Đông Sang gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch
Lượt xem: 628
Đông Sang (Mộc Châu) là một trong những điểm thu hút khách du lịch bởi khung cảnh lãng mạn với khu rừng thông bên hồ nước trong xanh, cùng những nếp nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái. Những nét đẹp đó đang được xã Đông Sang giữ gìn và phát huy, tạo thành sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Phục dựng tái hiện Lễ hội Hết Chá tại bản Áng, xã Đông Sang.

Ấn tượng đầu tiên khi đến xã Đông Sang là những nếp nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái gắn biển kinh doanh phục vụ khách du lịch nghỉ dưỡng trải nghiệm. Anh Vì Văn Tuyền, công chức Văn hóa xã hội của xã dẫn chúng tôi đi tham quan các homestay và giới thiệu về những nét văn hóa truyền thống của người dân địa phương: Đông Sang có 11 bản với 6 dân tộc Thái, Kinh, Mông, Dao, Mường, Thổ... trong đó hơn 60% là dân tộc Thái. Cùng với những danh thắng như khu hồ sinh thái rừng thông bản Áng, thì những nét văn hóa đặc sắc đã góp phần tạo ra sự đa dạng, phong phú về loại hình du lịch để thu hút du khách đến trải nghiệm.

Hiện, toàn xã có 74 hộ kinh doanh dịch vụ homestay, nhà nghỉ, trong đó có 80% là nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái. Những điểm du lịch cộng đồng thu hút khách du lịch không chỉ nhờ có cảnh quan đẹp, mà có cả sức hút từ văn hóa đặc sắc của cư dân bản địa. Chính vì vậy, ngoài việc xây dựng các điểm du lịch cộng đồng, xã còn khuyến khích người dân gìn giữ những nếp nhà truyền thống, các phong tục, tập quán tốt đẹp, văn hóa ẩm thực dân tộc để thu hút khách du lịch đến trải nghiệm. Trong đó, nổi bật là Khu du lịch rừng thông bản Áng, với không gian văn hóa dân tộc Thái được phục dựng công phu và nhiều hoạt động mang tính chất quảng bá văn hóa dân tộc.

Chị Lữ Thị Thuận, Giám đốc Hợp tác xã Du lịch cộng đồng bản Áng, cho biết: Du khách đến đây sẽ được trải nghiệm nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái thông qua việc cùng ăn, cùng ở và sinh hoạt dưới những nếp nhà sàn truyền thống được trang bị đầy đủ tiện nghi; được thưởng thức những món đặc sản của núi rừng như thịt trâu gác bếp, cá suối nướng, xôi ngũ sắc, rau rừng…Và khi màn đêm buông, du khách sẽ được hòa mình cùng những điệu múa xòe Thái đậm chất văn hóa địa phương.

Đông Sang có Lễ hội Hết Chá của dân tộc Thái được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.  Lễ hội Hết Chá là hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh sâu sắc, là lễ hội của đoàn kết cộng đồng, cùng giúp nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Qua nhiều năm, Lễ hội đã được nghiên cứu, phục dựng tái hiện đầy đủ trong Ngày hội văn hóa các dân tộc Mộc Châu tổ chức vào dịp 2/9 và ngày 26/3 hằng năm, qua đó giáo dục, tuyên truyền nâng cao ý thức của mỗi người dân, cộng đồng, nhất là cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của văn hóa dân tộc, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương. Đồng thời là món “đặc sản” riêng, quảng bá nét văn hóa của mảnh đất và con người nơi đây đến với du khách.

Ông Nguyễn Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Đông Sang, cho biết: Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết về phát triển du lịch, dịch vụ giai đoạn 2020-2025, với mục tiêu phát triển dịch vụ du lịch gắn với xây dựng và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về du lịch cộng đồng cho người dân, tạo cơ sở để khôi phục du lịch sau ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Chúng tôi sẽ củng cố, duy trì hoạt động đội văn nghệ quần chúng tại 100% các bản, tập luyện, biểu diễn các tiết mục văn nghệ dân tộc, góp phần lưu giữ và phát huy các loại hình nghệ thuật; duy trì tổ chức Lễ hội Hết chá của dân tộc Thái, thu hút người dân và du khách đến tham gia trải nghiệm.

Ở Đông Sang hiện còn lưu giữ nghề truyền thống đan lát, làm đệm bông gạo và dệt thổ cẩm. Với sự hỗ trợ của huyện Mộc Châu và đơn vị tư vấn của Dự án GREAT đã tổ chức hướng dẫn làm xưởng nhuộm dệt vải tại không gian văn hóa bản Áng, xã Đông Sang cho 20 hộ kinh doanh du lịch cộng đồng, nghệ nhân để nghề dệt thổ cẩm tiếp tục được giữ gìn và phát huy. Du khách đến nay sẽ được trải nghiệm cách dệt vải thủ công của dân tộc Thái, mua các sản phẩm khăn piêu, áo thổ cẩm, túi xách... làm quà lưu niệm.

Với tiềm năng, lợi thế vốn có cùng những giải pháp đồng bộ của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa dân tộc, Đông Sang đã và đang trở thành một trong những điểm đến tham quan, trải nghiệm của đông đảo du khách trong và ngoài nước mỗi lần đến với cao nguyên Mộc Châu.