Lan tỏa sâu rộng phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng
Lượt xem: 918
Trong đời sống hằng ngày, phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng trở thành “món ăn” tinh thần không thể thiếu đối với nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Yên Châu. Các câu lạc bộ, đội văn nghệ được thành lập, duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả đã góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Buổi giao lưu sinh hoạt của CLB Văn hóa Thái cổ Mường Vạt.

Đã thành thông lệ, định kỳ một tháng 2 lần, các thành viên CLB “Văn hóa Thái cổ Mường Vạt” lại gặp gỡ, giao lưu văn nghệ, truyền dạy hát Thái và tổ chức dạy thêu khăn Piêu, dệt vải cho con cháu trên địa bàn. Bà Lò Thị Xuân, bản Boong Xanh, xã Chiềng Pằn, Chủ nhiệm CLB chia sẻ: Năm 2021, CLB được thành lập với 60 thành viên tham gia sinh hoạt, đều là những người am hiểu, đam mê văn hóa Thái. Dù bận rộn với những công việc khác nhau nhưng khi đến với CLB, mọi người vẫn cố gắng thu xếp để luyện tập, cùng nhau sưu tầm, phục dựng, biểu diễn các điệu múa, nhạc cụ truyền thống. Ngoài ra, các thành viên lớn tuổi còn tổ chức truyền dạy các làn điệu dân ca, thường xuyên kể các câu truyện cổ, trường ca cho lớp trẻ. Vào các dịp lễ, tết hay trước sự kiện quan trọng, các thành viên lại tụ họp biểu diễn phục vụ bà con trong bản, trong xã.

Còn tại xã Chiềng Khoi, có phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng phát triển rộng khắp, qua phong trào đã xuất hiện nhiều nhân tố tích cực. Nghệ nhân ưu tú Lừ Hồng Sưa, bản Tủm, có hơn 60 năm kinh nghiệm trình diễn những bài khèn cổ của dân tộc Thái, chia sẻ: Từ lâu, những làn điệu mượt mà, say đắm của tiếng khèn bè, điệu khắp đã tạo nên nét đặc trưng văn hóa độc đáo, phản ánh đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của đồng bào Thái Yên Châu. Tôi đã tham gia cùng bản, xã thành lập đội văn nghệ, truyền dạy các bài khèn, cố vấn phục dựng biểu diễn các tiết mục dân gian của đồng bào dân tộc Thái để người dân, đặc biệt thế hệ trẻ biết đến nhiều hơn với văn hóa dân tộc Thái, cùng chung tay lưu giữ bản sắc dân tộc.

Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng đã góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh; cổ vũ, động viên mọi người hăng hái thực hiện các phong trào thi đua, nhất là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Ông Nguyễn Quang Hưng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Yên Châu, cho biết: Toàn huyện có 182 đội văn nghệ và 5 CLB văn nghệ. Thành viên các đội, CLB văn nghệ ngày càng được trẻ hóa, có năng khiếu nhiều loại hình nghệ thuật. Ngoài nguồn kinh phí được hỗ trợ, đa số các đội văn nghệ tự nguyện đóng góp kinh phí mua trang phục, đạo cụ phục vụ cho các buổi biểu diễn. Các buổi sinh hoạt của các đội văn nghệ quần chúng được duy trì thường xuyên tại các nhà văn hóa bản theo định kỳ. Bằng lời ca, tiếng hát, điệu múa do những diễn viên, nghệ nhân ở các địa phương biểu diễn tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân.

Tạo điều kiện thuận lợi cho các đội văn nghệ quần chúng phát triển, hoạt động hiệu quả, huyện Yên Châu đã tăng cường cơ sở vật chất, đầu tư các thiết chế văn hóa ngày càng hoàn chỉnh. Nhiều nhà văn hóa bản, khu dân cư được xây mới, với hội trường, sân khấu trang bị ánh sáng, hệ thống âm thanh và các thiết bị phụ trợ cơ bản đáp ứng yêu cầu tập luyện, biểu diễn của các đội văn nghệ. Phòng Văn hóa - Thông tin huyện cũng thường xuyên phối hợp tổ chức các hội diễn nghệ thuật quần chúng, tạo sân chơi lành mạnh để các đội văn nghệ biểu diễn, vừa phục vụ nhu cầu hưởng thụ của đông đảo quần chúng nhân dân.

Để phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng tiếp tục lan tỏa sâu rộng tại các khu dân cư, huyện Yên Châu tiếp tục xây dựng, nhân rộng mô hình các CLB, đội văn nghệ; thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động văn nghệ quần chúng để nâng cao hơn nữa chất lượng những chương trình văn nghệ quần chúng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thưởng thức của nhân dân trên địa bàn.

Tác giả: Theo Báo Sơn La