Lưu giữ nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Lào
Lượt xem: 272
Đồng bào dân tộc Lào ở xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, có một nghề thủ công truyền thống là nghề dệt thổ cẩm luôn gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt, là nét tinh hoa đặc sắc được đồng bào dân tộc nơi đây gìn giữ, duy trì.
anh tin bai
Bà Lò Thị Ựm bên khung cửi dệt thổ cẩm.

Năm nay gần 60 tuổi, bà Lò Thị Ựm, bản Mường Và vẫn miệt mài bên khung cửi, gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống, tạo ra những tấm thổ cẩm đẹp, đặc trưng của đồng bào dân tộc Lào. Bà tâm sự: Trước đây, hầu như người nào cũng tự dệt, nhưng hiện nay, trong bản chỉ còn 3-4 người dệt thổ cẩm này. Lúc còn nhỏ, tôi được xem các bà, các mẹ chỉ cho cách dệt và dần thành thạo. Ban đầu, chỉ dệt được các mẫu hoa văn đơn giản, sau đó mới dệt được các hoa văn, họa tiết khó. Chủ đạo trong các mẫu họa tiết hoa văn trong thổ cẩm của dân tộc Lào là hình người và con chim 2 đầu, đây là hai họa tiết không thể thiếu, ngoài ra còn nhiều họa tiết khác như con công, con rồng, con hươu, con voi, con rắn hay hình chùa tháp... Đây là những mẫu họa tiết hoa văn khó cần phải học và mất rất nhiều thời gian mới hoàn thành.

Cầm trên tay tấm thổ cẩm vừa hoàn thành, bà Ựm cho biết thêm: Những tấm vải thổ cẩm phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ khâu lên ý tưởng, họa tiết đến việc chọn sợi, nhuộm màu... tất cả được làm hết sức tỉ mỉ, thủ công với những công cụ thô sơ, nên chỉ những người phụ nữ mới kiên trì làm được. Mỗi nét hoa văn thổ cẩm trên trang phục của đồng bào dân tộc Lào là nét tinh hoa văn hóa dân gian đã được chọn lọc, gìn giữ và truyền lại qua nhiều đời. Ngoài chức năng làm đẹp, các họa tiết trên trang phục còn mang ý nghĩa bảo vệ sức khỏe cho chính người sử dụng trang phục. Trang phục của đồng bào dân tộc Lào có nhiều màu sắc như trắng, hồng, vàng, tím, xanh được nhuộm bằng vỏ, lá cây rừng. Mặc dù ngày nay, trên thị trường có nhiều loại chỉ, sợi vải làm bằng công nghiệp rất đẹp. Nhưng để tạo ra tấm vải thổ cẩm đẹp, đặc trưng của dân tộc Lào, thì phải được dệt từ những sợi tơ tằm, vì vậy bà vẫn duy trì nuôi tằm, tự kéo sợi và nhuộm màu theo cách truyền thống.

Nghề dệt thổ cẩm đang dần mai một. Tâm huyết của bà Ựm là gìn giữ và truyền nghề lại cho con cháu, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình. Hiện nay, các con cháu trong nhà bà đều được truyền dạy và biết nghề dệt. Con dâu của bà là chị Lò Thị Vân đã và đang nối nghiệp bà, duy trì nghề dệt thổ cẩm và là một trong những nghệ nhân được tỉnh lựa chọn mang sản phẩm thổ cẩm sang trưng bày giới thiệu tại tỉnh Luông Pha Bang (nước CHDCND Lào) trong Ngày hội Văn hóa - Du lịch năm 2022 vừa qua. Chị Vân chia sẻ: Hồi còn nhỏ, mỗi khi nhìn thấy mẹ ngồi bên khung dệt, tôi rất thích nên chăm chú học và làm theo. Khi về nhà chồng, tôi được mẹ chồng truyền dạy thêm cách dệt các hoa văn mới, đẹp và khó hơn. Tôi luôn cố gắng gìn giữ, phát triển, xem đây là nghề truyền thống của gia đình.

Bà Lò Thị Hà, Chủ tịch UBND xã Mường Và, cho biết: Nghề dệt thổ cẩm truyền thống đồng bào dân tộc Lào tại xã đã có từ rất lâu đời và được truyền dạy qua các thế hệ. Xã đã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể tuyên truyền người dân, nhất là các thế hệ con cháu giữ nghề, để nghề dệt thổ cẩm không bị mai một mà ngày càng phát triển. Đồng thời, nghiên cứu thành lập HTX phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống gắn với phát triển du lịch tham quan tháp Mường Và và du lịch cộng đồng, đưa sản phẩm thổ cẩm trở thành hàng hóa, có giá trị về kinh tế, mang lại thu nhập ổn định cho bà con và góp phần giữ gìn giá trị truyền thống văn hóa dân tộc của người Lào ở xã Mường Và nói riêng và trên địa bàn huyện nói chung.

Mỗi sản phẩm thổ cẩm được thêu dệt mang nét hoa văn đặc trưng, chứa đựng, kết tinh văn hóa đồng bào dân tộc Lào. Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp và tâm huyết của các nghệ nhân, mong rằng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Lào tại xã Mường Và nói riêng và trên địa bàn huyện Sốp Cộp nói chung được bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Tác giả: Theo Báo Sơn La