MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ THIẾT CHẾ VĂN HÓA CƠ SỞ
Lượt xem: 1343
“Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là động lực, vừa là mục tiêu phát triển kinh tế xã hội”. Vì vậy, việc xây dựng một “nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” là một nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt trong quá trình phát triển đi lên Chủ nghĩa xã hội. Trong đó, các thiết chế văn hoá đóng một vai trò quan trọng, là cầu nối trực tiếp giữa Đảng bộ và Chính quyền các cấp với quần chúng nhân dân, là nơi truyền tải những thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật Nhà nước đến với người dân.

Đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, các công trình phúc lợi công cộng, khu du lịch, vui chơi giải trí, quảng trường, công viên, thư viện, bảo tàng và nhà văn hóa tổ, bản tỉnh Sơn La là bước cụ thể hóa thực hiện một cách tốt nhất, có hiệu quả nhất các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa xã hội, coi trọng giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của nhân dân các dân tộc trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế, phấn đấu sớm đưa Sơn La trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc nói chung và của tỉnh Sơn La nói riêng.

Bên cạnh đó, Sơn La còn là một địa phương mà các thế lực thù địch luôn lợi dụng để tuyên truyền những âm mưu phản động gây chia rẽ, mất đoàn kết dân tộc, xuyên tạc, chống phá chế độ, gây hoang mang trong dư luận, mất ổn định về  chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng.

Chính vì vậy, công tác đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, các công trình phúc lợi công cộng, khu du lịch, vui chơi giải trí, quảng trường, công viên, thư viện, bảo tàng và nhà văn hóa tổ, bản tỉnh Sơn La được đặt ra một cách cấp thiết và cấp bách đòi hỏi những sự đầu tư lớn và đồng bộ.

Thực trạng về các thiết chế văn hóa hiện nay: Với phương châm xã hội hoá các hoạt động văn hoá, đặc biệt là với sự chuyển biến về mặt nhận thức của các cấp uỷ Đảng, Chính quyền các cấp, vấn đề xây dựng các thiết chế văn hoá đã có những bước khởi đầu rõ nét. Cấp tỉnh hiện nay đã thành lập được bộ máy cán bộ, công chức thuộc các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Ở cấp huyện, thành phố, mỗi huyện, thành phố đều có Phòng Văn hoá - thông tin, Trung tâm Văn hoá - Thể thao trực thuộc UBND các huyện, thành phố. Công tác đầu tư cơ sở vật chất: Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Bộ VHTT&DL và UBND tỉnh, cơ sở vật chất của toàn ngành đang từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị của tỉnh và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Toàn tỉnh hiện có: 185 nhà văn hoá xã, 2290 nhà văn hóa tổ bản, 59 di tích, danh thắng đã được công nhận trong toàn tỉnh,  203 thư viện, tủ sách các cấp; 11 đội thông tin lưu động; 10 hiệu sách; 26 đội chiếu bóng cơ sở... Bên cạnh đó, còn có một số thiết chế văn hoá của các ngành như: Trung tâm Văn hóa Thanh - Thiếu niên tỉnh; Nhà Thiếu nhi tỉnh; Nhà Văn hóa Tỉnh đội; Câu lạc bộ công nhân lao động của LĐLĐ tỉnh; Nhà văn hóa Thiếu nhi của huyện Mai Sơn, Thuận Châu..... được duy trì và thường xuyên hoạt động. Hầu hết quỹ đất dành cho hoạt động Văn hóa được bố trí ở những vị trí thuận lợi, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị của ngành. Tuy nhiên, tỷ lệ đất dành cho các thiết chế Văn hoá từ tỉnh đến cơ sở vẫn chưa đảm bảo so với tiêu chuẩn nên việc tổ chức khai thác và sử dụng để phục vụ nhiệm vụ chính trị còn có phần hạn chế, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển và hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Mặc dù cơ sở vật chất của ngành trong thời gian qua đã và đang được Trung ương, Tỉnh quan tâm đầu tư nhưng trên thực tế khó khăn lớn nhất hiện nay là cơ sở vật chất của các thiết chế văn hóa, thể thao và du lịch cơ bản từ tỉnh đến cơ sở còn thiếu và yếu, tính đến nay tỉnh Sơn La chưa có rạp chiếu phim; rạp hát; Trụ sở làm việc của Bảo tàng tỉnh, Thư viện một số huyện, thị, Trung tâm triển lãm, Quảng trường, Cụm tượng đài.

Một số cơ sở vật chất của các đơn vị sự nghiệp đang bị xuống cấp; Các di tích lịch sử, danh thắng cấp quốc gia, vốn đầu tư cải tạo, nâng cấp và trùng tu tôn tạo chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; Trang thiết bị, phương tiện hoạt động của các đơn vị sự nghiệp còn thiếu và chưa đồng bộ. Nhiều công trình được xây dựng và hoạt động đã lâu, nay đã xuống cấp và lạc hậu. Một số công trình hiện mới chỉ được đầu tư cơ sở vật chất, chưa chú trọng xây dựng các mặt hoạt động nên hiệu quả còn chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.

Vì vậy, trong thời gian tới phải đầu tư xây dựng được những thiết chế cơ bản với mục tiêu: Đầu tư xây dựng các thiết chế văn hoá, góp phần thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh, trước mắt là nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

Đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống thiết chế văn hoá các cấp, đi đôi với việc nâng cao trình độ nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ chuyên trách. Cụ thể là:

 Ở cấp tỉnh: Đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các thiết chế: Trung tâm văn hoá tỉnh, Rạp chiếu phim, Bảo tàng tỉnh, công viên, quảng trường.  Ở cấp xã, phường, thị trấn: đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các thiết chế:  Nhà văn hoá khu thể thao thôn, sân chơi, bãi tập, đội văn nghệ.

- Ở cấp tổ, bản, khu dân cư, đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các thiết chế: nhà văn hoá, đội văn nghệ.

Để thực hiện tốt việc đầu tư xây dựng các thiết chế, có một số vấn đề cần thực hiện và triển khai sau:

* Xác định mô hình thiết chế văn hoá phù hợp với đặc điểm tình hình tự nhiên - xã hội của tỉnh

Xây dựng thiết chế văn hoá, khu du lịch, khu vui chơi giải trí... là một nội dung quan trọng trong việc nâng cao mức hưởng thụ văn hoá, tinh thần của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn. Nhưng vấn đề này phải được nghiên cứu, tìm tòi xây dựng các mô hình phù hợp với đặc điểm tự nhiên – xã hội của vùng. Sơn La là tỉnh nghèo, nhân dân các dân tộc đời sống còn nhiều khó khăn nên phải làm thế nào để cho các thiết chế văn hoá, các thiết chế khác... hoạt động có hiệu quả. Do đó, xây dựng mô hình thiết chế văn hoá, thiết chế khác đòi hỏi phải nắm vững nhu cầu văn hoá, tinh thần của người dân và đặc điểm kinh tế – xã hội của địa bàn.

Cũng như các tỉnh miền núi khác, nhu cầu văn hoá của người dân Sơn La có đặc điểm riêng. Tuy đang trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhưng vẫn mang tính chất  thuần nông, sản xuất trên nương rẫy là chủ yếu. Do đó, thời gian nhàn rỗi   rất ít nhưng thời gian nhàn rỗi theo mùa vụ lại tương đối nhiều. Mỗi năm, người dân có gần 3 tháng nông nhàn. Do đó, các loại hình hoạt động văn hoá như đọc sách, xem phim, biểu diễn và xem văn nghệ… nhằm đáp ứng nhu cầu thời gian rỗi hàng ngày, đáp ứng được nhu cầu giải trí và sáng tạo của người dân. Vì vậy, hoạt động các thiết chế văn hoá ở nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa cần dựa vào đặc điểm mùa vụ của xã hội nông nghiệp.

Nếu công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở làm không tốt, sẽ dẫn đến tình trạng các thiết chế văn hoá cấp xã hoạt động không hiệu quả. Mỗi xã của tỉnh có diện tích rất rộng, mỗi bản lại có phong tục và cách thức hưởng thụ văn hoá khác nhau. Vì vậy  xây dựng thiết chế văn hoá phải mang tính hiệu quả, thu hút được đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia hoạt động. Do đó, nên đầu tư xây dựng các thiết chế văn hoá ở trung tâm các xã, ở các điểm trung tâm này có cả cư dân phi nông nghiệp, có thời gian nhàn rỗi theo cấp ngày sẽ có nhiều điều kiện hoạt động văn hoá hơn.

Cần xác định rõ tổ, bản là đơn vị cơ sở của văn hoá vì tổ, bản là đơn vị cộng đồng, cần được  gắn kết chung trong các hoạt động văn hoá. Tổ, bản cũng là cấp gần dân nhất. Mọi chủ trương, chính sách của hệ thống Đảng và Chính quyền (từ TW đến xã) có đến được với người dân hay không đều thông qua cấp tổ, bản. Tuy nhiên, nhiều tổ, bản hiện nay không có một công trình nào để hội họp, hoạt động chung của cộng đồng. Nhu cầu về thông tin, khai trí, sáng tạo, giáo dục, tiêu dùng văn hoá, giải trí… của người dân khó được đáp ứng. Vì vậy, việc xây dựng thiết chế văn hoá tổ, bản (chủ yếu là nhà văn hoá) là việc nên làm. Song, nhà văn hoá tổ, bản muốn hoạt động được thì phải mở rộng chức năng, không thể chỉ bó hẹp trong phạm vi văn hoá văn nghệ, thể thao đơn thuần. Nhà văn hoá  phải mang tính cộng đồng, mang tính chất đa năng và bao gồm các nhiệm vụ sau: Tổ chức các cuộc họp dân nhằm phổ biến các chủ trương, chính sách của các cấp Đảng, Chính quyền, Đoàn thể; Tổ chức các buổi sinh hoạt Đảng, Đoàn thể; Tổ chức các buổi tuyên truyền thông tin khuyến nông, khuyến lâm, học tập nâng cao kiến thức cho mọi người; Tổ chức các hoạt động tiêu dùng các sản phẩm văn hoá như đọc sách báo, xem văn nghệ, xem truyền hình (nhất là các vùng lõm, vùng sâu khó phủ sóng), nghe truyền thanh;Tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, thể dục thể thao, biểu diễn văn nghệ…

Ở các tổ, bản, mặt bằng diện tích đất có khả năng sinh hoạt cộng đồng rất hạn chế. Do đó, nhà văn hoá tổ, bản cần gắn liền với các lớp học, gắn với sân trường, trung tâm tổ, bản để tổ chức các hoạt động văn hoá.

Bộ máy quản lý nhà văn hoá cộng đồng thật gọn nhẹ, chủ yếu do Tổ trưởng dân phố, Trưởng bản, Ban quản lý. Giúp việc cho Tổ trưởng dân phố, Trưởng bản là một vài hạt nhân có khả năng hoạt động văn hoá. Hàng năm, ngoài các lớp tập huấn do các cơ quan cấp tỉnh tổ chức, Phòng Văn hoá và Thông tin huyện, thành phố cần tổ chức tập huấn cho các cán bộ nhà văn hoá xã, phường, thị trấn. Cơ chế hoạt động nhà văn hoá tổ, bản là cơ chế tự quản. Nguồn kinh phí hoạt động chủ yếu là nguồn kinh phí chung của tổ, bản, có sự hỗ trợ của các ngành về tài liệu tuyên truyền, băng hình…

* Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất

Tập trung đầu tư, không dàn trải theo kế hoạch. Trước hết là các Trung tâm Văn hoá – Thể thao huyện, thành phố; Nhà văn hoá xã, phường, tổ, bản, tiểu khu, Rạp chiếu phim, Rạp hát; Bảo tàng, Quảng trường....

Đầu tư quy hoạch, xây dựng các thiết chế văn hoá, khu du lịch, vui chơi giải trí, quảng trường, công viên, bảo tàng, thư viện, nhà văn hoá tổ, bản và đưa hoạt động của các thiết chế này thực sự đi vào cuộc sống nhằm nâng cao mức hưởng thụ văn hoá cho nhân dân; đồng thời phục vụ các nhiệm vụ chính trị – xã hội của tỉnh là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp và lâu dài, đòi hỏi phải có một hệ thống các giải pháp đồng bộ và liên quan khăng khít trong một tổng thể.

Giải pháp về nâng cao nhận thức: Nhận thức của các cấp uỷ Đảng và chính quyền về vai trò và vị trí của văn hoá biến thành hành động, thành chương trình, nghị quyết cụ thể.

Tăng cường đầu tư kinh phí, tăng mức chi cho đầu tư xây dựng các thiết chế ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch: Việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hoá, khu du lịch, khu vui chơi giải trí.... không thể chỉ dừng lại ở mức xây dựng công trình, khuôn viên... mà cần đầu tư đồng bộ các thiết bị chuyên dùng mới đảm bảo tính hiệu quả của các công trình.

Lồng ghép chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa với các chương trình, dự án xây dựng thiết chế văn hoá, khu du lịch, vui chơi giải trí, quảng trường, công viên, thư viện, bảo tàng, nhà văn hoá tổ, bản trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Lựa chọn một vài công trình mang tính cấp thiết để đầu tư dứt điểm, từ đó làm động lực trong việc hoàn thiện các thiết chế khác ở giai đoạn sau.

 Làm tốt công tác quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch đất, cấp quyền sử dụng đất cho đầu tư xây dựng các thiết chế: Bố trí quỹ đất hợp lý, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng cấp; Đảm bảo diện tích sử dụng theo chức năng của các thiết chế, đặc biệt lưu ý tới việc bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn.

  Nghiên cứu, xây dựng một số cơ chế chính sách phù hợp, bao gồm các chính sách sau:

 Nhóm chính sách về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất: Người dân ở Sơn La hầu hết là sống bằng nghề nông nghiệp nương rẫy, đời sống khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Vì vậy khó có điều kiện đóng góp kinh phí để xây dựng các thiết chế văn hoá, khu du lịch, công viên, quảng trường... Vì vậy, cần có cơ chế huy động vốn từ nhiều nguồn: ngân sách trung ương, địa phương, các nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, các nhân, kết hợp các nguồn vốn đầu tư có mục tiêu, nguồn hỗ trợ 1105 bản đặc biệt khó khăn, nguồn vốn hỗ trợ các huyện nghèo theo nghị quyết 30a/NQ-CP, vốn hỗ trợ theo chương trình 925; nguồn vốn cấp cho trung tâm học tập cộng đồng của cơ sở tổ, bản.

 Nhóm chính sách về đào tạo, tập huấn: Cần xây dựng chế độ đào tạo dài hạn và ngắn hạn, đồng thời tổ chức tập huấn thường xuyên từ đó phát huy hiệu quả các thiết chế văn hoá, nhằm nhanh chóng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ trong tác nghiệp.

 Nhóm chính sách về tăng cường sự quản lý các thiết chế: Sau khi đã được đầu tư xây dựng và trang bị đầy đủ cho các thiết chế thì phải có quy chế hoạt động cho thích hợp ở mỗi cấp, nhằm khai thác có hiệu quả đầu tư và đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân.

 Giải pháp về xã hội hoá các hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch: Chủ trương xã hội hoá cần được thể chế hoá thành cơ chế chính sách huy động vốn đầu tư xây dựng thiết chế văn hoá, thể thao và du lịch, tổ chức các hoạt động. Chủ trương xã hội hoá cũng cần thể hiện trong các dự án. Các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội phải có mục tiêu về hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch.

Trần Ngọc Quang