Ngân nga điệu Khèn bè Châu Yên
Lượt xem: 619
Quê hương Yên Châu-Sơn La hấp dẫn nhiều du khách không chỉ là xứ sở chuối ngọt, xoài thơm và nổi tiếng bởi huyền thoại những cô gái Thái bắn rơi máy bay Mỹ năm xưa, mà còn bởi những làn điệu khèn bè Thái say đắm lòng người. Âm thanh trầm bổng của điệu khèn vang lên luôn là lời mời gọi du khách gần xa đến thăm mảnh đất này không chỉ một lần.

Không biết từ bao giờ, chiếc khèn bè đã gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Thái Yên Châu- Sơn La. Ông Lừ Hồng Xưa, một trong số rất ít nghệ nhân biết chế tác khèn và thổi khèn hay ở Bản Tủm, xã Chiềng Khoi, huyện Yên Châu cho biết: Ngày xưa, ở các bản làng người Thái Yên Châu, các chàng trai dùng tiếng khèn để tỏ tình. Nhờ tiếng khèn mà nhiều đôi trai gái đã yêu mến nhau, kết duyên vợ chồng. Ngày nay, cùng với các nhạc cụ độc đáo khác của dân tộc như trống chiêng, đàn tính, sáo, nhị…khèn bè được sử dụng phổ biến trong đời sống sinh hoạt văn hóa cộng đồng, trong các dịp lễ, tết, hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng của huyện:“ Bản sắc dân tộc Thái  Yên Châu là thổi khèn. Khèn thổi trong những dịp lễ, tết, mừng nhà mới, đám cưới, biểu diễn văn nghệ…Lúc đông người như vậy, mang khèn ra thổi, người này hát, người kia đáp, hát giao duyên, hát đối với nhau rất vui nhộn, nên với đồng bào Thái Yên Châu không thể thiếu được tiếng khèn trong câu hát điệu xoè”. Không phải ai cũng biết chế tác chiếc khèn bè đúng quy cách.  Làm khèn bè đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế, kỳ công, từ chọn ống nứa, đến dùi lỗ ghép thành khèn. Nghệ nhân Lừ Hồng Xưa cho biết thêm:“ Cây nứa để làm khèn không phải loại nào cũng làm được mà phải là “mạy pao”, một loại nứa mọc tự nhiên trong rừng. Chọn lấy những ống nứa mọc nơi khô ráo, không lấy những cây mọc ở nơi ẩm thấp, vì những cây non, mọc nơi ẩm thấp mang về phơi nắng sẽ bị héo hết. Sau khi khi mang ống nứa về phơi nắng cho khô ráo khoảng một tháng, mới có thể chặt ra chế tác khèn được. Còn bầu khèn phải lấy một loại gỗ “mạy mụ” là loại gỗ dẻo, không vênh cong, nứt nẻ. Lưỡi gà của khèn được làm bằng đồng, hoặc bạc trắng hết sức tinh tế, nhỏ bằng sợi tóc. Thời gian để hoàn thành một chiếc khèn bè thường là một ngày”.

Người thổi khèn bè cũng phải hiểu được tính năng riêng của khèn và phải thuộc những giai điệu riêng, những bài hát, giọng ca của từng nghệ nhân. Từ đó mới luyến láy, lấy hơi thổi đệm sao cho nhịp nhàng theo các làn điệu dân ca, dân vũ để có thể chuyển tải đến người nghe cái hay, cái tinh túy, âm thanh độc đáo của khèn bè. Ông Lừ Văn Bánh, ở bản Nà Và, xã Viêng Lán, huyện Yên Châu, một trong những người biết thổi khèn từ thủơ còn chăn trâu cắt cỏ nói:“ Tôi rất yêu tiếng khèn bè của Yên Châu. Cho đến bây giờ tôi đã tuổi 67 rồi, nhưng vẫn yêu khèn bè, và thổi khèn bè trong các ngày lễ, ngày tết, hội thi của bản, của xã, huyện, tỉnh, thậm chí cả Trung ương cũng đến quay phim, chụp ảnh. Tiếng khèn bè Yên Châu không những bản thân tôi mà tất cả bà con nhân dân, thanh niên đang học khèn bè và không thể thiếu khèn bè được, lúc nào mệt mỏi, sản xuất thì tôi thổi khèn, để cho khèn bè được mãi mãi là tiếng khèn yêu thích”./.

                                              Tòng Đức Anh-CQTT Tây Bắc.