhân dân đồng hành cùng Nhà nước phát triển du lịch nhanh, bền vững, vừa tạo ra sản phẩm tiêu biểu, vừa gìn giữ được giá trị văn hóa truyền thống.

Dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng phát triển du lịch cộng đồng vẫn là hướng đi bền vững, hiệu quả, vừa giữ gìn phát huy những bản sắc văn hóa đặc sắc của các dân tộc, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Tác giả: Theo Báo Sơn La