Nghi lễ Xé Pang Á của người Kháng tỉnh Sơn La
Lượt xem: 704
Người Kháng quan niệm thế giới bên kia có các thế lực siêu nhiên (các thần linh) cai quản và ngự trị. Họ cho rằng con người đang khỏe mạnh, bỗng nhiên bị ốm đau, bệnh tật đều do các ma xấu làm hại, vì vậy, họ đã tìm đến thầy cúng để chữa bệnh. Thầy cúng hành lễ hoặc làm phép xuất hồn nhờ các thế lực siêu nhiên phù trợ cứu giúp được linh hồn của người bệnh. Sau khi được chữa khỏi bệnh, những người này đều nhận thầy cúng làm cha nuôi. Hàng năm (hoặc vài năm), thầy cúng sẽ tổ chức Nghi lễ Xé Pang Á để cảm tạ công ơn của các thế lực siêu nhiên đã phụ trợ cho thầy cúng làm lễ chữa bệnh, tạ ơn ma thầy (tổ nghề). Đồng thời, cũng để các con nuôi về dâng lễ lên các thần linh, báo đáp công lao của thầy, cầu mong các thần linh tiếp tục phù hộ cho các con nuôi được khỏe mạnh. 

Quy mô tổ chức Nghi lễ Xé Pang Á tùy thuộc vào từng thầy cúng. Nếu thầy cúng có nhiều năm hành nghề, có số lượng con nuôi đông thì tổ chức lễ lớn. Những người tham gia không chỉ ở trong gia đình, bản làng, xã hay huyện mà có thể ở các huyện khác trong tỉnh, đôi khi còn có cả ở các tỉnh khác về tham dự; không chỉ là người Kháng mà còn có các dân tộc khác như: Thái, Mông, Kinh. Các thầy cúng mới hành nghề, có số lượng con nuôi ít thì tổ chức quy mô nhỏ hơn. Người Kháng có quan niệm về thời hạn của con nuôi, thông thường, người bệnh nhẹ thì làm con nuôi có thời gian từ 1-3 năm (Quân Liệng), người bệnh nặng thì nhận làm con nuôi vĩnh viễn (Quân Mướng). Sau khi hết hạn làm con nuôi nếu ai có điều kiện thì về thăm cha nuôi hàng năm, ai không có điều kiện thì thôi.

Nghi lễ Xé Pang Á được tổ chức tạo sự vui tươi, phấn khởi cho bà con dân bản, tạo niềm tin của con người đối với tổ tiên, thần linh, là dịp để các con nuôi thể hiện được lòng thành kính đối với ông bà, tổ tiên, biết ơn đối với thầy cúng, các vị thần linh đã chữa khỏi bệnh cho mình.

Lễ vật cũng như trình tự, thủ tục, nội dung của Nghi lễ Xé Pang Á tương đối đơn giản, ngoài mâm lễ chính chủ nhà chuẩn bị để cúng thần linh, hồn chủ nhà thì mâm lễ của các con nuôi không quy định bắt buộc, tùy tâm và điều kiện hoàn cảnh gia đình mà dâng lễ, không đòi hỏi mâm cao cỗ đầy. Mỗi nội dung trong phần lễ, thầy cúng đều cúng khấn mong muốn các vị thần linh chuyên trị các loại bệnh về hưởng lễ con nuôi dâng để chữa khỏi các loại bệnh cho con người, hạn chế nạn hữu sinh vô dưỡng, dạy cho con người hướng thiện, giáo dục những điều tốt đẹp, dạy cho con người cách làm nông nghiệp, chăm chỉ chịu khó thì mùa màng mới bội thu, dạy cho con người biết bảo vệ thiên nhiên, thú rừng đồng thời răn đe các con vật không được phá hoại mùa màng.

 Thầy cúng đang thực Nghi lễ Xé Pang Á

Cùng với nghi lễ cúng các thần linh, thầy cúng cùng các con nuôi còn diễn một số trò diễn như: Người bị điếc, bắn sóc, trọc lỗ tra hạt, lấy củi lấy rau, khỉ đánh trống, rùa ăn mộc nhĩ…để mô phỏng cách chữa các loại bệnh tật, các thao tác về sản xuất nông nghiệp, săn bắt, hái lượm, bảo vệ mùa màng, bảo vệ thiên nhiên, cầu mùa…để nhắc nhở các con nuôi về việc nhớ ơn người chữa bệnh, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, đồng thời tạo ra tiếng cười vui vẻ, thoải mái cho những người tham gia lễ hội, tạo sự gần gũi, xua tan đi nỗi mệt nhọc của cuộc sống thường nhật, cho tinh thần con người được thăng hoa.

  

Thầy cúng cùng các con nuôi thực hiện trò diễn trong Nghi lễ Xé Pang Á

Ngoài ra còn trình diễn các điệu múa như: Múa Từn bu, múa khăn, múa quạt, múa mẹt, múa kiếm, múa phồn thực... nhằm tạo không khí vui vẻ cho các vị thần linh, những người tham gia nghi lễ, đồng thời phản ánh nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống của cộng đồng người Kháng.

  

Múa quạt, múa mẹt trong Nghi lễ Xé Pang Á

Nghi lễ Xé Pang Á vẫn được cộng đồng người Kháng ở các huyện duy trì thường xuyên trong cộng đồng, là một tín ngưỡng không thể thiếu đối với những người làm nghề mo chang, những người bị bệnh và bà con dân bản. Ngày nay, do cuộc sống đầy đủ hơn nên các lễ vật của thầy mo cũng như các bữa cơm mời người thân, dân bản cũng đầy đặn hơn, việc tổ chức Nghi lễ Xé Pang Á không bị trì hoãn bởi sự khó khăn, thiếu thốn về lương thực, thực phẩm như trước đây nữa. Nghi lễ Xé Pang Á đang được bảo tồn rất tốt, không có nguy cơ bị mai một trong cộng đồng người Kháng.

Tác giả: Nguyễn Thị Oanh - Phòng Quản lý Văn hoá