Chú trọng tuyên truyền, biểu diễn lưu động
Lượt xem: 505
Bám sát nhiệm vụ chính trị, Trung tâm Văn hóa tỉnh luôn chú trọng nâng cao chất lượng thông tin, quảng bá và biểu diễn của Đội tuyên truyền lưu động, góp phần cổ vũ, vận động nhân dân chấp hành các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng an ninh của địa phương.
Một tiết mục trong chương trình tuyên truyền, biểu diễn của Đội tại Lóng Luông (Mộc Châu).
Đồng thời, thúc đẩy phát triển phong trào văn hoá văn nghệ quần chúng ở cơ sở, bảo tồn, phát huy huy bản sắc giá trị văn hóa các dân tộc.
Đội tuyên truyền lưu động Trung tâm Văn hóa tỉnh có 9 biên chế là những tuyên truyền viên, biên tập viên, biên đạo múa, nhạc công và 10 cộng tác viên thường xuyên phối hợp biểu diễn. Hằng năm, Đội tuyên truyền lưu động Trung tâm chủ động xây dựng từ 4-6 chương trình tuyên truyền biểu diễn nghệ thuật tổng hợp tập trung vào các chủ đề: di dân tái định cư thủy điện Sơn La; chương trình xóa đói giảm nghèo; công tác dân số-KHHGĐ; Luật Giao thông đường bộ; bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, phòng, chống ma túy... Bình quân mỗi năm thực hiện từ 120-140 buổi tuyên truyền, biểu diễn, phục vụ gần 200.000 lượt người nghe và xem. Đội trưởng Đội tuyên truyền lưu động Trung tâm Văn hóa tỉnh Phạm Thị Xuân Thịnh cho biết: Chúng tôi chủ động xây dựng chương trình tuyên truyền, biểu diễn ở cơ sở theo từng chủ đề, nội dung, Ban giám đốc Trung tâm duyệt, thẩm định trước 20 ngày, sau đó huy động lực lượng tham gia tập luyện và triển khai tuyên truyền, biểu diễn tại cơ sở theo kế hoạch.
Qua tìm hiểu, để chương trình tuyên truyền, biểu diễn ở cơ sở phong phú, hấp dẫn, Đội phối hợp với Phòng cổ động tuyên truyền của Trung tâm lựa chọn tranh cổ động, áp phích theo chủ đề căng, treo tại những địa điểm đến phục vụ. Đồng thời, soạn thảo bài tuyên truyền ngắn gọn, xúc tích, dễ hiểu, dễ nhớ; xây dựng nội dung chương trình văn nghệ hấp dẫn, trọng tâm, trọng điểm từ lời giới thiệu của người dẫn chương trình cho đến các tiết mục văn nghệ và đặc biệt là tiểu phẩm (kịch) tập trung cao cho chủ đề cần tuyên truyền. Xen giữa chương trình văn nghệ của đội là những tiết mục văn nghệ của bà con sở tại và phỏng vấn giao lưu khán giả theo chuyên đề tuyên truyền. Điều này, không những làm tăng thêm sự hấp dẫn của chương trình mà còn khơi dậy phong trào văn hóa, văn nghệ ở các xã, bản; phát hiện, bồi dưỡng hạt nhân văn nghệ ở cơ sở. Mỗi chuyến tuyên truyền biểu diễn ở cơ sở của Đội đều để lại ấn tượng tốt đối với đồng bào các dân tộc trên các vùng miền trong tỉnh.
Đội trưởng Phạm Thị Xuân Thịnh cho biết thêm: Những điểm đội đến tuyên truyền biểu diễn hầu hết là vùng cao, vùng xa, người dân vẫn còn thiếu món ăn tinh thần nên chương trình tuyên truyền, biểu diễn của đội lúc nào cũng được bà còn hào hứng đón nhận. Tháng 7 vừa qua, Đội thực hiện chương trình tại xã Chiềng Khương (Sông Mã), ban ngày trời nắng ráo, các thành viên của đội phối hợp với địa phương dựng sân khấu, phông diễn, lắp đặt âm thanh, ánh sáng phục vụ đêm diễn (địa điểm diễn của đội thường bố trí tại sân bãi của bản, xã)... đến 18 giờ hôm đó trời đổ mưa to chương trình không thể thực hiện được, bà con buồn lắm. Theo lịch trình, ngày hôm sau, Đội tiếp tục vào huyện Sốp Cộp tuyên truyền biểu diễn để hoàn thành chuyến công tác... Tuy nhiên, trước sự nhiệt tình của bà con xã Chiềng Khương nên sau khi biểu diễn xong ở Sộp Cộp, Đội quay trở lại xã Chiềng Khương diễn bù. Bà con phấn khởi lắm, tuyên truyền nhau đến xem rất đông và cổ vũ nhiệt tình.
Đội tuyên truyền lưu động Trung tâm Văn hóa tỉnh luôn hướng tới cơ sở nhằm nâng cao hiệu quả thông tin, tuyên truyền, cổ vũ bà con thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương. Hình ảnh các chiến sĩ văn hóa Đội tuyên truyền lưu động luôn gắn bó với đời sống sinh hoạt của người dân được đồng bào các dân tộc trong tỉnh, nhất là vùng sâu, vùng cao, vùng biên giới tin yêu.
Khánh Vân
17/09/2014