Giá trị của tri thức dân gian các dân tộc vùng Tây Bắc
Lượt xem: 462
Suốt dặm dài lịch sử tồn tại và phát triển của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi Tây Bắc không chỉ hình thành văn hóa truyền thống đặc sắc, mà còn có cả một hệ thống tri thức dân gian đồ sộ, vô cùng phong phú và đa dạng. Đó chính là những kiến thức, kinh nghiệm được đúc kết qua hàng nghìn năm lao động, sản xuất mang giá trị thực tiễn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của mỗi dân tộc.
anh tin bai
Nghệ nhân bản Tà Số 1, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu hướng dẫn thanh niên trong bản học khèn Mông.

Khó có thể kể hết hoặc hệ thống một cách tường tận tất cả những gì thuộc về tri thức dân gian của mỗi dân tộc sinh sống, gắn bó lâu đời ở Tây Bắc. Đó là những kinh nghiệm về trồng trọt, sản xuất, cách tính thời gian, phán đoán thời tiết, những kiến thức về xây dựng nhà ở, bài thuốc chữa bệnh,... Tất cả đều được truyền khẩu, truyền tay, được ghi nhớ, áp dụng trong lao động và đời sống thường ngày trở thành thói quen.

Mỗi dân tộc lại có vốn tri thức dân gian mang đặc trưng gắn liền với bản sắc văn hóa riêng, nhưng đều có điểm chung ở tính thực tiễn. Với truyền thống làm nông nghiệp, nên hầu hết các dân tộc ở miền núi đều có cách tích nông lịch gần như nhau, vừa để tính thời vụ sản xuất, vừa để biết ngày tốt xấu. Ông Triệu Văn Hoa, dân tộc Dao ở xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, nói: Dân tộc Dao không tính ngày theo dương lịch mà tính thời gian theo lịch âm, gọi tên 12 con vật gần giống với cách tính của âm lịch thông thường. Đồng bào Dao rất coi trọng việc tính toán thời gian cho mùa vụ, chọn ngày tốt để thực hiện những việc quan trọng, kiêng kỵ ngày xấu không chặt phá, không gây tiếng động lớn. Cách tính này đến nay vẫn được bà con lưu truyền và áp dụng trong đời sống thường ngày.

Các tri thức dân gian được lưu truyền nhiều nhất là những kinh nghiệm thực tiễn được đúc rút qua quá trình lao động, sản xuất, hình thành nên một hệ thống kiến thức rất đa dạng về trồng trọt, chăn nuôi, về cách đoán định thời tiết, cách ứng xử với thiên nhiên,... Những kiến thức ấy được truyền khẩu với nhiều hình thức, xuất hiện trong các câu dân ca, tục ngữ, hay những bài học răn dạy con cháu. Ông Quàng Văn Khôn, 80 tuổi ở xã Chiềng Xôm, Thành phố, cho biết: Đồng bào dân tộc Thái coi nước là cội nguồn của sự sống, nên rất nhiều tên bản, tên xã gắn với nước, như nặm (nước), huổi (suối), bó (mó nước), xốp (cửa khe suối), noong (ao/hồ). Điều đó cũng bắt nguồn từ tập quán sinh sống gần nguồn nước, gắn với ruộng đồng, lúa nước của đồng bào cho đến tận hôm nay.

Tri thức dân gian các dân tộc ở miền núi được thể hiện rất đa dạng ở nhiều lĩnh vực, trong đó phải kể vốn tri thức dân gian về y học cổ truyền, là những bài thuốc từ cây cỏ dùng chữa bệnh thông thường, chữa côn trùng cắn, thuốc tắm, thuốc bổ,... được áp dụng rộng rãi bảo vệ sức khỏe gia đình từ thời y học hiện đại còn chưa xuất hiện. Hay những bài học kinh nghiệm rất hữu ích trong đời sống sinh hoạt gắn với tập quán, điều kiện sống của mỗi dân tộc. Đồng bào Thái có câu “Khau cút tẻm lái bua/Xinh dua têm lái én/Nhà ca vén tín con” (Khau cút hình hoa sen/Kèo chính hình đuôi én/Mái gianh xén cho bằng) để truyền dạy về kinh nghiệm và phong tục làm nhà sàn. Các dân tộc sinh sống ở vùng thấp, như: Mường, La Ha, Xinh Mun... cũng có những kinh nghiệm truyền dạy về làm nhà sàn gần giống như vậy. Đây là dạng kiến trúc đặc trưng, phù hợp với điều kiện sinh sống ven suối, ven cánh đồng, sàn cao để tránh ẩm thấp và ngập úng. Trong khi đó, đồng bào sinh sống ở vùng cao như dân tộc Mông, Dao... lại có thói quen làm nhà trệt, nền đất, tường nhà thưng bằng ván gỗ kín đáo, mái nhà thấp để tránh gió rét và sương mù.

Không chỉ có vậy, tri thức dân gian các dân tộc còn rất phong phú với những kiến thức mang tính hệ thống ở mọi mặt đời sống xã hội, được thể hiện cả trong quan niệm nhân sinh, quan niệm xã hội, tín ngưỡng dân tộc và cả mối quan hệ gia đình, xây dựng cộng đồng làng bản... Cho đến nay, rất nhiều những kiến thức cổ xưa ấy vẫn còn nguyên giá trị, được bảo tồn, gìn giữ và áp dụng sáng tạo trong đời sống, trong phát triển kinh tế cùng với sự đổi thay không ngừng của nhịp sống thời đại, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của mỗi dân tộc.

Tác giả: Theo Báo Sơn La