TÌM HIỂU VỀ CHỈ SỐ HIỆU QUẢ QUẢN TRỊ VÀ HÀNH CHÍNH CÔNG (PAPI)
Lượt xem: 3611
Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (tiếng Anh: The Viet Nam Provincial Governance and Public Administration Performance Index (PAPI)) 

1. PAPI là gì:

Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (tiếng Anh: The Viet Nam Provincial Governance and Public Administration Performance Index (PAPI)) là một bộ chỉ báo hữu dụng phản ánh năng lực và hiệu quả quản trị ở cấp trung ương và cấp tỉnh ở Việt Nam, và cũng là công cụ đánh giá mức độ cải thiện của các cấp chính quyền qua thời gian. Nó phản ánh tiếng nói người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp.

Các đại biểu trao đổi về chỉ số Papi ở Việt Nam (Ảnh sưu tầm)

2. Mục đích:

Mục đích là để góp phần hoàn thiện quá trình minh bạch, thúc đẩy cải cách, phát huy sự tham gia của mọi tầng lớp dân cư vào quá trình xây dựng, thực thi và giám sát việc thực thi chính sách. Đồng thời dữ liệu của PAPI sẽ là những thông tin định lượng giá trị có thể tham khảo trong quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách. 

3. Tổ chức:

PAPI là chương trình khảo sát xã hội học lớn nhất tại Việt Nam, tập trung tìm hiểu hiệu quả công tác điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công dựa trên đánh giá và trải nghiệm của người dân, với dữ liệu được thu thập thường niên. Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) là sản phẩm của hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm Nghiên cứu Phát triển-Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam từ năm 2009 cho tới nay, cùng với sự hỗ trợ của các đối tác trong suốt quá trình triển khai thực hiện nghiên cứu, gồm Trung tâm Công tác lý luận và Tạp chí Mặt trận thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (từ năm 2009-2012), Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam (trong năm 2012), và Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (từ năm 2013). Các Ủy ban MTTQ thuộc các tỉnh/thành phố, huyện/quận, xã/phường đã giúp đỡ tạo điều kiện để nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát tại thực địa.

4. Mục tiêu phát triển:

Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) hướng tới cải thiện hiệu quả phục vụ nhân dân của chính quyền địa phương nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của nhân dân thông qua việc:

- Tạo cơ hội cho người dân tham gia đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền, vận động chính quyền cải thiện cung cách phục vụ nhân dân;

- Thúc đẩy việc tự đánh giá để đổi mới, tạo tập quán cạnh tranh lành mạnh và văn hóa học hỏi kinh nghiệm giữa các chính quyền địa phương. 

 

Công bố chỉ số pa pi (Ảnh sưu tầm)

5. Triết lý phát triển:

Người dân là trọng tâm của quá trình phát triển, là ‘khách hàng’ với đầy đủ khả năng đánh giá chất lượng phục vụ của nhà nước và chính quyền các cấp, đồng hành cùng nhà nước trên bước đường xây dựng “nhà nước của dân, do dân và vì dân” ở Việt Nam.

6. Đối tượng phục vụ:

- Người dân Việt Nam

- Chính quyền 63 tỉnh/thành phố (Tỉnh ủy/Thành ủy, Ủy ban Nhân dân, Hội đồng Nhân dân) và các cấp chính quyền cấp huyện/quận và xã/phường/thị trấn

- Các cơ quan trung ương (các cơ quan Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành)

- Báo giới, các tổ chức đoàn thể và các tổ chức xã hội

- Cộng đồng nghiên cứu ở Việt Nam và quốc tế

- Cộng đồng các tổ chức quốc tế và nhà tài trợ

Khảo sát chỉ số papi với người dân (Ảnh sưu tầm)

7. Nội dung:

* 8 chỉ số nội dung, 28 nội dung thành phần, hơn 120 chỉ tiêu chính, hơn 550 câu hỏi về nhiều vấn đề chính sách của Việt Nam:

-        Tham gia của người dân ở cấp cơ sở

-        Công khai, minh bạch trong ra quyết định

-        Trách nhiệm giải trình với người dân

-        Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công

-        Thủ tục hành chính công

-        Cung ứng dịch vụ công

-        Quản trị môi trường

-        Quản trị điện tử.

Nội dung đánh giá của PAPI dựa trên ba quá trình có tác động lẫn nhau, đó là: xây dựng chính sách, thực thi chính sách và giám sát việc cung ứng các dịch vụ công. Các trục nội dung được được thiết kế đặc biệt cho bối cảnh Việt Nam cả tầm quốc gia và cấp địa phương. PAPI là công cụ giám sát thực thi chính sách, được xây dựng trên triết lý coi người dân như “người sử dụng (hay “khách hàng”) của cơ quan công quyền (hay “bên cung ứng dịch vụ”), có đủ năng lực giám sát và đánh giá tính hiệu quả của quản trị và hành chính công ở địa phương.

8. Phương pháp:

Phỏng vấn trực tiếp với thời lượng Trung bình 45-60 phút/phỏng vấn

9. PAPI chọn người trả lời phỏng vấn như thế nào:

PAPI chia các tỉnh thành Việt Nam ra làm ba loại: loại lớn với trên 5 triệu dân (Hà Nội và TP Hồ Chí Minh), loại vừa với số dân 2 – 5 triệu (Thanh Hóa, Nghệ An, Đồng Nai, An Giang) và loại nhỏ với số dân dưới 2 triệu (57 tỉnh còn lại).

Để đảm bảo tính tương thích giữa tất cả các tinh/TP khảo sát, mỗi tỉnh/TP loại nhỏ sẽ có 3 huyện/quận được chọn, các tỉnh cỡ trung và lớn có 6 huyện/quận được chọn, trong đó huyện/quận là thủ phủ của tỉnh/TP (nơi có trụ sở UBND tỉnh/TP) luôn luôn được chọn để khảo sát (chọn mặc định). Các huyện/quận còn lại được chọn theo phương pháp ngẫu nhiên PPS (xác suất theo quy mô dân số). Tiếp theo, tại mỗi huyện/quận đã chọn sẽ chọn 02 xã/phường, trong đó một xã/phường, nơi có trụ sở UBND huyện/quận, lại được chon mặc định, còn xã/phường thứ hai được chọn trong các xã/phường còn lại theo phương pháp ngẫu nhiên PPS. Bước tiếp, chọn thôn/ấp/TDP (gọi chung là thôn), Tại mỗi xã/phường đã chọn, sẽ chọn 02 thôn, trong đó một thôn là nơi có địa điểm trụ sở UBND xã/phường, còn thôn thứ hai được chọn trong các thôn còn lại theo phương pháp ngẫu nhiên PPS. Cách chọn mẫu như vậy đảm bảo khả năng tham dự đồng đều theo địa lí và tình trạng kinh tế-xã hội, từ các vùng đô thị đông dân cư tới các vùng xa, vùng sâu, mền núi. Nhờ phương pháp ngẫu nhiên PPS cơ hội tham gia là như nhau giữa các đơn vị dân cư có quy mô khác nhau. Để xác định danh sách người tham gia trả lời phỏng vấn, tại mỗi thôn dựa trên phương pháp ngẫu nhiên PPS chọn ra 20 người từ 18 đến 70 tuổi (và 10 người dự phòng) để đảm bảo có 16 người mỗi thôn tham gia trả lời phỏng vấn theo dự kiến (24 người / thôn ở các tỉnh lớn). Một lần nữa, phương thức chọn mẫu theo xác suất như vậy đã đảm bảo cơ hội được chọn tham gia trả lời phỏng vấn của mỗi người dân trong độ tuổi trên đây là ngang nhau.

9. Lấy mẫu và thực hiện:

Theo chuẩn lấy mẫu hiện đại quốc tế: Xác xuất quy mô dân số (PPS) các đơn vị hành chính đến cấp thôn và lấy mẫu ngẫu nhiên người trả lời; khảo sát trên máy tính.  

10. Kết quả:

Kết quả của các chu trình nghiên cứu PAPI là những bộ dữ liệu đánh giá khách quan về chất lượng quản trị quốc gia từ trải nghiệm của người dân đầu tiên ở Việt Nam và được chia sẻ rộng rãi. Dựa trên kiến thức và trải nghiệm của ‘khách hàng’ đối với các ‘sản phẩm’ của toàn bộ quá trình ‘sản xuất’ của bộ máy nhà nước, PAPI cung cấp hệ thống chỉ báo khách quan góp phần đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, tạo động lực để lãnh đạo các cấp tại địa phương ngày càng nâng cao hiệu quả quản lý của mình.

PAPI nhận được sự hỗ trợ hiệu quả về chuyên môn và kỹ thuật của Ban Tư vấn quốc gia dự án PAPI và Nhóm chuyên gia quốc tế về đo lường quản trị nhà nước. UNDP, CECODES, MTTQ Việt Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và công ty Real-Time Analytics hy vọng sẽ góp phần hoàn thiện quá trình minh bạch, thúc đẩy cải cách, phát huy sự tham gia của mọi tầng lớp dân cư vào quá trình xây dựng, thực thi và giám sát việc thực thi chính sách. Đồng thời dữ liệu của PAPI sẽ là những thông tin định lượng giá trị có thể tham khảo trong quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách.

Cơ quan Hợp tác và Phát triển Tây Ban Nha (AECID) tài trợ giai đoạn thí điểm từ 2009 đến 2010. Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sỹ (SDC) tài trợ chính cho nghiên cứu PAPI từ năm 2011 đến tháng 11 năm 2017. Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) tài trợ chính cho PAPI từ tháng 12 năm 2017 đến tháng 6 năm 2021. Đại sứ quán Ai-len tài trợ một số hoạt động nghiên cứu PAPI từ năm 2018 đến năm 2021. Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đóng góp về tài chính và chuyên gia trong suốt tiến trình phát triển của PAPI./.

Tác giả: Nguyễn Văn Long