TIỀM NĂNG DU LỊCH SƠN LA
Lượt xem: 383
Đến với Sơn La, bạn sẽ được ngắm nhìn một vùng núi non hùng vĩ và khám phá về giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc vùng Tây Bắc, cũng như cuốn hút trong vòng xòe, ngây ngất say trong men rượu cần, cùng thả hồn theo ánh lửa bập bùng và giọng hát ngọt ngào, vang xa trong đêm hội nhạc rừng.

Trong những năm vừa qua, khi đất nước trên đà đổi mới, thì Sơn La cũng đã có nhiều chuyển biến sâu sắc, nhất là trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng cơ sở nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và cuộc sống của nhân dân. Sơn La được du khách biết đến bởi những nét văn hóa đặc sắc của 12 dân tộc anh em. Giữa cái rất riêng của 12 dân tộc ấy là những nét rất chung, đó là sự giao hòa giữa các nền văn hóa. 

Phần I: Khám phá vẻ đẹp thiên nhiên

Sơn La nơi có những địa chỉ hấp dẫn dành cho du khách. Nổi bật, phải kể đến di tích lịch sử bảo tàng và nhà tù Sơn La trên đồi Khau Cả; Di tích lịch sử văn bia vua Lê Thái Tông trên hang Thẳm Ké tại thành phố Sơn La. Đến với Sơn La du khách còn được thoả sức đằm mình bên suối nước nóng thiên nhiên cách thành phố chưa đầy 5 km. Suối nước nóng bản Mòng (Hua La) đang trở thành một trong những địa chỉ hấp dẫn của tour du lịch đưa đón khách đến với thành phố trẻ. Ngoài ra, Sơn La còn rất nhiều các điểm di tích lịch sử, danh thắng du lịch khác như: Hang Bia Quế Lâm Ngự Chế - nơi ghi dấu bút tích của Vua Lê Thái Tông năm 1440 với bài thơ được khắc trên vòm hang vách đá, đã khẳng định lịch sử, truyền thống hàng nghìn năm trước, nay đang trở thành điểm du lịch về nguồn cội hấp dẫn du khách thập phương; Hang bản Thẳm (Tông Lạnh) dài hơn km với 2 cửa hang thông ngang 2 sườn núi. Nơi đây từng là kho chứa vũ khí lớn nhất của quân đội ta trong chiến dịch Tây Bắc làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm Châu, chấn động địa cầu; Kỳ đài Thuận Châu (nơi Bác Hồ về thăm và nói chuyện với đồng bào các dân tộc Tây Bắc); Tượng đài TNXP ngã ba Cò Nòi; Tháp Mường Và; Hang Chi Đảy - là một danh thắng mới được phát hiện và đi vào khai thác trong những năm gần đây. Hàng ngày, đã có hàng ngàn lượt du khách hiếu kỳ về thăm, vãn cảnh, leo núi, khám phá những vẻ đẹp thiên tạo, như: Động thiên cung, tượng con voi, ruộng bậc thang, mâm quả na… tất cả đều bằng đá, lung linh, kỳ bí, huyền ảo;… 

Điểm nhấn khi đến với Sơn La là cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) nơi hội tụ đủ những điều kiện để trở thành một điểm đến du lịch sinh thái của vùng núi cao và trung du Bắc Bộ. Tuy vậy, tiềm năng du lịch mới chỉ đang hé lộ và khai thác bước đầu.Về những điều kiện tự nhiên, Mộc Châu rất lý tưởng để phát triển du lịch nghỉ dưỡng bởi khí hậu nơi đây tương tự với các khu nghỉ mát nổi tiếng như Sa Pa, Ðà Lạt. Với độ cao trung bình hơn 1.000 m, nằm giữa sông Ðà ở phía đông bắc và sông Mã ở phía Tây Nam, Mộc Châu có khí hậu thoáng mát trong khoảng nhiệt độ trung bình 18,50C hằng năm. Bên cạnh đó, sự đa dạng về bản sắc văn hóa dân tộc là điều kiện thuận lợi để khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, có giá trị cao. Ðó còn là khung cảnh cao nguyên hùng vĩ, vừa nên thơ, say đắm lòng người bên những đồi chè ngút ngàn tầm mắt, những vườn mận hoa trắng, những ngọn núi bốn mùa mây phủ và các bản làng ẩn hiện trong sương sớm cùng những thửa ruộng bậc thang nối nhau trên triền đồi. Ðến Mộc Châu, du khách còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của động Sơn Mộc Hương cạnh trung tâm huyện lỵ với các nhũ đá tuyệt đẹp, huyền bí. Chếch sang một chút gần thị trấn là rừng thông Bản Áng thuộc xã Ðông Sang, rồi thác Dải Yếm ở xã Mường Sang cao 100 m và các danh thắng như núi Pha Luông, sông Ðà, khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha cùng các hệ thống suối nước khoáng: Phụ Mẫu, Bản Bó, Hua Păng. Hiện tại, trên địa bàn huyện vẫn lưu giữ nhiều di tích như: Đồn Mộc Ly, bia lưu niệm Ðoàn 83 quân tình nguyện Việt Nam tại Lào thuộc xã Ðông Sang, di tích Bác Hồ nói chuyện với nhân dân Mộc Châu tại tiểu khu 13 của thị trấn, di tích lịch sử Ðoàn 52 Tây Tiến đánh thực dân Pháp, di tích chùa Vạt Hồng, đền Hang Miếng và các di chỉ khảo cổ ven sông Ðà đang tiếp tục được nghiên cứu, khai quật....

Ngoài ra, du khách có thể đi du lịch đường sông, xuống Chiềng Yên, tham quan sông Đà hoặc du khách đi du lịch quá cảnh sang Lào. Từ Mộc Châu xuống thẳng cảng sông Vạn Yên, nơi xuất phát tuyến du lịch sông Đà, đi du thuyền du khách sẽ được chiêm ngưỡng nhiều cảnh đẹp trên tuyến du lịch sông Đà kéo dài đến Thành phố Sơn La hoặc xuôi xuống thủy điện Hoà Bình. Mộc Châu có cửa khẩu Pa Háng sang Hủa Phăn (CHDCND Lào). Đoạn Mộc Châu - Pa Háng được mở rộng và nâng cấp thành quốc lộ. Đây là điều kiện thuận lợi cho khách du lịch tham quan môi trường tự nhiên Lóng Sập, Xuân Nha và nối tuyến sang thị xã Sầm Nưa.

Khu Lóng Luông, Vân Hồ - Mộc Châu là nơi cư trú nhiều đồng bào dân tộc Mông, giao thông đến các bản thuận tiện, cho phép phát triển một số làng văn hoá, tổ chức lễ hội dân tộc và các hoạt động ăn hoá đặc trưng của dân tộc Mông. Khu bản Áng đặc trưng cho bản sắc dân tộc Thái. Tại đây có một khu quần ngựa và có thể đi thuyền vào hai khu rừng tại km số 45 và Chiềng Sại, nơi đây người Thái - Mộc Châu và người Lào có cùng một ngôn ngữ.

Cách Mộc Châu khoảng 40 km về phía nam có khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha, nơi đây có nhiều rừng nguyên sinh và nhiều thú quý hiếm như hổ, gấu... là điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái. Một lợi thế nổi bật khác là Mộc Châu khá gần Thủ đô, nếu được quan tâm đầu tư, nơi đây có thể trở thành một trung tâm du lịch mang vai trò động lực, thúc đẩy sự phát triển của du lịch vùng Tây Bắc. 

Và đặc biệt, ngày 3/4/2015. tại huyện Mộc Châu, Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với UBND tỉnh Sơn La tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu. Theo quy hoạch, Khu du lịch quốc gia Mộc Châu có tổng diện tích tự nhiên 206.150 ha, nằm trên địa bàn 2 huyện Mộc Châu và Vân Hồ, sẽ trở thành khu vực động lực phát triển du lịch của tỉnh và của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, với hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao gắn với cảnh quan tự nhiên và bản sắc văn hóa các dân tộc. Khu du lịch quốc gia Mộc Châu trong tương lai sẽ hình thành 3 trung tâm du lịch trọng điểm, gồm: Trung tâm nghỉ dưỡng Mộc Châu, Trung tâm du lịch sinh thái Mộc Châu và Trung tâm vui chơi giải trí Mộc Châu.

Phần II: Khám phá các giá trị văn hóa đặc sắc

Xét về mặt tài nguyên du lịch nhân văn, thì Sơn La là vùng đất sinh sống lâu đời của 12 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng, độc đáo và tương đồng. Nhiều làng, bản dân tộc còn giữ được nhiều giá trị sinh hoạt văn hóa truyền thống, được xem như là tài nguyên du lịch nhân văn đặc thù để khai thác, tạo thành những sản phẩm du lịch văn hóa có giá trị. Nhiều làng bản dân tộc có đủ điều kiện để phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng gắn với xóa đói giảm nghèo, như các bản: Phụ Mẫu, Nà Bai, xã Chiềng Yên; Bản Áng, xã Đông Sang (Mộc Châu); Bản Hài, bản Cá, bản Bó (phường Chiềng An); Bản Tông, bản Hụm, xã Chiềng Xôm (Thành phố); Bản Han 4, Han 5, xã Mường Do (Phù Yên); Bản Lướt, xã Ngọc Chiến (Mường La); Bản Ca, bản Đúc, xã Chiềng Khoang (Quỳnh Nhai);... 

Các dân tộc Sơn La có nhiều lễ hội như: Lễ hội mợi, lễ kéo si, lập tịnh, lễ hội hoa ban, xên bản, xên mường, xíp xí, cầu mưa, cầu mùa, nào xồng, gieo hạt, kin pang then, gội đầu, xên pang ả, mương a ma, mừng cơm mới... cùng các trò chơi dân gian như: đua thuyền, tung còn, ném pa pao, bắn nỏ, giã bánh dầy, kéo co, đẩy gậy, đánh tu lu, rồng ấp trứng, tó mak lẹ... Về vũ, nhạc dân tộc có các điệu xòe, múa xạp, múa nón, múa khèn, múa ô, nhảy tha kềnh, múa chuông, múa cống tốp, au eo, cùng câu khắp, lời đang, câu ví...

Nếu du khách đã một lần đặt chân lên mảnh đất Sơn La thì ắt hẳn sẽ không thể nào quên mảnh đất và con người nơi đây, đặc biệt là thưởng thức những món ăn truyền thống của đồng bào vẫn còn được gìn giữ cho đến ngày hôm nay. Ẩm thực dân tộc Thái tương đối đặc sắc và đa dạng, đặc biệt người Thái sử dụng rất nhiều gia vị để chế biến các món ăn, người ta dùng gia vị nóng để trung hòa những món ăn lạnh, lấy vị chát bùi  trung hòa vị đắng cay…Dùng nhiều loại côn trùng, rau, măng khai thác trong rừng  để chế biến thức ăn. Các món ăn của người Thái chủ yếu là nướng và đồ, nhưng để dành ăn dần thì người ta cũng chế biến các món mắm, làm thịt, cá khô…

* Món chấm (chéo): 

Chéo là món chấm không thể thiếu được trong các bữa ăn bình thường cũng như khi đãi khách của đồng bào Thái  Sơn La. Món chéo là để chấm xôi, các món luộc, đồ, nướng và các món rau sống. Trong mâm cơm, nếu không có bát chéo thì coi là vắng chủ nhà. Họ sử dụng nhiều loại chéo trong bữa ăn hàng ngày phù hợp với các loại thức ăn khác nhau. Nhưng món chéo cơ bản nhất là chéo muối ớt (chéo ướt cưa). Ngoài ra, tùy vào từng loại thức ăn khác nhau mà họ có thể cho thêm các gia vị khác cho phù hợp: hạt tiêu rừng (mak khén), tỏi,  lá chanh, rau thơm, gừng, xả….gan hoặc tiết động vật…nước măng chua, quả rừng, đậu tương ủ… 

* Cá nướng gập (Pa pỉnh tộp):

Người Thái cư trú gần suối và có nhiều ao hồ nên việc đánh bắt và nuôi cá để dùng chế biến món ăn là rất phổ biến. Người ta chế biến nhiều loại món ăn từ cá: cá nướng; cá nấu măng chua, cá xông khói; cá gỏi...món cá nướng gập (Pa pỉnh tộp) được coi là đặc sản, được chế biến dùng trong bữa ăn hàng ngày cũng như trong các bữa tiệc. Người ta chọn cá chép, trắm, trôi…(cá chép là loại được ưa chuộng nhất)  khoảng 0, 3 - 0,5kg kg, béo và còn tươi sống; gia vị được băm nhỏ gồm: Húng, răm, hành, lá chanh, thìa là, muối, ớt, tỏi, gừng, sả, mák khén, mỳ chính. Cá không đem mổ bụng mà mổ dọc sống lưng. Mục đích của việc mổ đằng lưng là để khi gập, con cá mềm mại dễ gấp hơn và để phần gia vị nhồi trong bụng cá khi tiếp xúc với than hồng sẽ toả mùi thơm ngấm vào thịt cá. Người ta chỉ bỏ phần mật cá, phần lòng cá thì vẫn giữ nguyên,  nhồi  gia vị vào bụng cá, gập đôi con cá,  xoa một ít muối lên mình cá rồi kẹp vào gắp nướng bằng tre. Nướng cá trên than hồng, thỉnh thoảng phết một chút mỡ, khi nào cá chảy hết nước, có màu vàng và dậy mùi thơm của gia vị là được. Món cá nướng gập có vị ngọt thơm của cá, có vị cay nồng của các loại gia vị, dùng để ăn với xôi, làm đồ nhắm rượu

* Thịt băm gói lá nướng (Nhứa Pho):

Người Thái thường thích ăn những món nướng, phù hợp với việc ăn xôi. bà con thường chế biến các loại thịt động vật, côn trùng, cá bằng phương pháp nướng. Nếu nướng trên lửa, than hồng gọi là chí hoặc pỉnh; nướng vùi tro nóng gọi là pho. Món thịt gói lá cũng là món ăn hàng ngày, tùy từng loại thịt: lợn, trâu, bò….mà cho các loại gia vị khác nhau gồm:  muối, ớt, hành,  mì chính, ớt, tỏi, gừng, sả, mák khén.

Để chế biến món này, người ta băm nhỏ thịt, cho gia vị vào trộn đều để ngấm khoàng 10 phút, đem gói vào lá dong vùi vào tro bếp còn nóng. Khi nào lá dong xém vàng, thấy mùi thơm của thịt và gia vị là thịt đã chín. Để cho đỡ ngấy người ta có thể băm nhỏ rau cải, vắt bớt nước trộn vào thịt.

* Món xôi (khảu nứng):

Người Thái có tập quán ăn xôi từ lâu đời. Họ đồ xôi bằng ninh đồng, chõ gỗ. Khi xôi chín, đổ ra một cái mẹt gỗ quạt bớt hơi cho xôi không đọng nước, không bị nát, sau đó cho vào đồ đựng đan bằng tre (Cóm khẩu, ép khẩu) hoặc quả bầu khô (tẩu khẩu) để giữ cho xôi dẻo, ấm lâu, không đọng nước mà vẫn giữ được hương vị lại rất tiện lợi khi sử dụng. Xôi đồ bằng gạo nếp, không pha trộn thêm loại thực phẩm nào khác gọi là xôi trắng. Ngoài món xôi trắng, người Thái còn có cách chế biến các loại xôi màu bằng cách nhuộm lá cây (có tên là Khảu cắm) có 3 màu: Vàng, đỏ, tím. Cây Khảu cắm được đun nhừ, lọc lấy nước để nguội thì đổ gạo vào ngâm. Sau khoảng 1 đêm, vớt gạo ra để ráo nước cho vào chõ đồ lên. Món xôi màu không làm mất đi cái đặc trưng dẻo thơm của gạo nếp mà tô điểm vào đó màu sắc đẹp mắt, vị ngậy, vị bùi của lá cây đồng thời còn là vị thuốc rất quý dành cho phụ nữ sau khi sinh, làm cho người ăn thấy hấp dẫn và ngon miệng.

 Người Thái ăn xôi với các món ăn khác nhau. Ngoài ra, còn dùng xôi trộn với một số loại thức ăn gọi là bái: trộn với ong non (bái tô tó); trộn với quả trám (bái mak cưởm); trộn với cá (bái Pa)…

* Món pịa: Người Thái thường dùng chất chứa trong ruột non của các con vật ăn cỏ:  trâu, bò, dê….  Để làm món ăn hoặc chấm gọi là Pịa. Người ta lấy nước trong phần ruột non, cho các loại gia vi: gừng, xả, mak khén, ớt, lá chanh, băm thêm một chút thịt bạc nhạc, nội tạng của con vật, thêm ít tiết tươi cho vào nấu chín.  Món pịa khi ăn  có vị đắng, ngọt, bùi. Món pịa vừa là món ăn thông dụng, vừa là đặc sản của người Thái nói chung. Người Thái cho rằng: nếu mổ thịt các con vật ăn cỏ mà không có món pịa thì chưa gọi là cỗ. 

Món thịt xông khói (Nhứa giảng): Thịt hun khói có thể làm bằng thịt bò, thịt trâu, lợn hoặc ngựa. Đây vừa là một loại thực phẩm để dành, vừa là món ăn hàng ngày của người Thái. Người ta thái thịt dày khoảng 1 - 2cm, dài 15 - 20cm, nếu là thịt bò, trâu, ngựa… thì ướp tỏi, gừng, xả, ớt, hạt tiêu rừng, muối; Nếu là thịt lợn thì ướp muối, ớt, hạt tiêu. Dùng tay bóp kỹ cho ngấm gia vị ướp khoảng 10-15 phút, dùng que tre xiên vào treo lên gác bếp cho thịt khô dần. Khi miếng thịt khô, đem đồ lên cho thịt chín. Khi ăn ta đem vùi vào tro nóng, lấy chày đập cho thịt tơi ra, thịt dậy mùi thơm, gia vị đậm đà, đây là món ăn được chế biến cầu kỳ thường dùng cho phụ nữ sau khi sinh hoặc khách quí trong gia đình nhắm rượu, ăn cùng xôi. Thịt xông khói của người Thái vừa giữ được vị ngọt đậm của thịt, vị cay nồng của các loại gia vị. Đặc biệt là vị của hạt tiêu rừng đã làm cho món thịt bò, trâu, ngựa… xông khói của người Thái Sơn La có hương vị cay nồng riêng khác hẳn với các vùng khác.

Có thể nói, với vị trí địa lý và tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, Sơn La đang sở hữu những tài nguyên du lịch thiên nhiên và nhân văn hấp dẫn, có thể tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và vào sự nghiệp phát triển du lịch của cả nước.

Bùi Thanh Tùng