Nét đẹp vùng cao
Lượt xem: 368
Ở phố thị những ngày giáp Tết, hầu như ai cũng có nhiều lựa chọn trong việc mua sắm trang phục mới. Còn ở những bản đồng bào dân tộc Mông nơi vùng cao, chị em lại bận rộn hơn bởi những công việc thêu thùa, may trang phục để diện trong những ngày xuân. Trước thềm xuân mới, chúng tôi có dịp về bản Tà Số 2, xã Chiềng Hắc (Mộc Châu) để trải nghiệm nét đẹp truyền thống của phụ nữ Mông nơi đây.

Phụ nữ bản Tà Số 2, xã Chiềng Hắc (Mộc Châu) giao lưu ném pao ngày Tết.

Khi những tia nắng xuân xua tan lớp sương mù nơi vùng cao, cũng là lúc chị em phụ nữ bản Tà Số 2 hẹn nhau ở một địa điểm thân thuộc, để cùng thêu, may những bộ váy, áo truyền thống cho những người thân trong gia đình. Không biết cái nếp sinh hoạt này có từ bao lâu, nhưng cứ trước Tết khoảng 2 tháng, đến nhà nào trong bản cũng gặp hình ảnh từ cụ bà, thiếu nữ đến các bé gái đều mải miết trong từng đường kim, mũi chỉ. Hòa vào câu chuyện rộn ràng của một nhóm thiếu nữ, chúng tôi được biết, ngay từ khi mới 4-5 tuổi, những bé gái dân tộc Mông ở bản Tà Số 2 đều đã được làm quen với việc thêu thùa. Để rồi khi lớn lên, việc thêu, may trang phục trở thành thói quen và được chị em phụ nữ làm quanh năm. Ngày lạnh, sương buốt thì thêu, may trong nhà; ngày nắng lên thì chị em lại chuyển máy khâu, vật dụng ra ngoài sân để vừa làm vừa sưởi nắng. Tết càng đến gần thì không khí chuẩn bị váy, áo càng vội hơn, bởi thời điểm này là lúc chị em gác lại mọi công việc, tập trung hoàn thiện những bộ trang phục cho cả gia đình kịp diện Tết, chơi xuân.

Vừa thoăn thoắt đôi tay trên những họa tiết rực sắc, chị Tráng Thị Dợ, bản Tà Số 2, xã Chiềng Hắc, chia sẻ: Bây giờ, trên địa bàn xã và huyện đều có rất nhiều cửa hàng bán trang phục dân tộc Mông, với đa dạng mẫu mã, nhưng chúng tôi vẫn muốn tự tay làm cho bản thân và mọi người trong nhà. Chúng tôi thường mua sẵn những tấm vải, sau đó sẽ tự thêu tay từng họa tiết, hoa văn; rồi dùng máy khâu để ghép thành chiếc áo, chiếc váy, dải thắt lưng, dải yếm... Do tự tay làm, nên trang phục cho bố mẹ, chồng, con luôn được may vừa vặn với người, cùng họa tiết theo ý thích. Việc tự may trang phục còn giúp chúng tôi tiết kiệm chi phí hơn nhiều so với mua trang phục may sẵn. Đặc biệt, công việc này còn giúp chúng tôi giữ gìn phong tục truyền thống và truyền dạy lại cho con gái.

Xuân năm nay cũng đặc biệt hơn với phụ nữ bản Tà Số 2, khi bản được xã Chiềng Hắc và huyện Mộc Châu lựa chọn để xây dựng bản du lịch cộng đồng. Do vậy, chị em phụ nữ trong bản không chỉ chuẩn bị trang phục đón Tết cho gia đình, mà còn chủ động học hỏi, từng bước đưa trang phục truyền thống thành sản phẩm du lịch. Chị Tráng Thị Vế, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản Tà Số 2, cho biết: Hơn 60 hội viên của chi hội cũng đang thảo luận, bàn bạc về việc thành lập Câu lạc bộ thêu, may trang phục dân tộc Mông của bản. Chúng tôi sẽ may thêm những chiếc váy, áo, túi, mũ, khăn thổ cẩm... để cho du khách thuê. Câu lạc bộ cũng là nơi để gìn giữ và phát huy truyền thống; là nơi để chị em chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao chất lượng sản phẩm trang phục và đồ lưu niệm; đồng thời, phục vụ nhu cầu về hoạt động trải nghiệm của du khách khi đến tham quan, du lịch tại bản. Bên cạnh đó, chi hội phụ nữ cũng chủ động phối hợp với các tổ chức đoàn thể khác, các câu lạc bộ tu lu, văn nghệ, thể thao để tổ chức các hoạt động đón Tết, vui xuân an toàn, lành mạnh, ấm cúng.

Phong trào gìn giữ và phát huy nét đẹp truyền thống của phụ nữ dân tộc Mông ở bản Tà Số 2 đã trở thành điểm sáng và được Hội Phụ nữ xã Chiềng Hắc đánh giá cao. Bà Lường Thị Thuyên, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Chiềng Hắc, cho biết: Chi hội phụ nữ bản Tà Số 2 sẽ tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn, vận động chị em phụ nữ tham gia phát huy các giá trị văn hóa một cách hài hòa; phát triển các sản phẩm trang phục truyền thống, các hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian của dân tộc thành các sản phẩm, hoạt động du lịch phù hợp với địa phương. Qua đó, giúp chị em phụ nữ nâng cao đời sống, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần; giới thiệu và quảng bá nét đẹp đặc trưng; đồng thời, góp phần từng bước khẳng định và nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số trong cuộc sống.

Rời bản Tà Số 2, với những lưu luyến về một bản vùng cao giàu truyền thống; ngắm nhìn sắc màu thổ cẩm rực rỡ trên những bộ trang phục mới, sắc mận tinh khôi phủ lấy những mái nhà, tiếng khèn Mông cao vút, hương vị bánh dày thơm dẻo gạo nếp nương... tất cả đã tạo nên một bức tranh xuân ấn tượng nơi rẻo cao.