Bánh trôi, bánh chay ngày Tết Hàn thực
Lượt xem: 664
Đã từ lâu, bánh trôi, bánh chay trở thành một trong những món ăn truyền thống, là nét đẹp văn hóa ẩm thực độc đáo của người Việt Nam trong ngày tết Hàn thực (3/3 Âm lịch) hằng năm. Tại thành phố Sơn La, nhu cầu mua bánh trôi, bánh chay để lễ Phật, cúng gia tiên cũng tăng cao trong những ngày này.
Anh Trần Tiến Đạt (tổ 12, phường Quyết Thắng) - một trong những người chuyên làm bánh trôi, bánh chay thêm phần bận rộn vì những đơn hàng ngày một tăng.
Chỉ riêng trong 3 ngày giáp ngày Tết Hàn thực, anh Đạt đã làm gần 1.000 chiếc bánh trôi, bánh chay phục vụ hơn 400 đơn hàng bán lẻ, bán buôn trên địa bàn tỉnh, giá bán từ 20.000 đồng đến 30.000 đồng/đĩa hoặc cốc tùy theo yêu cầu của khách.
Gắn bó với nghề làm bánh trôi, bánh chay hơn 5 năm nay, anh Đạt thường làm loại bánh truyền thống có vỏ màu trắng từ bột nếp, cùng những nguyên liệu đơn giản đường viên, đậu xanh, cốt dừa, gừng, vừng, lạc...
Khi làm bánh chay, để giữ hương vị truyền thống, anh Đạt làm nước dùng bằng cách đun sôi nước và đường thốt nốt, thả bánh vào rồi rắc thêm chút vừng, lạc, hay gừng thái lát lên mặt bánh. Còn bánh trôi được xếp đều lên đĩa, rắc thêm chút vừng và dừa tươi thái sợi.
Cùng với bánh trôi, bánh chay màu trắng truyền thống, nhiều người còn chọn làm bánh “ngũ sắc”, với màu bánh mới lạ, đa dạng, đẹp mắt mà không ảnh hưởng nhiều đến hương vị.
Màu của bánh trôi "ngũ sắc" được làm từ các loại rau, củ, quả tự nhiên như màu cam từ gấc, xanh của lá dứa, hồng từ củ dền, tím từ lá cẩm...
Trong ngày Tết Hàn thực, nhiều hộ gia đình quây quần, cùng nhau làm bánh, vừa tạo không khí gắn kết, vừa góp phần gìn giữ và phát huy những nét văn hóa truyền thống.
Những chiếc bánh trôi, bánh chay mềm dẻo, rực rỡ sắc màu, hòa cùng vị ngọt của đường, vị ngậy của đậu xanh... sẽ giúp ngày Tết Hàn thực thêm trọn vẹn, ý nghĩa với mỗi người, mỗi nhà.
Tác giả: Theo Báo Sơn La
26/03/2020