Khu căn cứ cách mạng Việt Nam - Lào biểu tượng của tình đoàn kết đặc biệt, thủy chung, trong sáng (phần 2)
Lượt xem: 486
Khu căn cứ cách mạng Việt Nam - Lào có giá trị lịch sử quan trọng đối với cả hai nước Việt Nam – Lào


Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào, 1954

Trước hết, giá trị nổi bật của Khu di tích chính là biểu tượng cho mối quan hệ “hữu nghị vĩ đại” giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào, mà quan trọng hơn cả di tích là bằng chứng vật chất và lịch sử phản ánh tinh thần quốc tế trong sáng của Đảng và Nhà nước, một trong những yếu tố quan trọng quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam và Lào. Theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần quốc tế trong sáng có các đặc trưng nổi bật sau đây:

Thứ nhất, quan điểm về đoàn kết quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh là xuyên suốt và nhất quán, bởi Người sớm nhận ra, cuộc cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản muốn đi đến thắng lợi thì phải huy động và tập hợp được sức mạnh đoàn kết quốc tế. Trong hành trình tìm đường cứu nước, lý tưởng cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở giải phóng dân tộc mình, mà còn vì sự nghiệp giải phóng các dân tộc và nhân loại khỏi ách áp bức, bóc lột của thực dân, đế quốc. Thực tiễn lịch sử cho thấy, dân tộc Việt Nam chiến thắng được những kẻ thù hùng mạnh cũng bởi nhờ toàn dân luôn đoàn kết một lòng; đồng thời, đã nhận được sự đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ quý báu cả về tinh thần và vật chất của các nước anh em, của bạn bè yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Sự hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa các quốc gia, dân tộc; giữa giai cấp vô sản của các nước Châu Á với phong trào cách mạng vô sản của thế giới. Sự hợp tác, giúp đỡ và học hỏi lẫn nhau tạo nên sức mạnh giải phóng dân tộc của từng quốc gia. Tinh thần quốc tế trong sáng góp phần gắn kết keo sơn các nước anh em theo tinh thần “bốn phương vô sản đều là anh em”, tạo nên tình đoàn kết trong nội bộ nhân dân của các nước thuộc địa và đoàn kết giữa nhân dân lao động của các nước thuộc địa và nhân dân lao động ở các chính quốc. Tình đoàn kết quốc tế giữa ba nước Đông Dương trong đó tình đoàn kết Việt Nam - Lào là tấm gương sáng và mẫu mực nhất về tinh thần quốc tế trong sáng. Có thể coi đây cũng là giá trị hạt nhân, giá trị cốt lõi hàm chứa trong khu di tích.


Đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản gắn huân chương cho các chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam, 1954

Thứ hai, Khu di tích là nơi hình thành và hoạt động của Ban Xung phong Lào - Bắc tại Phiêng Sa đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của phong trào cách mạng của nhân dân Lào dưới sự lãnh đạo của đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản và sự giúp đỡ, che chở bảo vệ của đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La. Đây cũng là tiền đề cho việc xây dựng căn cứ địa Lào độc lập, tạo điều kiện cho sự ra đời của đơn vị Lát-xa-vông tiến tới thành lập Quân đội Lào Ít-xa-la (tiền thân của Quân đội nhân dân Lào). Từ đây, Ban xung phong Lào - Bắc đã xây dựng một địa bàn vững chắc, vừa bảo toàn lực lượng, vừa làm bàn đạp phát triển, mở rộng căn cứ cách mạng vào sâu trong đất Lào. Với sự giúp đỡ của nhân dân Phiêng Sa và Quân tình nguyện Việt Nam, căn cứ cách mạng Phiêng Sa không ngừng được củng cố, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản và Ban xung phong Lào - Bắc hoạt động, từ đó tiến sâu vào đất Lào, từng bước xây dựng, mở rộng hệ thống căn cứ địa liên thông từ Thượng Lào đến Trung Lào và Hạ Lào.

Thứ ba, sự phát triển của cách mạng Lào mà đặc biệt là chiến thắng Chiến dịch Thượng Lào đã cổ vũ tinh thần và sự hỗ trợ trực tiếp giúp Quân đội nhân dân Việt Nam tiêu diệt hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp. Với thắng lợi của chiến dịch Thượng Lào, quân và dân Lào có điều kiện thuận lợi xây dựng, phát triển Sầm Nưa trở thành trung tâm căn cứ địa Trung ương, hậu phương kháng chiến của cả nước Lào, nối thông với nhiều vùng tự do của Việt Nam. Thế phối hợp tác chiến giữa quân đội hai nước trên chiến trường Thượng Lào và Bắc Đông Dương có điều kiện phát triển thuận lợi, góp phần đưa cuộc kháng chiến của quân và dân hai nước giành thắng lợi to lớn trong Chiến cuộc Đông - Xuân 1953 - 1954, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, tiến tới kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ba nước Đông Dương. Rõ ràng chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là yếu tố quyết định buộc thực dân Pháp phải ký hiệp định Gieneva làm cho miền Bắc hoàn toàn được giải phóng mà còn là sự cổ vũ lớn lao cho phong trào giải phóng dân tộc của nhiều nước thuộc địa trên thế giới, kéo theo sự sụp đổ hoàn toàn chủ nghĩa thực dân kiểu cũ của các nước đế quốc. Đây cũng đã thể hiện vai trò lịch sử của khu di tích là củng cố và phát triển tình đoàn kết keo sơn hai nước Việt Nam - Lào.

 
Các đồng chí chuyên gia quân sự Việt Nam giúp quân giải phóng nhân dân Lào

Thứ tư, trên cơ sở các khu giải phóng của Lào ngày càng được mở rộng đã tạo điều kiện giúp Việt Nam xây dựng tuyến đường huyền thoại mang tên Hồ Chí Minh chạy dọc theo dãy Trường Sơn theo hình nan quạt tạo nên dãy Đông Trường Sơn của Việt Nam và dãy Tây Trường Sơn của Lào. Với sự giúp đỡ và tinh thần quốc tế trong sáng của nhân dân Lào đã đảm bảo hậu cần, vận chuyện vũ khí, lương thực và con người phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần giúp Việt Nam giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Tuyến đường đã trở thành tài sản vô cùng quý giá của nhân dân hai nước, vừa trở thành một chiến trường thu hút và tiêu diệt một lực lượng lớn sinh lực địch, vừa thành chỗ "đứng chân" và là "bàn đạp" xuất phát của các binh đoàn chủ lực hùng mạnh tiến xuống giải phóng các tỉnh ven biển miền Trung, tham gia chiến đấu, giải phóng Sài Gòn, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại mùa Xuân 1975. Đây là những bước tiến có tính chất đột biến trong lịch sử dân tộc Việt Nam là minh chứng kết quả của tinh thần đoàn kết Việt Nam - Lào. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược, tuyến đường Hồ Chí Minh là biểu tượng của tình đoàn kết, lòng dũng cảm, ý chí kiên cường và tinh thần "giúp bạn là tự giúp mình" của nhân dân ba nước Đông Dương, đặc biệt là sự sẻ chia, cùng sát cánh bên nhau của quân dân Việt Nam và Lào.

Thứ năm, trong bối cảnh giai đoạn lịch sử hiện đại, một trong những lợi ích cốt lõi của Việt Nam là giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Tạo nên sự hòa bình, thịnh vượng cho nhân dân hai nước Việt Nam - Lào, biên giới phía Tây của Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng và phụ thuộc không nhỏ vào tình đoàn kết quốc tế Việt - Lào được khởi nguồn từ Khu căn cứ cách mạng Phiêng Sa trên đất Sơn La lịch sử.

 
Đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản nói chuyện thân mật với các cán bộ chuyên gia Việt Nam

 
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn Đại biểu Chính phủ vương quốc Lào thăm Việt Nam, 1956

Với những đóng góp quan trọng của Khu căn cứ cách mạng Phiêng Sa đối với cách mạng Lào, ngày 19/3/2010, đồng chí Sủ-thon Xây-nha-chác - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHDCND Lào tại Việt Nam đã trao Huân chương Tự do hạng Ba và Huân chương Hữu nghị cho bản Lao Khô và gia đình ông Tráng Lao Khô. Trong buổi lễ, đồng chí Sủ-thon Xây-nha-chác phát biểu: “Việc Đảng và nước CHDCND Lào quyết định trao tặng Huân chương Tự do hạng Ba và Huân chương Hữu nghị cho tập thể bà con bản Lao Khô và gia đình của ông Tráng Lao Khô lần này là biểu dương thành tích và cống hiến to lớn của các đồng chí, của bà con, thể hiện sự biết ơn sâu sắc, sự cảm ơn chân thành của Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào chúng tôi đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam anh em, các đồng chí chiến sĩ và nhân dân tỉnh Sơn La nói chung, bản Lao Khô nói riêng đã dành sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân Lào trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ...Sự hy sinh và cống hiến to lớn đó của các đồng chí đã góp phần quan trọng vào việc thắt chặt và tăng cường hơn nữa tình hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào - Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản kính yêu đã xây dựng và dày công vun đắp...”

Tác giả: Dương Thế Sơn – Bảo tàng tỉnh Sơn La