Tài liệu tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2020
Lượt xem: 2067
Rừng là nguồn tài nguyên quý giá của đất nước, là cơ sở để phát triển kinh tế, xã hội. Rừng cung cấp nguồn lâm sản giá trị, các loại dược liệu quý giá, là nơi trú ngụ của nhiều loài chim muông và các loài động vật quý hiếm. Rừng vô cùng quan trọng trong việc phát triển môi trường sinh thái bền vững: thực hiện quá trình điều hoà khí hậu, đảm bảo chuyển hóa oxy và các nguyên tố cơ bản của trái đất, ngăn chặn xói mòn, duy trì tính ổn định và độ màu mỡ của đất, hạn chế lũ lụt, giảm thiểu thiên tai, hạn hán, bảo tồn nguồn nước, giảm ô nhiễm không khí…

Tại Việt Nam, việc quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế, xã hội. Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực không ngừng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý rừng, đất rừng, tăng độ che phủ, tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng hạn chế nạn chặt phá, khai thác rừng, đất rừng bừa bãi.

- Điều 9 Nghị định số 09/2006/NĐ-CP ngày 16/01/2006 của Chính phủ quy định về Phòng cháy và chữa cháy rừng như sau: Nghiêm cấm các hành vi trong rừng, ven rừng:

1) Đốt lửa, sử dụng lửa trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt rừng đặc dụng, phân khu phòng hộ rất xung yếu.

2) Đốt lửa, sử dụng lửa ở các khu rừng dễ cháy, thảm thực vật khô nỏ vào mùa hanh khô.

3) Đốt lửa, sử dụng lửa gần kho, bãi gỗ khi có cấp dự báo cháy rừng từ cấp III đến cấp V.

4) Đốt lửa, sử dụng lửa để săn bắt động vật rừng, hạ cây rừng và đốt để lấy than ở trong rừng, lấy mật ong, lấy phế liệu chiến tranh.

5) Đốt nương, rẫy, đồng ruộng trái phép ở trong rừng, ven rừng.

6) Các hành vi khác trực tiếp gây ra nguy cơ cháy rừng. 

- Điều 19, quy định Các biện pháp chữa cháy rừng: Trong công tác chữa cháy rừng trước hết phải được thực hiện và giải quyết theo phương châm 4 tại chỗ: lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ. Các biện pháp chữa cháy rừng gồm có:

1) Huy động tối đa lực lượng, phương tiện và thiết bị, dụng cụ để chữa cháy: Đối với rừng có thể đưa phương tiện cơ giới vào chữa cháy thì phải huy động tối đa phương tiện cơ giới để chữa cháy; Đối với rừng mà phương tiện cơ giới chữa cháy không thể tiếp cận được thì phải huy động tối đa lực lượng và các phương tiện khác để chữa cháy.

2) Tạo đường băng cản lửa, khoanh vùng cô lập đám cháy.

3) Áp dụng "biện pháp đốt trước có kiểm soát" để chữa cháy khi có đủ điều kiện cho phép. 4. Đào kênh, mương, rãnh để chống cháy ngầm và chữa cháy…

Tỉnh Sơn La có diện tích rừng 628.430ha, đứng thứ 6 trong cả nước, đặc điểm địa hình của tỉnh phức tạp, chia cắt mạnh, phần lớn là đồi, núi dốc, khí hậu khắc nghiệt, trong năm có 6 tháng mùa khô. Bên cạnh đó người dân vẫn còn thói quen đốt nương làm rẫy tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn tới cháy rừng. Theo Chi cục kiểm lâm Sơn La, năm 2019 toàn tỉnh xảy ra 17 vụ cháy rừng. Trong đó, cháy 263,4 ha rừng trồng đang trong giai đoạn xây dựng cơ bản lâm sinh, mức độ thiệt hại từ 70-100%; cháy 33 ha rừng trồng đã thành rừng và 153 rừng tự nhiên, mức độ thiệt hại 5-15%. Kiểm tra, phát hiện, lập hồ sơ 566 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, đã xử lý 533 vụ (xử lý hành chính 529 vụ, xử lý hình sự 3 vụ,…. )

Với phương châm: “phòng là chính, chữa cháy kịp thời, bảo vệ an toàn diện tích rừng hiện có” năm 2020, tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục nỗ lực bảo vệ tốt diện tích rừng hiện còn; trồng rừng tập trung đạt 1.200ha; khoanh nuôi tái sinh 25.000ha rừng; trồng 1 triệu cây phân tán. Phấn đấu giảm cả về số vụ vi phạm và mức độ thiệt hại so với năm 2019, diện tích có rừng đạt 641.435ha, độ che phủ rừng từ 44,5% tăng lên 45,4%.

Vì sự phát triển bền vững của môi trường sống, Nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La hãy tích cực tìm hiểu và thực hiện tốt Luật Bảo vệ, phát triển rừng năm 2004; Luật Phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2001... nghiêm túc thực hiện các quy định trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; tích cực trồng cây, gây rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc!

Tác giả: Hoàng Thị Sinh