Khu căn cứ cách mạng Việt Nam - Lào biểu tượng của tình đoàn kết đặc biệt, thủy chung, trong sáng (phần 3)
Lượt xem: 445
Khu căn cứ cách mạng Việt Nam - Lào có giá trị khoa học nổi bật

 

Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng cùng Chủ tịch Quốc hội nước CHDCND Lào Pa-ny Ya-tho-tu
bấm nút động thổ xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào, ngày 24/4/2012

Thứ nhất, lòng yêu nước, sự thống nhất mục tiêu, lý tưởng, tinh thần quốc tế vô sản, phẩm chất và nhân cách vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản là những nhân tố nền tảng quan trọng. Quan hệ đặc biệt của hai lãnh tụ chính là xuất phát từ chiều sâu và tầm cao nhận thức về quy luật; tầm quan trọng của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào; đây cũng là nhân tố chính khởi đầu cho sự gặp gỡ rồi gắn bó thủy chung của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản.

Thứ hai, từ quá trình nghiên cứu lý luận, khảo sát thực tiễn thế giới, cùng với quá trình hình thành con đường cách mạng giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy tầm quan trọng đặc biệt của việc gắn kết vận mệnh và phong trào cách mạng của ba nước Đông Dương nói chung và của hai dân tộc Việt Nam và Lào nói riêng, để từ đó xây dựng nền tảng lý luận của quan hệ đặc biệt Việt Nam và Lào. Trên hành trình trở về tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến Lào để tìm hiểu phong trào cách mạng nơi đây. Những luận điểm trong cương lĩnh chính trị đầu tiên do Người soạn thảo thấm đậm tinh thần dân tộc chân chính hòa quyện với chủ nghĩa quốc tế cao cả được Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930 thông qua đã hàm chứa cả những vấn đề lý luận của công cuộc giải phóng, giành độc lập, tự do cho dân tộc Lào.

Thứ ba, trong lý luận về chiến tranh cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, hậu phương, căn cứ địa giữ vai trò hết sức quan trọng. Bởi hậu phương, căn cứ địa là nơi huy động sức mạnh nhân dân, nơi gây dựng, phát triển lực lượng vũ trang cách mạng, là bàn đạp để tiến công thực hiện nhiệm vụ cách mạng. Thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, kết hợp với truyền thống đấu tranh của dân tộc, lãnh đạo nhân dân ta tiến hành đấu tranh giành chính quyền, chiến đấu giải phóng dân tộc, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng xây dựng hậu phương, căn cứ địa, coi đó là một trong những yếu tố quan trọng để làm nên chiến thắng. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ngay từ đầu Đảng đã chỉ đạo xây dựng các căn cứ địa rộng lớn, làm chỗ dựa cho cuộc kháng chiến lâu dài. Đó là, căn cứ địa Việt Bắc - được coi là căn cứ địa Trung ương, là căn cứ địa các khu, các tỉnh,... Nhờ những căn cứ địa ngày càng vững chắc, quân và dân ta sớm vượt qua giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến, đánh bại âm mưu tái thôn tính Đông Dương của thực dân Pháp, buộc quân xâm lược thực dân phải chấp nhận một cuộc chiến tranh kéo dài, hao người, tốn của, không rõ ngày kết thúc.


Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam
và Đồng chí Pa-ny Ya-tho-tu - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước CHDCND Lào chụp ảnh lưu niệm tại lễ khánh thành di tích, 2017

Thứ tư, cùng với lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành kháng chiến, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định trách nhiệm quốc tế với Lào và Campuchia, hai quốc gia láng giềng có mối quan hệ hữu nghị, đang bị thực dân Pháp xâm lược. Để đánh bại kẻ thù chung, đối với nước bạn Lào, Đảng xác định “hai nước sẽ giúp đỡ nhau về mọi mặt, nhất là trên lĩnh vực quân sự để cùng nhau tiến tới cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập cho mỗi nước”. Cùng với thành lập liên quân Lào - Việt, cử các đoàn quân sang giúp nhân dân Lào chiến đấu chống thực dân Pháp, Đảng xác định phải tiến hành xây dựng các căn cứ địa, phát triển lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang cho nước bạn, tức là tạo nên những yếu tố căn bản nhất cho cuộc kháng chiến của liên minh các bộ tộc Lào. Trong khi đó, với các tỉnh Bắc Lào, nơi có địa hình hiểm trở, đường sá từ Việt Nam sang không thuận lợi, nhưng lại là địa bàn chiến lược. Bởi vậy, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, Bộ Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và Dân quân Việt Nam đã quyết định tăng cường lực lượng giúp cho Mặt trận Lào Bắc, dẫn đến sự ra đời của Ban xung phong Lào - Bắc. Cơ sở đầu tiên để hình thành, xây dựng và phát triển của Quân đội Cách mạng Lào.

 
Nhà trưng bày tại Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam – Lào

 
Đài hoa hữu nghị Việt Nam - Lào

 
Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản bên trong nhà trưng bày di tích

Với giá trị lịch sử quan trọng, giá trị khoa học nổi bật, ý nghĩa to lớn về chính trị, nhân dịp Kỷ niệm 35 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Lào - Việt Nam (18/7/1977 -18/7/2012), 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (05/9/1962 - 05/9/2012), Khu căn cứ cách mạng Việt Nam - Lào được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam xếp hạng Di tích quốc gia. Ngày 24/4/2012, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng và Chủ tịch Quốc hội nước CHDCND Lào Pa-ny Ya-tho-tu đã bấm nút khởi công xây dựng, tôn tạo Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô I, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu.

Nhân dịp Kỷ niệm 40 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Lào - Việt Nam (18/7/1977 -18/7/2017) 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào  (05/9/1962 - 05/9/2012), ngày 06/7/2017, Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào được Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Quốc hội nước CHDCND Lào Pa-ny Ya-tho-tu cắt băng khánh thành.

Để tiếp tục tuyên truyền, phát triển mối quan hệ đoàn kết, thủy chung của 2 dân tộc Việt Nam - Lào lên một tầm cao mới. Hướng tới kỷ niệm 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Lào - Việt Nam (18/7/1977 -18/7/2022) và 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (05/9/1962 - 05/9/2022). Năm 2021, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La đã chỉ đạo ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập hồ sơ khoa học và đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 93/QĐ-TTg ngày 18/01/2022. Năm 2022, được chọn là “Năm đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Lào”, tháng 9/2022, tỉnh Sơn La sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào và đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Khu căn cứ cách mạng Việt Nam - Lào.

Di tích lịch sử Khu căn cứ cách mạng Việt Nam - Lào được Đảng, Nhà nước Việt Nam quan tâm đầu tư, tôn tạo. Nơi đây, đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho nhân dân về tình đoàn kết đặc biệt, hữu nghị vĩ đại của nhân dân hai nước Việt Nam - Lào trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đồng thời, trở thành điểm hấp dẫn du khách đến thăm quan và trải nghiệm./.

Tác giả: Dương Thế Sơn – Bảo tàng tỉnh Sơn La