Du lịch Việt Nam 55 năm xây dựng và phát triển
Lượt xem: 1196
Trong suốt hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển, ngành du lịch Việt Nam từ chỗ chưa có địa chỉ trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới, đến nay đã được Đảng và Nhà nước khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn, đứng ở vị trí thứ 5 trong các nước ASEAN, là địa danh nổi tiếng, là điểm đến an toàn và thân thiện.

Nhìn lại chặng đường đã qua, ngành du lịch nước ta trải qua nhiều thời kỳ phát triển. Giai đoạn đầu tiên từ năm 1960 đến 1975 đất nước tạm thời bị chia cắt, nền kinh tế còn nghèo nàn, lạc hậu, Việt Nam chỉ quan hệ chính thức với các nước xã hội chủ nghĩa, du lịch ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ các đoàn khách của Đảng và Nhà nước, khách du lịch vào nước ta theo các Nghị định thư. Để thực hiện mục tiêu này, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 26/CP, ngày 9/7/1960, thành lập Công ty Du lịch Việt Nam trực thuộc Bộ Ngoại thương, năm 1969 chức năng này chuyển về Phủ Thủ tướng sau đó chuyển sang Bộ Công an quản lý.

Sau khi miền Nam được giải phóng, Tổ quốc thống nhất, nhất là từ năm 1986 cùng với sự đổi mới đất nước, Việt Nam chủ trương làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển. Tháng 10 năm 1994 Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá VII đã ra Chỉ thị 46/CT-TƯ khẳng định: “Phát triển du lịch là một hướng chiến lược quan trọng trong đường lối phát triển kinh tế - xã hội nhằm góp phần thực hiện công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước”. Quan điểm đó được kiểm nghiệm trong thực tiễn phát triển Du lịch Việt Nam trong suốt nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII và đến nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX được nâng lên “Phát triển nhanh du lịch thật sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn”. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hoá, lịch sử, đáp ứng nhu cầu du lịch trong nước và phát triển nhanh du lịch quốc tế. Phấn đấu sớm đưa đất nước ta đạt trình độ phát triển du lịch khu vực. Xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất, hình thành các khu du lịch trọng điểm, đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các nước.

Để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển du lịch phù hợp với điều kiện và xu hướng phát triển du lịch thế giới. Pháp lệnh du lịch đã ra đời năm 1999 với các chính sách, thể chế đã được thực hiện có hiệu quả. Năm 2005 Quốc hội đã thông qua luật du lịch để điều chỉnh các quan hệ du lịch ở tầm cao hơn, khẳng định vị thế của ngành du lịch ngay từ chính sách và thể chế.

Ngày 31 tháng 7 năm 2007, Quốc hội khoá XII ra Nghị Quyết quyết định thành lập Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Việt Nam trên cơ sở hợp nhất Uỷ ban Thể dục Thể thao, Tổng cục Du lịch và phần văn hoá của Bộ Văn hoá Thông tin. Sau 2 năm hoạt động các đơn vị đã nhanh chóng củng cố, ổn định bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, khắc phục khó khăn về mọi mặt để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố.

Có thể nói, ngành Du lịch trong giai đoạn 2007- 2015  phát triển mạnh mẽ và đạt nhiều thành quả mang tính chất toàn diện, sâu sắc và chuyên nghiệp, khẳng định vai trò là một ngành kinh tế quan trọng của đất nước. Tốc độ tăng trưởng khách năm này, năm khác có thể chững lại, nhưng tốc độ phát tăng trưởng khách ở giai đoạn này luôn đạt nhịp độ 2 con số: 5,049 triệu lượt năm 2010, đến năm 2014 đón xấp xỉ 8 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ du lịch đạt 230 ngàn tỷ đồng. Về khách nội địa, năm 2010 phục vụ 28 triệu lượt và năm 2014 đạt gần 38 triệu lượt.

Hoạt động du lịch đem lại nguồn thu đáng kể, đến năm 2014 Du lịch VIệt Nam thu được 230 nghìn tỷ đồng, đóng góp đáng kể vào cơ cấu nền kinh tế đất nước: nếu như năm 2000 Du lịch Việt Nam đóng góp 3,26% vào GDP cả nước thì đến năm 2014 đã chiếm tới 6%.

Lực lượng lao động du lịch tăng tương đối nhanh cả về số lượng và chất lượng. Hợp tác quốc tế về du lịch biểu thị sự hội nhập rất tích cực thông qua việc tham gia các tổ chức thế giới như UNWTO, ASEAN, PATA, APEC, GMS, ACMECS… và ký kết điều ước, thỏa thuận quốc tế về du lịch với 76 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Giai đoạn phát triển này của Du lịch Việt Nam cũng ghi nhận vai trò của doanh nghiệp du lịch với tổ chức đại diện là Hiệp hội Du lịch Việt Nam đóng vai trò là một đối tác trong phát triển du lịch.

Từ giữa năm 2014 đến thời điểm này, ngành du lịch phải đối mặt với nhiều khó khăn thách mới đặt ra. Nhưng cũng chưa bao giờ ngành du lịch nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát và cụ thể của Đảng và Nhà nước như lúc này. Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 08/12/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong tình hình mới là văn kiện có ý nghĩa chiến lược, đề ra 5 nhóm giải pháp toàn diện có tính đột phá để du lịch Việt Nam huy động và kết nối các nguồn lực, vượt qua khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong gần 1 tháng, đã có 02 Nghị quyết và 01 Chỉ thị được ban hành, đó là: Nghị quyết số 39/NQ-CP, Nghị quyết số 46/NQ-CP của Chính phủ về việc miễn thị thực cho công dân 6 nước và Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 02/7/2015 về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch. Điều đó khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển du lịch.

Đồng hành cùng với sự vận động và phát triển của Du lịch Việt Nam, thời gian qua du lịch Sơn La đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế của địa phương và vào sự nghiệp phát triển du lịch của cả nước. Trong suốt quá trình phát triển, du lịch Sơn La luôn nhận được sự quan tâm của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh. Các Chỉ thị, Nghị quyết, chương trình, kế hoạch được ban hành nhằm cụ thể hoá các chỉ đạo của Trung ương vào điều kiện thực tế địa phương nhằm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Đặc biệt, ngày 01 tháng 03 năm 2013, Nghị quyết 19 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch Sơn La được ban hành, đã trở thành dấu mốc quan trọng, từ đây Du lịch Sơn La chính thức có được định hướng phát triển mang tính chiến lược cho bước đường phát triển của mình. 

Trên cơ sở Chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam, công tác quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh được quan tâm triển khai thực hiện. Đến nay, Du lịch Sơn La đã hoàn thiện 03 quy hoạch được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cụ thể: Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Mộc Châu; HĐND tỉnh thông qua và UBDN tỉnh phê duyệt Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 và Quy hoạch phát triển du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030. Những quy hoạch tổng thể đó, đã và đang là cơ sở pháp lý cho việc triển khai xây dựng quy hoạch chi tiết 1/500 các khu, điểm du lịch.

Công tác quản lý, hướng dẫn thẩm định, phân loại xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch được triển khai theo kế hoạch đảm bảo đúng quy định của pháp luật; Các công ty kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh cũng đẩy mạnh hoạt động lữ hành, đưa nhiều đoàn khách trong tỉnh đi thăm quan và đón các đoàn khách đến thăm quan tại Sơn La.

Bên cạnh đó, tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật của dự án EU, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch Sơn La, UBND huyện Mộc Châu đã phối hợp tổ chức được nhiều khóa tập huấn về du lịch, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch;

Tích cực tham gia, triển khai thực hiện các tiêu chuẩn kỹ năng nghề Quốc gia thuộc nhóm nghề du lịch; Học tập du lịch có trách nhiệm; Quản trị khủng hoảng công tác truyền thông về Du lịch; Quản lý chất lượng dịch vụ và tiêu chuẩn du lịch; Tích cực Học tập kinh nghiệm quản lý phát triển du lịch các tỉnh có đặc thù miền núi và dân tộc ....

Hàng năm, tổ chức bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về du lịch cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về du lịch tại các huyện, các xã và các điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh.

Công tác quản lý nhà nước về an ninh du lịch tại địa phương được triển khai tốt, nhất là công tác quản lý cư trú, xuất nhập cảnh và người nước ngoài. Chủ động nắm chắc tình hình về hoạt động du lịch của người nước ngoài tại địa phương, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, ngăn chặn kịp thời mọi biểu hiện và hoạt động lợi dụng du lịch để xâm phạm an ninh quốc gia, vi phạm pháp luật, đồng thời giáo dục tuyên truyền nâng cao cảnh giác đối với cán bộ công nhân viên và công dân hoạt động trong lĩnh vực du lịch.

Công tác xúc tiến và hợp tác phát triển du lịch, thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức đoàn Famtrip khảo sát các điểm du lịch, cơ sở hạ tầng phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Sơn La cho trên các doanh nghiệp du lịch toàn quốc tham quan, tìm hiểu cơ hội đầu tư phát triển du lịch tại tỉnh Sơn La.

Tính đến hết 6 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh có 135 cơ sở lưu trú; tổng lượt khách du lịch đến Sơn La đạt gần 4,5 triệu lượt; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt gần 300 tỉ đồng.

Sau 55 năm hình thành và phát triển, Du lịch Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm đan xen những khó khăn - thuận lợi, cơ hội - thách thức. Tuy nhiên, khi nhìn vào xu thế phát triển du lịch và nhận thức xã hội, đặc biệt là sự nhìn nhận, quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với vai trò của ngành Du lịch trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nói chung và Chiến lược kinh tế đối ngoại của đất nước nói riêng, sẽ thấy rõ được tương lai của ngành Du lịch và qua đó có được niềm tin, xác định được trách nhiệm của mỗi người lao động trong ngành Du lịch, cho dù trên bất kỳ vị trí nào, đối với kỳ vọng của đất nước về sự phát triển tất yếu của ngành Du lịch Việt Nam./.

Phòng NVDL