Lãnh đạo cách mạng tiền bối tiêu biểu - Tô Hiệu
Lượt xem: 325
Tới Sài Gòn, Tô Chấn bố trí Tô Hiệu ở cùng nhà, tại đây Tô Hiệu còn được gặp Tô Điển (Tô Quang Đẩu) em họ Tô Hiệu cùng làng Xuân Cầu. Từ lời kể của Tô Điển, Tô Hiệu nắm được tình hình thành phố Sài Gòn và nhận ra chế độ cai trị của Pháp khác với miền Bắc. Đồng thời, tranh thủ quan sát địa bàn, nghiên cứu hoạt động của bọn mật thám, cảnh binh phòng tình huống bất ngờ. 

Phần 2: Năm tháng hoạt động cùng anh trai Tô Chấn

Tới Sài Gòn, Tô Chấn bố trí Tô Hiệu ở cùng nhà, tại đây Tô Hiệu còn được gặp Tô Điển (Tô Quang Đẩu) em họ Tô Hiệu cùng làng Xuân Cầu. Từ lời kể của Tô Điển, Tô Hiệu nắm được tình hình thành phố Sài Gòn và nhận ra chế độ cai trị của Pháp khác với miền Bắc. Đồng thời, tranh thủ quan sát địa bàn, nghiên cứu hoạt động của bọn mật thám, cảnh binh phòng tình huống bất ngờ.

Tô Hiệu mất mấy tháng liền chờ đợi mà chưa bắt liên lạc với tổ chức. Tô Chấn mới tiết lộ thân phận là Ủy viên Trung ương của Việt Nam Quốc Dân đảng viên, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ thay cho Trần Huy Liệu sau khi bị Pháp bắt. Mặc dù là lãnh đạo của Quốc Dân đảng nhưng Tô Chấn đã tiếp xúc được với tài liệu của Mác-Lênin và đã từng gặp gỡ với các đảng viên của Cộng sản Đông Dương nên Tô Chấn có lý tưởng thực sự như một người theo chủ nghĩa cộng sản. Tô Chấn khuyên Tô Hiệu trong thời gian chờ đợi liên lạc với tổ chức hãy tham gia hoạt động trong Việt Nam Quốc Dân đảng, bởi dù hoạt động trong tổ chức nào đều là giành độc lập cho dân tộc. Trước sự thuyết phục của anh trai,  Tô Hiệu đã đồng ý hoạt động dưới sự chỉ đạo của Tô Chấn, được hướng dẫn sâu hơn về đường lối phương thức hoạt động của tổ chức chính trị này.

Nhận được thông tin toàn quyền Hà Lan ở Indonesia sẽ sang Việt Nam gặp toàn quyền Pháp ở Đông Dương để lên chương trình tiêu trừ cách mạng. Tô Chấn lập tức chuẩn bị kế hoạch ám sát hai tên toàn quyền và công bố tội ác của chúng với nhân dân các nước thuộc địa của đế quốc Hà Lan và thực dân Pháp. Nhưng chưa có thông tin chính xác lịch trình, dự đoán, chúng có thể gặp nhau ở Hà Nội hoặc Sài Gòn nên Tô Chấn bố trí ám sát ở cả hai địa điểm, chờ đợi thời cơ tiến hành, bản thân sẽ nhận nhiệm vụ chính thức ở Sài Gòn.

Nhưng một sự kiện bất lợi lớn, ngày 17/6/1930, 12 đồng chí trong Quốc Dân đảng bị thực dân Pháp tử hình đã làm đảo lộn mọi kế hoạch. Tô Hiệu xin ra Hà Nội để thực thi nhiệm vụ, Tô Điển dự bị cho Tô Hiệu thực hiện nhiệm vụ này. Trước mắt chưa có vũ khí, cũng chưa có tiền mua súng và nguyên liệu để chế tạo bom. Bởi vậy, Tô Chấn đã tiến hành họp nhóm những người còn lại của Quốc Dân đảng và kêu gọi các nhân sỹ ủng hộ nhân lực, tài chính, Tô Hiệu tình nguyện tham gia hoạt động quyên góp, vận động. Tháng 8/1930, trong khi thực hiện nhiệm vụ, Tô Hiệu bị mật thám theo dõi, lùng bắt gắt gao, Tô Hiệu phải tìm mọi cách để thoát thân nhưng chúng đã bắt được đồng chí tại nhà số 2 đường Rousso và giam giữ tại nhà giam Nhà Bè. Với những hoạt động bị cho rằng nguy hại đến chính quyền bảo hộ, mật thám tra tấn đồng chí cực kỳ dã man, nhưng không khai thác được bất cứ thông tin gì liên quan đến tổ chức Quốc Dân đảng và hoạt động của mình. Tuổi 18, Tô Hiệu thực sự bước chân trên con đường cách mạng gian lao và kiên cường vượt qua thử thách khốc liệt đầu tiên.  Tháng 12/1930, Tô Hiệu bị đưa ra xét xử tại tòa án Sài Gòn với tội danh gia nhập tổ chức bí mật và có hành vi bạo lực, mặc dù không đủ chứng cứ kết tội tòa án vẫn thực hiện kết án Tô Hiệu bốn năm tù giam và phạt năm mươi đồng rồi đày đi Côn Đảo.

Ảnh đồng chí Tô Hiệu trong hồ sơ mật thám Sài Gòn, 1930

Nhà tù liên bang Côn Đảo do thực dân Pháp xây dựng từ năm 1862 với ba trại giam (gọi là các banh: banh I, banh II, banh III). Năm 1930 số tù nhân ở đây lên đến 1992 người. Banh I là trại giam điển hình man rợ của địa ngục trần gian Côn Đảo với những ngón đòn tra tấn tù nhân hung bạo, mất nhân tính. Trong đó Sở Chỉ tồn là một trung tâm tiếp nhận và phân bổ tù nhân vừa là một trung tâm khổ sai cực nhọc nhất ở nhà tù Côn Đảo, bọn cai ngục đầy đọa đến cả lúc ăn và lúc ngủ nghỉ. Hầu hết tù nhân ở banh I phải trải qua một gian "rèn luyện" ở sở Chỉ Tồn, ngày đầu ra Côn Đảo, Tô Hiệu đã bị giam tại đây.

Bữa ăn gạo mốc, cá khô mục thối, công việc khổ sai trút lên đầu, cai ngục hung ác tìm mọi cách để gây sự, đánh đập tù nhân, chúng còn lợi dụng bọn tù nhân lưu manh làm mật thám, làm công cụ đày đọa đẩy tù nhân chính trị vào con đường tuyệt vọng. Tô Hiệu là tù nhân Quốc dân Đảng nhưng giam chung với tù nhân cộng sản. Chứng kiến cảnh tù nhân Quốc dân đảng chán nản, suy sụp tinh thần còn tù nhân cộng sản chăm sóc, bảo vệ nhau, giúp đỡ tù thường phạm khi họ cần, trong hoàn cảnh khó khăn hiện tại họ vẫn không ngừng hoạt động, cùng nhau bàn thảo phương pháp đấu tranh, học tập trong ngục. Tô Chấn là người đã có chí hướng cộng sản nên đã nhanh chóng trở thành đảng viên cộng sản. Tô Hiệu bị giam cùng banh I với Tô Chấn, dưới sự dẫn dắt trực tiếp từ anh trai và những tù nhân cộng sản, Tô Hiệu tích cực tham gia vận động, giác ngộ tù nhân, binh lính, nắm bắt thông tin khi đi lao động khổ sai, học tập nguyên tắc, phương pháp hoạt động trong ngục đế quốc.

Do yêu cầu ngày càng cao của hoạt động trong ngục trước sự xảo quyệt nhằm giết hại người tù của bọn cai ngục và tay sai, các cuộc đấu tranh của tù nhân cộng sản cần thiết phải có tổ chức, thống nhất giữa các banh. Vượt qua vô vàn khó khăn, đầu năm 1932, chi bộ Chỉ Tồn được thành lập, đồng chí Nguyễn Hới được anh em tín nhiệm bầu làm bí thư, đồng chí Tô Chấn khẳng định được bản lĩnh, trí tuệ, có vai trò quan trọng trong các cuộc đấu tranh trong ngục nên được đứng trong chi ủy. Chi bộ xác định nhiệm vụ chủ yếu, đó là:

          - Lãnh đạo đấu tranh trong tù;

          - Giáo dục, bồi dưỡng lý luận cho nhau;

          - Tuyên truyền, giác ngộ binh lính và giám thị;

          - Liên hệ với Đảng ở đất liền để tổ chức Vượt ngục.

Trong đó yêu cầu hàng đầu của đảng viên là tuyệt đối trung thành với Đảng, khi bị bắt, bị tra tấn phải giữ vững tinh thần, không làm lộ thông tin của tổ chức, khi bị tù đày dù khó khăn đến mấy cũng không giao động, tích cực đấu tranh mới được kết nạp vào chi bộ.

Hoạt động của Tô Hiệu được chi bộ ghi nhận và chú ý bồi dưỡng, đặc biệt dưới sự dìu dắt của Tô Chấn, Tô Hiệu trưởng thành vượt bậc cả về nhận thức và bản lĩnh đấu tranh. Đồng chí Vũ Duy Hiệu, nguyên Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam, bị tù đày ở Côn Đảo năm 1933, viết: "Biết đồng chí Tô Hiệu còn rất trẻ mà có nhiều triển vọng, có nhiều phẩm chất của người cộng sản kiên cường, năm 1934 hết hạn tù, nhất định sẽ góp phần không nhỏ vào việc xây dựng và phát triển phòng trào cách mạng trong quần chúng nhân dân của Đảng ta, chính vì vậy các đồng chí lớn tuổi hơn, hoạt động lâu năm hơn như các đồng chí Nguyễn Hới, Ngô Gia Tự, Tống Văn Trân, Tôn Đức Thắng đã giành nhiều thời gian công sức bồi dưỡng đồng chí Tô Hiệu về mọi mặt lý luận có hệ thống về chủ nghĩa Mác - Lenin, Luận cương chính trị của Đảng; kinh nghiệm vận động quần chúng công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, binh vận, kinh nghiệm công tác bí mật, …" [1].

Sau một thời gian thử thách, năm 1932, Tô Hiệu được kết nạp vào Đảng. Trong ngục tù đế quốc tăm tối, khốc liệt, hai anh em Tô Hiệu và Tô Chấn đều đứng trong hàng ngũ của Đảng. Cũng từ đó, được tiếp xúc với tài liệu Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản; Những vấn đề cơ bản của cách mạng Đông Dương; Gia đình và tổ quốc; Làm gì;… đã cuốn hút Tô Hiệu, như mở ra một chân trời mới. Vốn thông minh, ham đọc, Tô Hiệu nhanh chóng nắm bắt được nội dung thêm vào đó cách giảng giải dễ hiểu của Tô Chấn, Ngô Gia Tự đã giúp Tô Hiệu tin tưởng tuyệt đối sự thành công của con đường cách mạng đã đồng chí đã dấn thân. Ngoài việc nhận định Tô Hiệu là người cách mạng có tố chất thì thời gian bị giam cầm không còn lâu, nên chi bộ hết sức chú ý đào tạo để cung cấp cán bộ nguồn cho cách mạng.

Tô Hiệu tham gia xây dựng đường dây liên lạc giữa các khám, các banh trong tù và giữa nhà tù với tổ chức Đảng ở đất liền, nối được liên lạc với Xứ ủy Nam Kỳ. Đánh hơi được các hoạt động ngầm của tù nhân chính trị, bọn cai ngục cho mật thám theo dõi gắt gao. Chúng nghi ngờ Tô Hiệu tham gia đóng bè vượt ngục nên đày xuống hầm xay lúa cùng đồng chí Tôn Đức Thắng cũng bị phạt do nghi ngờ liên hệ với tù nhân banh II. Hầm xay lúa được tạo ra như một hình phạt khủng khiếp dành cho tù nhân, đày đọa tù nhân đến cùng cực, ngoài công việc khổ sai vắt kiệt sức, bọn cai ngục chỉ định bọn tù lưu manh, dân "anh chị" hành hạ dã man người tù, mượn tay để giết hại tù nhân cộng sản. Đồng chí Tôn Đức Thắng nguyên là lính hải quân Pháp, ngay cả tù nhân lưu manh cũng có phần kiêng nể nên bởi vậy, Tôn Đức Thắng và Tô Hiệu thống nhất cách thức cảm hóa tù nhân thường phạm làm tay sai cho cai ngục, tổ chức lại công việc trong hầm không bị làm quá sức, giúp đỡ lẫn nhau đảm bảo định mức khoán. Làm thất bại mọi thủ đoạn của bọn cai ngục bằng trí tuệ và bản lĩnh của người cộng sản.

Môi trường trong hầm xay lúa trật trội, ngột ngạt, bụi bặm, cùng với chế độ khổ sai cực nhọc, sức khỏe của đồng chí Tô Hiệu giảm sút và mắc bệnh lao phổi. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt của nhà tù Côn Đảo, Tô Hiệu thấm thía lời căn dặn của Ngô Gia Tự: "Chúng nó đẩy mình vào đây để cho mình chết. Mình sống được đã là thắng địch rồi. Đấu tranh chẳng phải dễ dàng gì đâu. Mỗi lần đấu tranh là một lần đỏ máu. Nhưng những người cộng sản chúng ta nhất định không chịu bó gối đầu hàng". Tại hầm xay lúa, Tô Hiệu đã học được rất nhiều kinh nghiệm quý báu trong công tác tổ chức, đấu tranh, đặc biệt là ý chí, bản lĩnh của đồng chí Tôn Đức Thắng.

Ngày 04/8/1934, Tô Hiệu mãn hạn tù, được đưa về đất liền giao cho hiến binh Sài Gòn áp giải ra Hải Phòng để quản thúc tại quê nhà. Tô Hiệu bắt đầu một cuộc chiến mới. Đồng chí Tô Chấn vẫn tiếp tục bị giam cầm tại Côn Đảo, được chi ủy tin cậy, giữ vai trò quan trọng trong các cuộc đấu tranh thành công của tù nhân. Năm 1936, Tô Chấn, Ngô Gia Tự và một số chiến sỹ cộng sản đóng bè vượt ngục tìm về với cách mạng. Mặc dù dự tính cơ hội thành công vô cùng khó khăn nhưng chiếc bè ra khơi mang theo niềm tin của anh em tù nhân với lý tưởng. Giữa muôn trùng sóng giữ, chiếc bè đơn sơ đã không đến đích theo kế hoạch, các đồng chí hy sinh, gửi lại thân mình giữa lòng biển khơi, Tô Chấn năm ấy 32 tuổi.



[1] Tinh thần Tô Hiệu, NXB Văn hóa - Văn nghệ

Tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Tú - Bảo tàng tỉnh