Nghệ nhân nặng lòng với văn hóa dân gian
Lượt xem: 555
Đã ngoài 80 tuổi, “gia tài” của Nghệ nhân Lò Xuân Thương, bản Púng, xã Púng Tra (Thuận Châu) có gần 300 bài thơ tiếng Thái. Ông đã được tặng nhiều bằng khen, giấy khen, các giải thưởng về thơ ca, tiêu biểu nhất là danh hiệu Nghệ nhân ưu tú được Chủ tịch nước phong tặng năm 2015 về loại hình tri thức dân gian, tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian.

Nghệ nhân Lò Xuân Thương, bản Púng, xã Púng Tra (Thuận Châu) kể về trường ca dân tộc Thái.

Tại nhà riêng của nghệ nhân ưu tú Lò Xuân Thương ở bản Púng, chúng tôi được trò chuyện với ông về chủ đề thơ tiếng Thái. Nhâm nhi cốc trà bằng các loại cây rừng, ông Thương lật từng trang của tập thơ “Co ban náu hay” (Cây ban trên nương) để đọc. Nói về mối duyên nợ với thơ ca tiếng dân tộc Thái, ông kể: Từ nhỏ tôi đã được tiếp cận với thơ ca, trường ca tiếng Thái. Hồi ấy, mỗi buổi tối, tôi thường được cha kể về các bài trường ca của đồng bào Thái như: Koam Chiên Lang, Nàng Chiêu Quân, Sống chụ Son sao, Khun Lú Nàng Ủa, Truyện Kén Kẻo, Ý Đăm - Ý Đón; Náng Ý Tú... và rồi niềm đam mê thơ ca tiếng Thái đã ngấm vào máu thịt.

Được gia đình cho ăn học rồi làm cán bộ, trải qua nhiều vị trí công tác, như: Giáo viên bình dân học vụ, Chủ tịch UBND xã, Bí thư Đảng ủy xã Púng Tra, Bí thư Huyện đoàn, Trưởng phòng Lâm nghiệp huyện, Trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thuận Châu..., nhưng ông Thương vẫn đam mê thơ ca tiếng dân tộc Thái. Nhất là thời gian công tác tại Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, đơn vị phối hợp với lực lượng Công an huyện thành lập đoàn công tác đi các xã tuyên truyền bài trừ mê tín dị đoan, tệ nạn ma túy, chống đánh bạc. Trong quá trình nghiên cứu phương pháp để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, ông Thương đã tìm hiểu kỹ tình hình địa phương, sáng tác, chuyển tải nội dung cần tuyên truyền thành những vần thơ tiếng dân tộc Thái. Ông kể: Ngày đó, chúng tôi thực hiện thí điểm tại xã Chiềng Ve, do những bài thơ tuyên truyền có nội dung mộc mạc, giản dị lại gần gũi, dễ hiểu, nên  bà con dễ nhớ, truyền miệng nhau, từ đó hưởng ứng và làm theo.

Ông Thương ngâm cho chúng tôi nghe ba câu thơ trong bài thơ Mường É hôm nay: Mánh “sóng tán” quát pay toi mướng pang bảư/ Thông một lẻ khẹ khệt tếnh tảu út giang/ Báng xia hảư mánh nhay can ló thôi ná. Dịch là: Cờ bạc túi mo quét theo mường xưa dốt nát/ Tẩu thuốc phiện bỏ đi cho tò vò làm tổ/ Cái khổ qua đi, cuộc sống mới tươi đẹp đang đến. Được biết, trong tổng số gần 300 tác phẩm thơ ca mà ông sáng tác, có nhiều tác phẩm đạt giải cao tại các cuộc thi của huyện, của tỉnh, trong đó có bài “Về thăm Sơn La quê em” đạt giải A thể loại thơ song ngữ tại cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật với chủ đề “Sơn La 120 năm hình thành và phát triển”...

Để lưu giữ thơ văn tiếng dân tộc Thái, Nghệ nhân ưu tú Lò Xuân Thương đã đề xuất với ban quản lý bản Púng và cấp ủy, chính quyền xã Púng Tra truyền dạy chữ Thái cho con cháu và những học sinh có nhu cầu học tập trong bản, trong xã. Do vậy, vào mỗi dịp hè, tại nhà văn hóa bản, các em được học viết 19 cặp chữ Thái, tập đọc, ghép vần; hiểu nghĩa từ, câu; viết các câu vè, thơ và nghe ông Thương kể về các bài trường ca của dân tộc. Điều đáng trân trọng là các lớp dạy chữ Thái của ông Thương đều miễn phí cho người học.

Rời bản Púng khi chiều về, chúng tôi nhớ mãi những câu thơ qua giọng ngâm và phiên dịch của nghệ nhân ưu tú Lò Xuân Thương. Mong rằng ông luôn mạnh khỏe để tiếp tục có những tác phẩm hay, góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa dân gian của đồng bào Thái trên đất Thuận Châu.