Khu căn cứ cách mạng Việt Nam - Lào biểu tượng của tình đoàn kết đặc biệt, thủy chung, trong sáng (phần 1)
Lượt xem: 373
Trong lịch sử quan hệ quốc tế từ xưa tới nay, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là một điển hình về sự gắn kết bền chặt, thủy chung, trong sáng giữa hai dân tộc, cùng nhau đấu tranh vì độc lập, tự do và tiến bộ xã hội. Mối quan hệ đặc biệt đó được phát triển từ quan hệ truyền thống, do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản xây dựng nền móng cùng với các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp. Chính nhờ tình đoàn kết đặt biệt này, hai dân tộc đã kề vai sát cánh, chiến đấu, đồng cam cộng khổ, giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản tại Hà Nội, ngày 07/2/1966

Khu căn cứ cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Phiêng Sa (nay là bản Lao Khô I), xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La là nơi ghi đậm dấu ấn thời kỳ hoạt động cách mạng của Ban Xung phong Lào - Bắc. Từ năm 1948 - 1950, với sự giúp đỡ của bà con nhân dân bản Phiêng Sa, đặc biệt là gia đình cụ Tráng Lao Khô, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản và Ban Xung phong Lào - Bắc đã gây dựng được cơ sở cách mạng quan trọng tại tỉnh Sơn La, tạo tiền đề cho sự ra đời và phát triển của Quân đội Lào Ítxala (năm 1949), là nhân tố đảm bảo cho sự thắng lợi của cách mạng Lào trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ.

Để giúp Lào có được căn cứ địa kháng chiến của Trung ương làm chỗ dựa lâu dài cho cơ quan lãnh đạo công cuộc kháng chiến cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho đồng chí Võ Nguyên Giáp nghiên cứu xây dựng Sầm Nưa thành căn cứ chiến lược cho cách mạng Lào. Đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ đạo phải tìm cho được một số anh em Lào có tinh thần yêu nước, hình thành một đội công tác xung phong để đưa về hoạt động vùng Bắc Lào.

Gửi thư cho Ban xung phong Lào - Bắc, Bác Hồ viết: "Kiến lập căn cứ địa Lào độc lập là nhiệm vụ cần kíp. Ban xung phong Lào - Bắc phải ra sức gây cơ sở quần chúng trong vùng địch kiểm soát. Tôi chúc Ban xung phong Lào - Bắc chóng thành công, khu giải phóng Lào độc lập chóng thành lập".

Các đồng chí trong Ban Xung phong Lào – Bắc, 1948

 

Đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản (ngoài cùng bên trái) và Hoàng thân Xu-pha-nu-vông, Nu-hắc- phu-xa-hẳn
với cán bộ quân tình nguyện Việt Nam, 1949

 

 

Đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản (thứ tư từ trái sang) trên đường đi dự Đại hội Lào kháng chiến, 1950

Xuất phát từ yêu cầu lịch sử của cách mạng Lào, cùng với sự cần thiết của liên minh chiến đấu Việt - Lào trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung là thực dân Pháp. Khu căn cứ cách mạng Việt Nam - Lào là nhân tố quan trọng của chiến tranh nhân dân đồng thời là nền tảng cho sự phát triển của cách mạng Lào. Từ khu căn cứ kháng chiến Phiêng Sa, cách mạng Lào đã có bước phát triển vượt bậc dẫn tới sự ra đời của Quân đội Lào Ít-xa-la (1949), Chính phủ kháng chiến Lào (1950) và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (1955), đó là những nhân tố đảm bảo cho sự thắng lợi của cách mạng hai nước Việt Nam - Lào trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954) và Đế quốc Mỹ (1954 - 1975).

Tác giả: Dương Thế Sơn – Bảo tàng tỉnh Sơn La