Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc
Lượt xem: 619
Nằm trong tổng thể bức tranh văn hóa đa sắc các dân tộc của Sơn La, huyện Vân Hồ lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, tạo hấp dẫn thu hút khách du lịch.

Vân Hồ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thông qua chương trình “Sắc màu Vân Hồ”.

Là huyện cửa ngõ của tỉnh, Vân Hồ có 6 dân tộc anh em cùng sinh sống (Thái, Mường, Mông, Dao, Kinh, Tày), mỗi dân tộc có một nét văn hóa đặc trưng được hình thành từ lâu đời với những giá trị văn hóa truyền thống trong các lễ hội, phong tục, tập quán, nghi lễ, trang phục, nghề truyền thống... Dân tộc Thái, Mường có lễ hội hoa ban, hội tung còn, đẩy gậy, cầu mùa, xên mường, xên bản, gắn với mùa vụ trong năm và các làn điệu hát dân ca, như: giao duyên, đang, xường... Đồng bào dân tộc Mông có lễ hội mùa xuân, với nhiều trò chơi dân gian là ném pao, tu lu, đặc biệt là điệu múa khèn truyền thống. Dân tộc Dao có lễ cấp sắc, kết duyên, chúc phúc,...

Huyện ủy Vân Hồ đã quán triệt, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong huyện triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” gắn với bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa dân tộc, kết hợp khai thác và phát huy nét văn hóa đặc trưng. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu và triển khai các dự án sưu tầm giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu của các dân tộc; đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao ý thức của mỗi người dân, cộng đồng, nhất là cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của văn hóa dân tộc, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương. Bên cạnh đó, các xã còn duy trì tổ chức các ngày hội, trò chơi dân gian vào các dịp lễ, tết phù hợp với đặc thù địa phương. Khôi phục các nghề thủ công truyền thống như: rèn, đan lát mây, tre; thêu, dệt trang phục dân tộc...

Đến nay, tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện cơ bản vẫn được duy trì thông qua các lớp dạy tiếng Thái, tiếng Mông do Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh tổ chức tại. Hay việc truyền dạy chữ Dao được duy trì và phát triển bởi nghệ nhân ưu tú Bàn Văn Đức ở tiểu khu Sao Đỏ 1, xã Vân Hồ, ông đã tích cực sưu tầm, biên soạn bộ chữ Dao dành và trực tiếp tham gia giảng dạy các lớp chữ Dao cho bà con nhân dân 2 huyện Vân Hồ, Mộc Châu.

Nghệ nhân Bàn Văn Đức chia sẻ: Trong các lớp học chữ Dao của tôi có đủ mọi thành phần, mọi lứa tuổi. Người cao tuổi nhất năm nay cũng đã ngoài 60 tuổi, còn người nhỏ tuổi nhất mới học lớp 1, lớp 2. Ngoài dạy chữ, tôi còn tuyên truyền, giúp bà con hiểu rõ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Dao, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.

Bà Nguyễn Thị Lư, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Vân Hồ, cho biết: Hiện, 100% các xã trên địa bàn có đội văn nghệ quần chúng tổ chức tập luyện, giao lưu thường xuyên, góp phần lưu giữ và phát huy các loại hình nghệ thuật. Chúng tôi còn phối hợp phục dựng lễ hội hoa ban (Xên Mường) tại xã Chiềng Khoa; ngày hội hoa đào tại xã Lóng Luông; duy trì tổ chức chương trình “Sắc màu Vân Hồ” tại các bản của xã Vân Hồ nhân dịp Quốc khánh 2/9, thu hút rất đông nhân dân và du khách đến tham gia trải nghiệm.

Trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, tạo nên nhiều cơ hội phát triển, nhưng cũng đan xen nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có thách thức về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Huyện Vân Hồ đang tiếp tục kết hợp bảo tồn nét đẹp văn hóa dân tộc truyền thống gắn với phát triển du lịch và loại bỏ các hủ tục, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiên tiến đậm bản sắc. Nghiên cứu chính sách hỗ trợ công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ văn hóa, đặc biệt là cán bộ người dân tộc thiểu số. Qua đó, vừa giữ được truyền thống dân tộc vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt thu hút khách du lịch đến tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm.