HOẠT ĐỘNG DU LỊCH NĂM 2016 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ NĂM 2017
Lượt xem: 384
Năm 2016 là năm thứ 2 tỉnh Sơn La triển khai đồng loạt các quy hoạch du lịch đã được phê duyệt: Quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Mộc Châu; Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sơn La; Quy hoạch phát triển du lịch vùng lòng hồ thuỷ điện Sơn La;

Trên cơ sở các quy hoạch đã được phê duyệt, tỉnh Sơn La chú trọng xây dựng hệ thống các sản phẩm du lịch dựa trên lợi thế về tài nguyên tự nhiên và văn hoá hình thành, phát triển các sản phẩm du lịch trọng tâm theo cụm, khu đô thị chính sau: Cụm du lịch Mộc Châu-Vân Hồ được xác định là cụm trọng điểm trên bản đồ du lịch tỉnh Sơn La với tính chất nổi trội là du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh, gắn với các điều kiện khí hậu thuận lợi của cao nguyên Mộc Châu. Một lợi thế quan trọng của cụm là Cửa khẩu đường bộ Lóng Sập trên biên giới Việt Nam - Lào. 

Cụm du lịch thành phố Sơn La và phụ cận  là cụm du lịch trung tâm, có vị trí là trung tâm điều hành và cung ứng dịch vụ du lịch của Sơn La. Đặc biệt cụm du lịch này đóng vai trò chủ chốt đối với tuyến du lịch kết nối Hà Nội và vùng núi Tây Bắc (Điện Biên, Lai Châu), đảm nhiệm chức năng lưu trú, là trạm dừng chân quan trọng trên tuyến du lịch quốc gia này; Cụm du lịch Phù Yên - Bắc Yên được kết nối bởi các tuyến giao thông quan trọng : QL 37, QL 43, lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Hướng khai thác du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; Cụm du lịch Mường La - Quỳnh Nhai - Thuận Châu (cụm du lịch vùng lòng hồ sông Đà) gồm toàn bộ 3 huyện Mường La, Quỳnh Nhai, Thuận Châu và vùng phụ cận. Đây là cụm du lịch được hình thành sau khi hồ thủy điện Sơn La đưa vào khai thác, tài nguyên du lịch chính là các giá trị cảnh quan, sinh thái vùng hồ và mặt nước hồ và khu vực phụ cận của thị trấn Quỳnh Nhai còn có nhiều bản dân tộc, nơi còn lưu giữ được những giá trị sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào Thái; Cụm du lịch Sông Mã - Sốp Cộp nằm trên lưu vực sông Mã, trên quốc lộ 46, tuyến vành đai biên giới liên kết giữa tỉnh Sơn La với các tỉnh phía bắc Lào, gắn phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch biên giới với phát triển kinh tế cửa khẩu nối với Luong Phra Bang (Lào).

Bên cạnh việc tập trung khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh về du lịch, tỉnh Sơn La luôn chú trọng phát triển du lịch phải gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, góp phần phát triển bền vững. Định hướng phát triển du lịch này tập trung vào một số địa bàn trọng điểm có tiềm năng du lịch (về tự nhiên, văn hoá), đặc biệt về văn hoá truyền thống với giá trị văn hoá các dân tộc như Thái, Mông, Mường...song cuộc sống của cộng đồng còn nhiều khó khăn. Phát triển du lịch văn hoá, di sản gắn với phát triển du lịch cộng góp phần nâng cao nhận thức, phục hồi và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương, góp phần đa dạng và phong phú hơn sản phẩm du lịch của Sơn La, làm tăng tính hấp dẫn và hiệu quả kinh doanh du lịch...Chính vì vậy, Sở VHTTDL đã tham mưu xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2020 và đề nghị UBND tỉnh trình HĐND thông qua vào tháng 12/2016. 

Kết quả hoạt động du lịch Chỉ tiêu hoạt động du lịch dự tính đến hết tháng 12 năm 2016, Toàn tỉnh đón 1.843.000 lượt khách du lịch, trong đó khách đi về trong ngày 948.000 lượt; khách tại các cơ sở lưu trú 895.000 lượt, trong đó: Khách quốc tế: 48.000 lượt; Nội địa 847.000 lượt; Tổng doanh thu du lịch xã hội đạt 886,6 tỷ đồng; So với cùng kỳ năm 2015, lượt khách du lịch bằng 115% và tổng doanh thu bằng 137%.

Trong năm 2017, Ngành Du Lịch tỉnh tiếp tục xúc tiến triển khai các quy hoạch du lịch đã được phê duyệt; phối hợp với các tỉnh Tây Bắc mở rộng tổ chức triển khai các hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình Năm Du lịch Quốc gia Lào Cai – Tây Bắc và các Chương trình hợp tác phát triển du lịch Tây Bắc năm 2017, mà. Đặc biệt tỉnh Sơn La làm Trưởng nhóm hợp tác 8 tỉnh TBMR đã chủ động xây dựng chương trình hợp tác hướng tới xây dựng ngành du lịch trở thành kinh tế trọng điểm, đóng góp đáng kể, hiệu quả vào sự nghiệp phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa của tỉnh, khu vực và đất nước. 

Nguyễn Thanh Huyền