THỰC TRẠNG BIẾN ĐỔI VĂN HÓA VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP BẢO TỒN, PHÁT HUY VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA
Lượt xem: 8848
Nói đến Sơn La là nói đến một vùng văn hoá đa dạng, phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc, bởi mảnh đất này là nơi hội tụ sinh sống từ lâu đời của 12 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có một kho tàng di sản văn hoá mang sắc thái riêng và hết sức quý giá đã tạo nên cho Sơn La những giá trị văn hoá độc đáo, phong phú của các dân tộc.

Tỉnh Sơn La là một tỉnh miền núi, biên giới, có diện tích tự nhiên 14.174 Km², dân số hơn 1 triệu người, có 12 huyện, thành phố, nằm ở trung tâm của các tỉnh vùng Tây Bắc. Sơn La vừa là giao điểm của nhiều nét văn hóa đặc sắc, vừa là một trong các trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng chiến lược, quan trọng của vùng Tây Bắc Việt Nam. Nói đến Sơn La là nói đến một vùng văn hoá đa dạng, phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc, bởi mảnh đất này là nơi hội tụ sinh sống từ lâu đời của 12 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có một kho tàng di sản văn hoá mang sắc thái riêng và hết sức quý giá đã tạo nên cho Sơn La những giá trị văn hoá độc đáo, phong phú của các dân tộc.

Để cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc. Trong những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động và tập trung triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng về công tác phát triển văn hóa, thể thao và du lịch, tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực trong đó có công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc. Có thể nói: Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc của tỉnh Sơn La đã đạt được những thành tựu quan trọng. Nhiều đề tài khoa học, đề án, dự án, phương án bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc được quan tâm, triển khai thực hiện. Tiêu biểu như: “Khảo sát sưu tầm lễ hội dân tộc Mông tỉnh Sơn La”; “Giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Thái trong quá trình hội nhập quốc tế”; “Bảo tồn văn hóa  vùng tái định cư thủy điện Sơn La”; “Bảo tồn di sản văn hóa vùng lòng hồ thủy điện Sơn La”; …. Qua đó đã đánh giá được thực trạng của của di sản văn hóa các dân tộc và đưa ra những định hướng, giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của di sản trên địa bàn toàn tỉnh.

Song song với công tác nghiên cứu khoa học, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành kiểm kê di sản văn hóa của 09 dân tộc trên địa bàn tỉnh để nhận diện đầy đủ đặc trưng văn hóa của các dân tộc; Nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 12 di sản văn hóa tiêu biểu; Phối hợp với Viện Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái xây dựng hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái trình UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (đã được ghi danh ngày 15/12/2021); Nghiên cứu, sưu tầm, chế tác, thể hiện, truyền dạy và tư liệu hóa loại hình văn hóa truyền thống của các dân tộc như: Nhạc cụ truyền thống; dân ca, dân vũ; nghề thủ công truyền thống và các nghi lễ truyền thống; Tổ chức hơn 100 lớp truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể…

Không chỉ dừng lại ở các công trình nghiên cứu và việc sưu tầm, bảo tồn, tôn tạo các giá trị văn hoá truyền thống bằng sự đầu tư của Nhà nước. Phát huy thế mạnh của vốn văn hoá truyền thống, từ những chất liệu dân gian hiện có, tỉnh Sơn La tiếp tục đầu tư sáng tạo để nâng cao và làm phong phú thêm vốn văn hoá cổ truyền của các dân tộc, nhằm xây dựng nên những giá trị mới, diện mạo văn hoá mới, phù hợp với xu thế vận động và phát triển trong mạch chảy liên tục của văn hoá tỉnh nhà. Hàng năm Sơn La đều có mục tiêu dàn dựng, sáng tác các điệu múa, các bài hát mới. Nhiều chương trình, tiết mục có giá trị nghệ thuật cao, mang đậm bản sắc văn hoá các dân tộc Sơn La được ra đời và đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ.

Hàng năm Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ sở địa phương tổ chức tốt các hoạt động ngày Hội văn hóa các dân tộc Sơn La, Hội chợ về văn hóa ẩm thực các dân tộc Sơn La, sản phẩm nghề thủ công, sản phẩm nông, lâm nghiệp; tham gia và đăng cai  tổ chức  ngày hội văn hóa các dân tộc Tây Bắc, các hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật... góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa của tỉnh; quảng bá hình ảnh, di sản văn hóa các dân tộc Sơn La với các vùng, miền trong cả nước và các quốc gia trong khu vực.

Tuy nhiên. Hiện nay, cùng với quá trình hội nhập, phát triển kinh tế, xã hội thì các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc tỉnh Sơn La đang dần bị mai một và biến đổi một cách nhanh chóng. Ta có thể thấy rõ nhất sự biến đổi ở một số loại hình cơ bản như:

BIẾN ĐỔI VỀ CHỮ VIẾT

 Đa số các dân tộc tỉnh Sơn La bảo tồn rất tốt tiếng nói của dân tộc mình như dân tộc: Thái, Mông, Dao, Mường, Lào. Tuy nhiên do có sự giao lưu nhiều với dân tộc Thái và sự phát triển mọi mặt của đời sống xã hội đã làm cho những nhóm dân tộc thiểu số ở tỉnh Sơn La như Khơ Mú, Xinh Mun, Kháng ít sử dụng tiếng nói của dân tộc mình mà chuyển sang sử dụng tiếng Thái trong giao tiếp hàng ngày. Ngoài ra ở một số vùng thị trấn, thành phố, con em các dân tộc có bố mẹ là công chức nhà nước, hôn nhân khác tộc rất ít biết tiếng nói của dân tộc mình. Các thế hệ trẻ hàng ngày được học tập bằng tiếng phổ thông, được nghe, nhìn và thưởng thức văn hóa nghệ thuật cũng bằng tiêng phổ thông. Trong đời sống hàng ngày, ngôn ngữ phổ thông đã chiếm qua nửa với tư cách là phương tiện giao tiếp.

Nghệ nhân bảo tồn chữ viết của dân tộc Dao

BIẾN ĐỔI VỀ TRANG PHỤC

Trước đây, bà con tự trồng bông, lanh để dệt vải làm áo, làm chăn đắp, các loại vải này thường có các màu sắc chủ đạo là đen, đỏ, vàng, trắng. Ngày nay đa số bà con không còn trồng bông, lanh để dệt vải mà sử dụng sợi bông công nghiệp được mua ngoài chợ, có những nơi bà con còn bỏ cả nghề dệt mà mua vải dệt sẵn về để may trang phục; về màu sắc hoa văn trên vải và trên trang phục của họ đã rực rỡ hơn, đa dạng hơn, phong phú hơn; họa tiết trang trí hoa văn mới xuất hiện, cách thức may trang phục cũng được cải tiến, trước kia bà con thường may tay, bây giờ đa số đều được may máy. Xưa kia trang phục truyền thống được bà con sử dụng thường xuyên. Hiện nay, y phục truyền thống chỉ chủ yếu phổ biến ở vùng sâu vùng xa, hoặc các cụ già là còn giữ được thói quen mặc trang phục cổ truyền hàng ngày. Đa số các thành phần khác, nhất là thanh thiếu niên đều ưa dùng loại quần áo may sẵn bằng vải dệt công nghiệp như ở miền xuôi, họ chỉ mặc quần áo truyền thống trong các dịp hội hè, lễ tết.

 

Trang phục truyền thống của người Thái bản Áng, xã Đông Sang,
huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La

BIẾN ĐỔI VỀ NHÀ Ở

Qua quá trình sinh sống, do việc chặt phá rừng làm cho nguồn nguyên liệu tự nhiên cạn dần, buộc họ chuyển sang sử dụng các loại nguyên liệu khác để làm nhà, từ đó người dân từ loại hình nhà cổ truyền sang nhà xây theo kiến trúc phương Tây; chuyển từ nhà sàn sang nhà đất hoặc nhà xây, chuyển từ cấu trúc sinh hoạt truyền thống sang cấu trúc thông thường…  

  

Nhà sàn mái gỗ pơ mu của dân tộc Thái xã Ngọc Chiến, huyện Mường La

Từ những biển đổi đó, ta thấy rằng mặt trái của quá trình giao lưu văn hóa là yếu tố bản sắc dân tộc rất có thể bị mai một đi. Các yếu tố truyền thống đang ngày một bị thay thế bởi các yếu tố hiện đại. Sự biến đổi theo hướng mai một văn hóa truyền thống của các dân tộc có nhiều nguyên nhân như: Do sự tác động của kinh tế thị trường đã làm biến đổi đời sống kinh tế và tất yếu làm biến đổi cả đời sống văn hoá; Do điều kiện sống thay đổi, đời sống vật chất của cộng đồng các dân tộc thiểu số có phần được cải thiện nên người dân mong muốn thay đổi những phong tục tập quán mà đối với học đó là sự lạc hậu, nghèo đói...

Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được Nghị quyết Đại hội XIII của đảng; Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội Khóa XIV Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 và Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đã đề ra, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch đề xuất một số giải pháp cơ bản để góp phần giảm thiểu biến đổi văn hóa ở các dân tộc thiểu số, nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Sơn La trong thời gian tới như sau:

Một là: Nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, coi việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa là trách nhiệm của toàn xã hội. Đặc biệt là tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức cho mỗi người dân, để họ thấy tự hào, gắn bó với di sản, tích cực, tự giác trong công tác bảo tồn, phát huy di sản của dân tộc mình.

Hai là: Các loại hình văn hóa truyền thống phải được bảo tồn trong không gian văn hóa phù hợp. Gắn việc bảo tồn với việc phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh; phải có sự gắn kết giữa các cấp chính quyền với người dân địa phương thì công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa mới thực sự hiệu quả, có định hướng đúng, bảo tồn bền vững. Việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cần được gắn với phòng trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” qua việc đưa các quy định bảo tồn, phát huy văn hóa  truyền thống vào quy ước, hương ước để mọi người dân cùng thực hiện.

Ba là: Nâng cao nhận thức của người dân về truyền thống văn hóa, kích thích, khơi nguồn văn hóa dân gian, phát huy tính chủ động, tính cộng đồng của các dân tộc, vốn là truyền thống từ bao đời nay, người dân phải là chủ thể, người dân được khơi nguồn sẽ chủ động, tự giác tham gia gìn giữ, phát huy  di sản văn hóa.

Bốn là: Nhà nước tăng cường đầu tư cho việc bảo tồn, kế thừa và phát huy giá trị di sản văn hóa, vì đây không chỉ là giữ gìn nguồn tài sản quý cả về mặt vật chất, cả về mặt tinh thần dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa trong thời kỳ hội nhập quốc tế, mà còn là nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia trước sự gia tăng của các tôn giáo lạ, các mưu đồ khác nhất là ở vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, làm ảnh hưởng đến sự cố kết, biểu dương sức mạnh cộng đồng, hướng về cội nguồn, bảo tồn và trao truyền văn hóa.

Năm là: Bảo tồn và tôn vinh các giá trị tiêu biểu nhằm phục vụ chủ yếu cho các nhu cầu sinh hoạt văn hóa của cộng đồng cư dân địa phương. Nghiên cứu để di sản văn hóa phi vật thể trở thành sản phẩm du lịch, tuy nhiên cũng phải có biện pháp bảo tồn không gian văn hóa, cảnh quan môi trường tránh thương mại hóa di sản văn hóa. Tránh áp dụng việc sân khấu hóa vào các hoạt động văn hóa trong lễ hội truyền thống, việc sân khấu hóa các lễ hội sẽ dẫn đến giải thiêng, làm lu mờ "hạt nhân tâm linh", cái làm nên bản chất riêng trong lễ hội truyền thống./.

Tác giả: Nguyễn Thị Oanh - Phòng Quản lý Văn hoá