Bài phỏng vấn đồng chí Trần Tân Phong về các di sản trên địa bàn tỉnh được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
1. P/v: Thưa ông, đến nay tỉnh Sơn la đã có 3 di sản được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, vậy xin ông cho biết về sơ bộ về quá trình lập hồ sơ cho các di sản này?
Ông Trần Tân Phong: Thực hiện Thông tư 04/2010/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể, để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Năm 2011, Sở VHTT&DL đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh, ban hành Kế hoạch Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, trình Bộ VHTT&DL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, giai đoạn 2011-2016.
Do đặc điểm địa hình, văn hóa, cư trú của các dân tộc, tỉnh Sơn La đã lựa chọn phương pháp kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể theo từng dân tộc. Lựa chọn một số bản ở các địa phương khác nhau, phối hợp với cán bộ, nghệ nhân tại địa phương để tiến hành công tác kiểm kê.
+ Năm 2011-2012: Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Thái.
+ Năm 2013: Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Mông.
+ Năm 2014: Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Mường, Dao.
+ Năm 2015: Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Khơ Mú, Xinh Mun.
+ Năm 2016: Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Kháng, La Ha và Lào.
- Qua quá trình kiểm kê, nghiên cứu, lựa chọn những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của các dân tộc để lập hồ sơ khoa học, các di sản văn hóa phi vật thể được lập hồ sơ khoa học phải đáp ứng được các yêu cầu của Thông tư 04, đó là: Có giá trị tiêu biểu về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, khoa học; Có khả năng bảo tồn và phát huy cao; Ưu tiên các di sản có nguy cơ mai một cao…
Năm 2012: qua việc lập hồ sơ Lễ hội Hết Chá, chúng tôi nhận thấy, đây là một lễ hội có quy mô nhỏ nhưng đây là một di sản có giá trị về nghệ thuật, về văn hóa… có những đặc điểm nổi bật chỉ riêng có của lễ hội này, đó là: diễn xướng dân gian: Khắp Chá; Xòe Chá; trang trí cây nêu trong lễ hội (Xặng Chá); Các trò diễn… Lễ hội được nghiên cứu, phục dựng lại sau nhiều năm gián đoạn, nhưng được phục dựng đầy đủ và đặc biệt từ sau khi được phục dựng, duy trì rất tốt, được đông đảo người dân đồng tỉnh ủng hộ, di sản được phát huy giá trị tốt, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa và đã trở thành một sản phẩm du lịch của huyện Mộc Châu.
- Năm 2012 - 2013: Được sự chỉ đạo của Bộ VHTT&DL về việc yêu cầu 6 tỉnh Tây Bắc lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Xòe Thái để đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, trên cơ sở đó, Bộ VHTT&DL sẽ lập hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận. Sở VHTT&DL đã phối hợp với các địa phương tổ chức khảo sát hơn 40 bản (ngoài các bản đã được kiểm kê di sản VHPVT theo kế hoạch kiểm kê di sản) tại địa bàn 12 huyện, Thành phố, khảo sát, nghiên cứu đầy đủ các điệu xòe của dân tộc Thái, ngành Thái trắng và Thái đen, các nhóm Thái địa phương: Thái Yên Châu, Thái Mộc Châu, Thuận Châu, Thành Phố, Quỳnh Nhai, Phù Yên… Hồ sơ đã được xây dựng trên cơ sở kết quả khảo sát thực tế, thông tin từ các nghệ nhân, các nhà nghiên cứu đã miêu tả được các điệu xòe Thái ở các vùng, các điệu xòe nghi lễ được bảo tồn trong lễ hội, các điệu xòe được cải biên phục vụ cho hoạt động văn nghệ quần chúng. Đặc biệt đã đánh giá được giá trị của Nghệ thuật Xòe Thái về giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật, giá trị khoa học và vai trò của Nghệ thuật Xòe Thái đối với cộng đồng các dân tộc Sơn La hiện nay.
- Năm 2012 - 2014: Từ việc lập Hồ sơ khoa học di sản Chữ viết dân tộc Thái, chúng tôi nhận định: tỉnh Sơn La có 12 dân tộc, các dân tộc đều có ngôn ngữ riêng nhưng chỉ có dân tộc Thái và dân tộc Dao có chữ viết. Dân tộc Thái có chữ viết từ thế kỷ thứ VI, theo hệ chữ Pâli của ấn Độ, chữ Thái tương đối thống nhất giữa các vùng của người Thái. Hiện nay, tỉnh có hơn một ngàn cuốn sách chữ Thái cổ, Dao cổ đã được sưu tầm, đang được lưu giữ trong Bảo tàng tỉnh, Thư viện tỉnh. Những cuốn sách cổ đã ghi lại lịch sử hàng ngàn năm thiên di, xây dựng bản mường, những bản tình ca nổi tiếng, những lời dăn dạy của cha ông, luật tục của bản mường… có lẽ trong các tỉnh Tây Bắc thì Sơn La là tỉnh có số lượng sách chữ Thái cổ đồ sộ nhất. Đặc biệt, năm 2013, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định số 1428/QĐ-UBND ngày 09/7/2013, công nhận bộ chữ Thái cổ truyền của Sơn La. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng trong việc phổ biến và giảng dạy tiếng nói và chữ viết Thái ở Sơn La.
Chúng tôi nhận thấy tầm quan trọng cũng như giá trị quý báu của việc công nhận và bảo tồn di sản chữ viết dân tộc Thái. Vì vậy, từ năm 2012, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành lập hồ sơ khoa học di sản Chữ viết cổ của dân tộc Thái. Hồ sơ được lập trên cơ sở tư liệu khảo sát tại các vùng Thái của Sơn La, từ kho Sách chữ Thái cổ của Bảo tàng tỉnh, Thư viện tỉnh… đặc biệt là từ những nghệ nhân đang thực hiện công tác bảo tồn và truyền dạy chữ Thái như các ông: Lò Văn Lả, Hoàng Trần Nghịch, Cà Chung… bà Lò Mai Cương - Tác giả đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh đưa bộ chữ trên vào máy tính và xây dựng bộ gõ chữ Thái trên máy tính, sau khi thành công, đã phối hợp cùng Viện Công nghệ thông tin (thuộc Viện Khoa học Việt Nam) với sự hỗ trợ của UNESCO, đã đề xuất đưa chữ Thái vào Unicode. Hiện nay, nhóm kỹ thuật Unicode đã chấp nhận đưa bộ chữ Sơn La, có bổ sung thêm 3 cặp phụ âm của địa phương khác vào Unicode.
Có thể nói, việc lập hồ sơ di sản chữ Thái cổ là một việc làm mạnh dạn vì những người lập hồ sơ khoa học không biết chữ Thái cổ, không phải người Thái; di sản này tuy rất độc đáo, rất quý nhưng khó xây dựng hồ sơ. Tuy nhiên, sau nhiều lần được sự góp ý của các nghệ nhân, Cục Di sản văn hóa… hồ sơ di sản đã được hoàn chỉnh, Hội đồng chấp nhận và phê duyệt, đưa vào Danh mục di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia tháng 3/2016.
Tóm lại: Tuy những người Lập hồ sơ khoa học Di sản văn hóa phi vật thể trình đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng với sự nhiệt tình, tâm huyết với công tác bảo tồn di sản; sự phối hợp, ủng hộ của các nghệ nhân, nhà nghiên cứu, các địa phương có di sản; sự chỉ đạo của Lãnh đạo tỉnh, Bộ VHTT&DL, các bộ hồ sơ di sản của chúng tôi đã đánh giá được thực trạng, nêu bật được những giá trị về khoa học, lịch sử, văn hóa …để được Hội đồng thẩm định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
2. P/v: Mỗi di sản văn hóa đều mang những giá trị lịch sử, văn hóa, giáo dục nhất định, vậy ông có thể cho biết về những điểm chung nhất trong giá trị của những di sản này ?
Ông Trần Tân Phong: Đúng là các di sản văn hóa đều mang những giá trị lịch sử, văn hóa, giáo dục nhất định, nhưng chúng tôi cho rằng điểm chung nhất trong giá trị của các di sản này là các di sản văn hóa đều mang đậm bản sắc dân tộc; đều có những nét bản sắc riêng có và hết sức quý giá, là niềm tự hào của các dân tộc.
3. P/v: Di sản văn hóa phi vật thể tồn tại hay phát huy giá trị phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức và hành vi của các chủ thể sáng tạo và sở hữu di sản, vậy ngành văn hóa, thể thao và du lịch có giải pháp thế nào đề phát huy những giá trị của các di sản này?
Ông Trần Tân Phong: Giá trị của các di sản sẽ có nguy cơ bị mai một, thất truyền nếu ta không có ý thức bảo tồn, phát huy. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, ngành đã tham mưu cho tỉnh đề xuất các giải pháp chủ yếu như sau:
- Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về giá trị di sản văn hóa để họ thấy tự hào về di sản văn hóa của dân tộc mình, từ đó tự nguyện gìn giữ và phát huy.
- Tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác quản lý, bảo tồn di sản văn hóa.
- Bảo vệ di sản và môi trường văn hóa một cách bền vững để có thể bảo tồn và phát huy di sản văn hóa lâu dài.
- Gắn với việc bảo tồn di sản văn hóa với việc phát triển du lịch, kinh tế, tăng thêm thu nhập cho người dân.
- Đẩy mạnh xã hội hóa nhưng cũng cần sự quan tâm đầu tư từ phía nhà nước cho công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.
- Có sự quan tâm, chỉ đạo từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND tỉnh về việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa sau khi được vinh danh.
P/v: Xin trân trọng cảm ơn ông!