Bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa
Lượt xem: 418
Bảo tàng tỉnh hiện đang quản lý 5 di tích lịch sử văn hóa gồm: Khu di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, Nghĩa trang liệt sỹ Nhà tù Sơn La, Cây đa bản Hẹo, Đền thờ vua Lê Thái Tông, Nhà trưng bày di sản văn hóa vùng lòng hồ thủy điện Sơn La.

Khách tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La.

Bảo tàng tỉnh xác định việc tổ chức phục vụ khách tham quan là một trong những khâu quan trọng, đơn vị chủ động phân công lịch trực cho các phòng chuyên môn; tăng thêm thời gian mở cửa, bố trí hướng dẫn viên phục vụ chu đáo các đoàn khách đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu; xây dựng kế hoạch phối hợp với phòng Giáo dục - Đào tạo các huyện, thành phố tổ chức cho học sinh đến học tập tham quan tại các điểm di tích... từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phục vụ hơn 300.000 lượt khách; tổ chức 118 cuộc tuyên truyền giáo dục truyền thống cho hàng ngàn lượt học sinh, sinh viên tại các khu di tích.

Công tác nghiên cứu, sưu tầm, gìn giữ các di sản văn hóa vật thể được Bảo tàng đặc biệt quan tâm, tổ chức tốt công tác bảo quản tư liệu, hiện vật tại các kho hiện vật Bảo tàng, Nhà trưng bày di sản văn hóa vùng lòng hồ thủy điện Sơn La và các phòng trưng bày chuyên đề; hoàn thiện hồ sơ lý lịch hiện vật, vào sổ nhập, sổ kiểm kê bước đầu, sổ phân loại được 70 tư liệu hiện vật.  Thực hiện công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa sách chữ Thái cổ tỉnh năm 2018. Xây dựng kế hoạch và triển khai công tác lập hồ sơ xếp hạng 2 di tích năm 2018: Di tích lũng Lán Đanh (Xã Mường Chùm, huyện Mường La); phối hợp với các cơ quan, ban, ngành huyện Yên Châu khảo sát 3 danh thắng hang động tại xã Chiềng On để trình UBND tỉnh bổ sung vào danh mục di tích.

Bà Lưu Thị Hải Anh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Hiện nay, đơn vị đang tham mưu, đề xuất với ngành, tỉnh, Cục di sản văn hóa tăng cường các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Hoàn thiện hồ sơ khoa học di tích lũng Đán Đanh trình UBND tỉnh xếp hạng; nghiên cứu, hoàn thiện 4 hồ sơ di tích: Đèo Pha Đin (Thuận Châu), bến phà Tạ Khoa - Đèo Chẹn (Bắc Yên), di tích Pom Đồn (Mường La). Đồng thời, tiếp nhận trả lời đơn thư, phản ánh của thân nhân tù nhân chính trị bị thực dân Pháp giam cầm tại Nhà tù Sơn La giai đoạn 1930 - 1945; phối hợp với đơn vị tư vấn thi công công trình tu bổ, tôn tạo di tích mái đá bản Mòn (xã Thôm Mòn, huyện Thuận Châu); phối hợp với đơn vị tư vấn thi công công trình tu bổ, tôn tạo di tích Đền thờ Vua Lê Thái Tông.

Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa, Bảo tàng tỉnh tiếp tục tăng điều tra, khảo sát các di chỉ khảo cổ học và tổ chức khai quật các di chỉ khảo cổ theo đúng quy định của pháp luật; đề xuất thực hiện và xây dựng các phương án bảo vệ, tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trong toàn tỉnh; tổ chức các cuộc điền dã, điều tra khảo sát, phát hiện các di tích lịch sử văn hóa, danh thắng, xây dựng kế hoạch danh mục phân loại, xác định quy mô, giá trị, lập hồ sơ lý lịch xếp hạng di tích theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước giao.

Theo Báo Sơn La