Chỉ số năng lực phát triển của Du lịch Việt Nam tăng 8 bậc trong bảng xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới
Lượt xem: 928
Báo cáo xếp hạng Chỉ số năng lực phát triển Du lịch và lữ hành (TTDI) năm 2021 được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố ngày 24/5 cho thấy, Du lịch Việt Nam đã có bước cải thiện lớn khi tăng lên 8 bậc trong bảng xếp hạng.

Bất chấp dịch Covid-19, Du lịch Việt Nam vẫn được WEF đánh giá tích cực (Ảnh minh họa: CTV)

Báo cáo của WEF nêu rõ, Việt Nam là quốc gia có mức tăng điểm số cao nhất thế giới (+4,7%), về xếp hạng tăng 8 bậc so với năm 2019 (kết quả xếp hạng năm 2019 cũng đã được tính toán, điều chỉnh lại theo Chỉ số năng lực phát triển). Cùng với Việt Nam, Indonesia (tăng 12 bậc) và Ả-rập Xê-út (tăng 10 bậc) là 3 quốc gia có chỉ số năng lực phát triển du lịch tăng hạng cao nhất.

Một số điểm đến nổi tiếng ở Đông Nam Á trong năm qua ghi nhận kết quả không tốt như: Thái Lan giảm 1 bậc, xếp thứ 36, Malaysia giảm 9 bậc, xếp thứ 38, Philippines giảm 2 bậc, xếp thứ 75.

WEF đã xây dựng báo cáo đầu tiên về Chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành toàn cầu vào năm 2007. Trong 15 năm qua, báo cáo này đã trở thành một “thước đo” uy tín hàng đầu trong ngành du lịch thế giới.

Việt Nam đứng thứ 52 về Chỉ số năng lực phát triển du lịch  (Ảnh chụp từ báo cáo)

Việc xếp hạng được dựa trên đánh giá bộ chỉ số năng lực phát triển du lịch gồm 5 nhóm với 17 chỉ số trụ cột và 112 chỉ số thành phần, được thiết kế tập trung nhiều hơn vào đánh giá vai trò của ngành du lịch trong một môi trường kinh tế-xã hội rộng mở hơn. Một số nhóm chỉ số mới so với trước đây đã được bổ sung như Tài nguyên phi giải trí; Sự bền vững về kinh tế-xã hội; Sức ép và tác động của nhu cầu du lịch…

WEF cho biết, trong 2 năm qua, những thiệt hại nặng nề của ngành du lịch do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận vấn đề, từ chỗ đánh giá xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh, giờ đây chuyển sang Chỉ số năng lực phát triển. Tư tưởng này được thể hiện rất rõ trong chủ đề của báo cáo năm 2021: “Tái thiết vì một tương lai bền vững và kiên cường hơn”.

Các tiêu chuẩn và thước đo mới của Chỉ số Năng lực phát triển du lịch và lữ hành “tập hợp các yếu tố và chính sách cho phép sự phát triển bền vững và linh hoạt của ngành du lịch và lữ hành, từ đó góp phần vào sự phát triển của một đất nước”.

Ấn bản năm 2021 của WEF nêu bật nhu cầu quan trọng đầu tư vào du lịch và lữ hành, tác động của Covid-19 và cách các bên liên quan có thể rút ra các chiến lược phát triển của du lịch và lữ hành để ngành này hồi phục tốt hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh những thách thức hiện tại, các cơ hội và rủi ro trong tương lai, cần phải tạo ra một lĩnh vực bao trùm hơn, bền vững và linh hoạt hơn.

Báo cáo cũng nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của công nghệ số trong tái thiết và phục hồi du lịch bền vững. Ngày càng nhiều các dịch vụ du lịch được tiếp cận qua nền tảng số như đại lý du lịch trực tuyến (OTA), kinh tế chia sẻ, đặt phòng trực tuyến, thanh toán điện tử, thiết bị di động… mang lại cho du khách nhiều tiện ích hơn, nhiều lựa chọn hơn và giảm bớt tiếp xúc trực tiếp, gia tăng trải nghiệm liền mạch của du khách. Bên cạnh đó, chăm sóc sức khỏe, điều kiện làm việc, điều kiện kinh tế-xã hội, bảo vệ xã hội… cũng là những vấn đề cần quan tâm.

Có thể nói, việc thăng hạng của du lịch Việt Nam trong báo cáo đánh giá theo hướng tiếp cận mới của WEF đã phản ánh những thành tựu trong công cuộc phòng, chống dịch bệnh ở Việt Nam, sự thích ứng linh hoạt, an toàn của du lịch Việt Nam với điều kiện bình thường mới. Đây cũng là cơ sở để du lịch Việt Nam tiếp tục các quyết sách hồi phục và tạo đà phát triển sau đại dịch.

Tác giả: Theo Báo Sơn La