“Hạ Long” trên núi
Lượt xem: 418
Thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất Quỳnh Nhai một bức tranh hài hòa với nước non hùng vĩ, cảnh quan thiên nhiên độc đáo. Đồng bào ở đây còn lưu giữ nhiều truyền thống văn hóa đặc sắc và các lễ hội đặc trưng của cư dân vùng sông nước dọc đôi bờ sông Đà... Đặc biệt, với lòng hồ thủy điện rộng mênh mông, Quỳnh Nhai được ví như “Vịnh Hạ Long” của vùng Tây Bắc.

Lễ hội đua thuyền truyền thống của huyện Quỳnh Nhai.

Trong nắng ấm áp của những ngày xuân, bơi thuyền khám phá lòng hồ thủy điện, du khách thỏa sức chiêm ngưỡng vẻ đẹp đôi bờ sông, không khí mát lành với làn nước xanh trong, những dãy núi đá vôi sừng sững cao ngất, in bóng xuống mặt hồ, những đảo lớn, đảo nhỏ đứng xen kẽ tạo nên bức tranh lung linh huyền hoặc của một vùng trời nước. Từng đảo lớn nhỏ được tô vẽ với những gam màu khác nhau rất sống động, có đảo được phủ xanh bởi những cánh rừng; có đảo nổi bật với gam màu tươi mới thay đổi theo mùa của những nương lúa, lúc xanh non mơn mởn, khi vàng rực soi bóng xuống mặt hồ; rồi những bán đảo với những ngôi nhà sàn ngói đỏ ẩn hiện dưới tán cây trái... Với hơn 10.000 ha mặt hồ đã và đang trở thành một trong những thế mạnh của Quỳnh Nhai vừa khai thác các nguồn lợi từ lòng hồ, vừa phát triển kinh tế trong đó có tiềm năng du lịch. Du khách đến đây vừa được tham quan, vãn cảnh, tham gia các lễ hội, vừa trải nghiệm cách nuôi cá lồng trên sông, tìm hiểu về các loại cá từ chép, trắm, rô phi đến các loại cá đặc sản nheo, tầm, lăng... Cùng thưởng thức các món đặc sản được chế biến từ cá như: cá nướng, cá gỏi, cá nấu măng chua... ngay tại các nhà hàng nổi trên sông.

Bắc ngang sông Đà sừng sững cây cầu Pá Uôn nối Sơn La với các tỉnh vùng Tây Bắc: Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai. Cây cầu tựa như dải lụa trắng vắt ngang dòng nước biếc nâng bước du khách tham quan trên lòng hồ thủy điện. Cầu Pá Uôn đã được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận là cây cầu có trụ cao nhất Việt Nam với trụ chính cao tới 98,6m. Cây cầu không chỉ gắn với công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á mà còn tạo điểm nhấn, hấp dẫn du khách đến với Sơn La, đến với Quỳnh Nhai. Đứng trên mặt cầu, du khách sẽ được thưởng ngoạn bức tranh sơn thủy hữu tình, có non có nước xen những ngọn đồi trùng điệp soi bóng xuống mặt hồ. Khi bình minh lên, những tia nắng phản chiếu xuống mặt hồ lấp lánh như dát bạc, thôi thúc bà con vùng hồ ra sông quăng chài, thả lưới đánh bắt cá, tôm...

Đến Quỳnh Nhai, du khách thường đến thăm các bản ven sông của người Thái từ các xã Mường Sại, Chiềng Bằng, Mường Giàng, Pá Ma Pha Khinh, Mường Chiên... để cùng say sưa thưởng ngoạn, khám phá những nét văn hóa truyền thống độc đáo, đặc sắc của người Thái trắng, tìm hiểu về những lễ hội truyền thống như: “Gội đầu”, “Kin Pang Then”,  thưởng thức nét ẩm thực phong phú của người Thái trắng với món khẩu lam, khẩu hang, pa pỉnh tộp, pa dảng, gà mọ... Được hòa mình trong vòng xòe, say mê trong tiếng đàn tính tẩu, sống trong sự gần gũi, thân thiện giàu lòng mến khách của tình người nơi đây tạo những ấn tượng không thể quên mỗi dịp đến vùng sông nước. Đặc biệt, lễ hội đua thuyền truyền thống được tổ chức vào mỗi dịp lễ tết hằng năm trên sông nước Đà giang càng thêm sự thi vị, hào hứng, đợi chờ... Một điểm đến không thể bỏ lỡ là Đền thờ Linh Sơn thủy từ và Di tích Nàng Han - nơi thờ vị nữ tướng đã có công đánh giặc bảo vệ bản làng, được huyện Quỳnh Nhai xây dựng từ tháng 10-2011. Trước đây, hai đền này nằm cách xa nhau ở khu vực bên sông, sau khi khôi phục đã được xây dựng cạnh nhau để bà con các dân tộc huyện Quỳnh Nhai trải lòng tín ngưỡng tâm linh.

Tiềm năng du lịch của Quỳnh Nhai là rất lớn, cần được đầu tư, phát triển tương xứng, để du khách đến với Quỳnh Nhai không chỉ mang tính tự phát mà là theo những tour du lịch quy mô, hiện đại và thân thiện như đồng chí Trịnh Thị Oanh, Bí thư Huyện ủy từng thông tin: Theo quy hoạch phát triển du lịch Sơn La đến năm 2020, Quỳnh Nhai sẽ là trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh. Bởi vậy, huyện xác định đây vừa là cơ hội cũng là thách thức. Huyện đang tiếp tục tập trung khảo sát, xây dựng tuyến, điểm du lịch cộng đồng và du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La; kêu gọi thu hút đầu tư về nguồn lực và nhân lực, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; nâng cao nhận thức của người dân về cách làm du lịch...

Tin tưởng Quỳnh Nhai sẽ là điểm đến lí tưởng hấp dẫn cả về cảnh sắc, văn hóa và con người Quỳnh Nhai - nơi được mệnh danh “Hạ Long” trên núi.

Báo Sơn La