Cuộc đời, sự nghiệp Nhà cách mạng, liệt sỹ Tô Hiệu
Lượt xem: 2640
“Nói đến Tô Hiệu, những đồng chí nào đã từng tranh đấu với anh bên ngoài hay đã sống qua với anh trong ngục tối hẳn không thể quên được anh. Với tính điềm đam, nhẫn nại và đầy đức tính hy sinh, anh xứng đáng là một chiến sĩ cộng sản khuôn mẫu.”. (Lời Đồng chí Trường Chinh - Nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam).

 

Tô Hiệu (1912-1944) Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng

và cách mạng Việt Nam

Đồng chí Tô Hiệu thuộc thế hệ cán bộ cách mạng tiền bối của Đảng ta, là một tấm gương sáng về bản lĩnh kiên trung cách mạng, trọn đời cống hiến và hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đảng và dân tộc đã khẳng định giá trị của một tinh thần cách mạng ngời sáng “Tinh thần Tô Hiệu”.

Đồng chí sinh năm 1912 trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống yêu nước tại làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc tỉnh Hưng Yên) - quê hương của phong trào khởi nghĩa Bãi Sậy (1883-1892) nổi danh trong cả nước.

Đốc Nam Tô Thị từ đường và nhà tưởng niệm đồng chí Tô Hiệu, Xuân Cầu, Nghĩa Trụ, Hưng Yên

Thân sinh đồng chí Tô Hiệu là ông Tô Y và bà Ngô Thị Lý (con gái của danh tướng Ngô Quang Huy), gia đình có 5 anh chị em: Tô Tu, Tô Chấn, Tô Thị Xuyến, Tô Thị Phúc và Tô Hiệu. Tuổi thơ vất vả, cha mất sớm, đồng chí Tô Hiệu lớn lên trong sự yêu thương, đùm bọc của mẹ và các anh chị.

Tô Tu (1901 - 1977) người anh cả, người cha mẫu mực, người trưởng họ có uy tín, sống đức độ, thanh bạch và ngay thẳng. Mới 15 tuổi, phải sang Lào làm thuê để cùng mẹ nuôi các em. Sau cách mạng Tháng Tám, ông làm Trưởng phòng kế toán tài vụ cho nhiều cơ quan nội ngoại thương ở Việt Bắc, Hà Nội và về hưu năm 1966. Năm 1975, hai năm trước ngày mất, ông biên soạn lại gia phả họ Tô chi cụ Đốc Nam và tự hào viết: “Họ ắt có phả, nước ắt có sử để ghi chép hệ thống chi phái… Trải qua các đời đến tôi là 11 đời, dòng dõi thư hương vẫn còn xanh tươi”.

Tô Chấn (1904 - 1936) là người trực tiếp giác ngộ Tô Hiệu theo cách mạng. là Lãnh tụ chủ chốt của Việt Nam Quốc dân Đảng. Năm 1930, Tô Chấn tiến hành mưu sát Toàn quyền Đông Dương, việc chưa thành, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và kết án tử hình, sau giảm án xuống tù chung thân và đày ra Côn Đảo. Ở đây, Tô Chấn hăng hái tham gia đấu tranh và hoạt động theo khuynh hướng cộng sản, là thành viên Ban Lãnh đạo Chi bộ nhà tù Côn Đảo. Cuối 1934, Tô Chấn vượt ngục cùng Ngô Gia Tự và một số đồng chí khác, nhưng kế hoạch không thành, đồng chí  hy sinh trên biển.

Phát huy truyền thống cao đẹp của gia đình, dòng họ, quê hương Xuân Cầu và sự nếm trải qua thực tế với những khó khăn của bản thân, của gia đình đã tác động mạnh mẽ và ảnh hưởng sâu sắc tới tâm hồn cũng như sớm hình thành tư tưởng yêu nước của nhà cách mạng Tô Hiệu.

Năm 1923, ở tuổi 11, đồng chí Tô Hiệu bắt đầu cuộc sống tự lập, vừa phải lo sống, vừa học tập một mình tại Trường Pháp - Việt (nay là Trường tiểu học Tô Hiệu, thành phố Hải Dương). Năm 1926 (14 tuổi), đồng chí tích cực tham gia phong trào đòi ân xá cụ Phan Bội Châu, để tang cụ Phan Chu Trinh. Hoạt động này vi phạm kỷ luật của nhà trường, nên mặc dù học rất giỏi, đồng chí Tô Hiệu vẫn bị buộc phải thôi học. Đó là bước đầu dấn thân vào con đường cách mạng của đồng chí Tô Hiệu.

Năm 1927, đồng chí Tô Hiệu lên Hà Nội ở nhà anh cả Tô Tu và tiếp tục đi học, thời gian này đồng chí vừa học vừa phải kiếm tiền nuôi thân, vừa tham gia hoạt động trong tổ chức yêu nước cách mạng Xích vệ đoàn do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Cuối năm 1929, vào Sài Gòn hoạt động yêu nước cùng với người anh Tô Chấn. Trong một cuộc họp bị bại lộ, đồng chí Tô Hiệu bị chính quyền thực dân Pháp bắt, chúng kết án 4 năm tù giam, đày đi Côn Đảo.

Lao động khổ sai tại hầm say lúa, nhà tù Côn Đảo nơi đồng chí Tô Hiệu bị giam giữ những năm 1930 - 1934

Tại nhà tù Côn Đảo, đồng chí bị đánh đập tra tấn, bị giam vào hầm xay lúa cùng với đồng chí Tôn Đức Thắng. Hầm xay lúa được bọn cai ngục gọi là “khu trừng giới”, nơi đầy đọa tù nhân bằng những hình phạt khủng khiếp. Không gian chật chội, âm thanh ầm ĩ, không khí bụi bặm, oi bức và ngột ngạt cùng với chế độ ăn uống kham khổ, lao động cực nhọc, sức khoẻ đồng chí Tô Hiệu ngày một yếu và bắt đầu bị nhiễm bệnh lao. Tuy vậy, đồng chí vẫn kiên cường tham gia đấu tranh trong tù, đã biến những ngày tháng bị đọa đày ở ngục tù Côn Đảo thành thời gian để hoàn thiện tri thức, nhất là về lý luận và phương pháp hoạt động cách mạng, đồng thời thâu lượm các kinh nghiệm hoạt động thực tiễn cho mình. Tại đây, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và là lớp đảng viên đầu tiên của Đảng.

Sau 4 năm mãn hạn tù quay trở về quê hương, bị Thực dân Pháp quản thúc gắt gao nhưng vẫn bí mật hoạt động, đã có công xây dựng và phát triển phong trào cách mạng ở Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, khôi phục lại Xứ ủy Bắc Kỳ cuối năm 1936.

Trong những năm tháng bị quản thúc ở quê nhà, nhận thấy công tác phổ biến và nâng cao nhận thức cho nhân dân địa phương vô cùng cấp thiết nên Tô Hiệu ra sức vận động trí thức và dân làng Xuân Cầu góp sức xây dựng trường tiểu học đầu tiên của cả vùng " Trường kiêm bị Xuân Cầu" nhằm mở mang và nâng cao dân trí, tập hợp giác ngộ nhân dân tham gia phong trào cách mạng. Thực dân Pháp và phong kiến biết đứng sau trường học này là những người Cộng sản, nhưng không tìm được lý do để bãi bỏ. Điều đó thể hiện uy tín của Tô Hiệu trong nhân dân, tư duy cách mạng hiệu quả cho phong trào.

Năm 1935, đồng chí được điều lên Thái Nguyên để xây dựng cơ sở cách mạng. Sau chuyển về Hà Nội làm Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Bắc Kì, phụ trách tuyên huấn, trực tiếp lãnh đạo phong trào ở Hà Nội. Tháng 2/1939, Trung ương Đảng phân công đồng chí Tô Hiệu về phụ trách Liên Khu B, trực tiếp làm Bí thư Thành uỷ Hải Phòng. Tại đây, Đồng chí đã kiên trì xây dựng cơ sở cách mạng, củng cố phong trào và đặc biệt chú trọng lãnh đạo các cuộc đấu tranh của công nhân. Cuộc đấu tranh của 1000 tiểu thương, công nhân cảng, 3000 công nhân nhà máy tơ do đồng chí lãnh đạo đã gây tiếng vang lớn trong và ngoài nước, phong trào lan rộng, mạnh mẽ đến các nhà máy, nhân dân lao động làm cho thực dân Pháp phải lo sợ. Đồng chí luôn được đảng viên, nhân dân Hải Phòng coi như người "anh cả", là "linh hồn" của phong trào và hết lòng tin yêu, bảo vệ.

Khi còn hoạt động bên ngoài cũng như khi bị giam hãm trong nhà tù đế quốc, đồng chí đã góp phần quan trọng đào tạo được nhiều cán bộ lãnh đạo ưu tú cho Đảng và Nhà nước như: đồng chí Hoàng Ngân, Nguyễn Thanh Bình, Trương Thị Mỹ, Ngô Minh Loan,…

Tháng 12/1939, đồng chí Tô Hiệu đến cơ sở ấn loát ở xóm thợ Thượng Lý kiểm tra việc in truyền đơn chuẩn bị cho cuộc đấu tranh mới thì bị địch bắt, mật thám Hải Phòng tra tấn tàn bạo nhưng không moi được bất cứ thông tin gì về tổ chức, tòa đại hình Hải Phòng kết án 5 năm tù khổ sai, đầu năm 1940, đày lên nhà tù Sơn La.

Lên tới Sơn La, thực dân Pháp coi đồng chí Tô Hiệu là một phần tử đặc biệt nguy hiểm nhưng chúng lại lấy lý do nhân đạo vì đồng chí đang mắc bệnh lao phổi nặng nên giam riêng biệt tại phòng giam hình tam giác chưa đầy 4m2 cuối dãy trại giam chéo.

Thân nhân đồng chí Tô Hiệu thăm nơi giam đồng chí Tô Hiệu

tại nhà tù Sơn La, 1999

          Tình hình tại nhà tù Sơn La thời điểm đó, từ cuối năm 1939 đến 1942, có 7 đoàn tù chính trị bị đày lên nhà tù Sơn La, trong đó phần đông là cán bộ, đảng viên và quần chúng trung kiên của Đảng, những người cộng sản ở nhà tù nhận thức rằng cần phải có một tổ chức thống nhất để chỉ đạo các cuộc đấu tranh. Vì thế, tháng 12/1939, chi bộ lâm thời bí mật được thành lập với 10 đảng viên, do đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Bí thư. Đến tháng 2/1940, đồng chí Tô Hiệu đã có mặt tại Sơn La, nhận thức được yêu cầu lãnh đạo ngày càng cao đối với đảng viên ở trong tù, chi bộ lâm thời chuyển thành chi bộ chính thức, bầu đồng chí Trần Huy Liệu làm Bí thư chi bộ, đồng chí Tô Hiệu là Chi uỷ viên.

Tháng 5 năm 1940, Chi uỷ chi bộ triệu tập Đại hội chi bộ để thảo luận và đề ra các chủ trương công tác cụ thể và đồng thời đã bầu đồng chí Tô Hiệu là Bí thư chi bộ nhà tù Sơn La. Theo sự chỉ đạo của đồng chí Tô Hiệu, chi bộ nhà tù Sơn La đã có sự lãnh đạo tập trung thống nhất, có tổ chức, có phương pháp và phương hướng rõ ràng nên đời sống của anh em tù nhân được cải thiện rõ rệt, đồng thời tổ chức được nhiều cuộc đấu tranh thắng lợi.

Với chủ trương “Biến nhà tù đế quốc thành trường học các mạng”, chi bộ chú trọng công tác giáo dục, mở các lớp học văn hoá, lý luận, quân sự, chính trị, binh vận, dân vận,.. Đồng chí Tô Hiệu luôn nhấn mạnh:“Chúng ta phải thực hiện được điều Lênin đã dạy, tức là phải biến nhà tù thành trường học cách mạng. Nhà tù là một trong những nơi đào tạo cán bộ của Đảng ta, lý luận phải kết hợp với thực tiễn cách mạng”.

Sự ra đời của Chi bộ đảng nhà tù Sơn La là một sự kiện mang tính lịch sử, chi bộ được tổ chức chặt chẽ, bí mật nhưng rất hiệu quả. Sự thành công của chi bộ nhà tù Sơn La gắn với tên, tuổi của nhiều đồng chí cộng sản trung kiên, trong đó nổi bật vai trò của đồng chí Tô Hiệu.

Bên cạnh đó, đồng chí đã tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho binh lính và đồng bào địa phương, đã đào tạo bồi dưỡng được nhiều đảng viên cho Đảng. Những thắng lợi tại nhà tù Sơn La, chính là nhờ công lao to lớn của đồng chí Tô Hiệu, đồng chí được anh em mệnh danh là linh hồn của Chi bộ nhà tù Sơn La.

Vì lý do sức khoẻ nên đồng chí chỉ giữ chức bí thư chi bộ hơn một năm nhưng đồng chí vẫn luôn là cố vấn tin cậy, là Trưởng Ban huấn luyện, đào tạo của chi bộ nhà tù Sơn La.

Năm 1942, khi đồng chí Trần Đăng Ninh bị đày lên Sơn La mang theo chỉ thị Nghị quyết Trung ương 8: chi bộ trong các nhà tù phải tổ chức đưa cán bộ vượt ngục về tiếp ứng phong trào cách mạng. Chi bộ tiến hành họp bí mật, thảo luận nội dung đặc biệt này, nhưng nhiều ý kiến trái chiều, nhiều ý kiến cho rằng vượt ngục quá mạo hiểm, chờ mãn hạn trở về với phong trào; hơn nữa trước đó đã có cuộc vượt ngục của 2 đồng chí người Tày - Cao Bằng đã thất bại đau xót, người mất tích trong rừng, người thì bị bêu đầu ngoài cửa ngục. Đồng chí Tô Hiệu với tư cách là cố vấn chi bộ đã phân tích tình hình và đưa ra lập luận thuyết phục để chi bộ bác bỏ chủ trương cấm vượt ngục:“Vượt ngục là điều rất cần, không đưa được ra nhiều thì đưa ra ít, có thất bại thì ta làm lại, còn hơn là ngồi im, biến nhà tù Sơn La thành trường học, nhưng cung cấp cán bộ cho phong trào lúc này là rất cấp bách…”. Nhờ đó mà chi bộ nhà tù Sơn La đã lên kế hoạch chi tiết và tổ chức vượt ngục thành công cho 4 tù nhân chính trị vào tháng 8 năm 1943.

Mặc dù bị lao phổi rất nặng, nhưng Tô Hiệu vẫn cố gắng ôm ngực viết tài liệu huấn luyện cho chi bộ, đồng chí còn nói với anh em rằng: “Mình biết chắc mình sẽ chết sớm hơn mọi người, vì vậy mình phải tranh thủ thời gian để chiến đấu phục vụ cho Đảng”. Năm 1943, nghe tin Hồng quân Liên Xô thắng lớn ở Lêningrat, Tô Hiệu đã nhận định “Liên Xô sẽ thắng, phát xít sẽ thua, chiến tranh sẽ kết thúc, cách mạng Việt Nam sẽ thắng lợi”.

Sang tháng 2/1944, trải qua một mùa đông khắc nghiệt nơi rừng thiêng nước độc này, bệnh lao phổi tái phát nặng, Tô Hiệu ho ra máu rất nhiều, sức khoẻ giảm sút nghiêm trọng, Chi bộ Nhà tù Sơn La đã lãnh đạo anh em đấu tranh với cai ngục đưa đồng chí về kho xép nhỏ gần trại giam ba gian để chăm sóc tốt hơn cho đồng chí trong những ngày cuối đời. Vào khoảng 10h sáng ngày 07 tháng 3 năm 1944, đồng chí Tô Hiệu đã trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay và niềm thương tiếc vô hạn của anh em đồng chí. Đây là tổn thất to lớn không chỉ với Chi bộ nhà tù Sơn La mà còn với phong trào cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ.

Ra đi khi ở tuổi 32, cuộc đời đồng chí Tô Hiệu tuy ngắn ngủi, nhưng những cống hiến cho cách mạng của đồng chí thật to lớn. Đồng chí là tấm gương về tinh thần và ý chí cách mạng chói sáng. Cây đào mang tên Tô Hiệu vẫn còn đó xanh tươi như một biểu tượng cho tinh thần đấu tranh kiên cường bất khuất của những người tù cộng sản. Như một lời nhắn nhủ với hậu thế rằng: “Mùa xuân của nhân loại sẽ khai hoa kết trái trên mảnh đất Sơn La nói riêng và cả nước nói chung”.

Cây đào Tô Hiệu tại Nhà tù Sơn La

Học sinh Thành phố Sơn La tham quan cây đào Tô Hiệu, nhà tù Sơn La

Đồng chí Nguyễn Hữu Đông - Ủy viên BCH Trung ương Đảng , Bí thư tỉnh ủy Sơn La
cùng các đại biểu cắt băng khánh thành tượng bán thân  nhà cách mạng - liệt sĩ Tô Hiệu
tại Trường trung học phổ thông Tô Hiệu, 24/12/2021

Toàn cảnh khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, 2018

Nhà tù Sơn La là “địa chỉ đỏ” trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Du khách thập phương về nguồn, thăm di tích không chỉ để tham quan, nghiên cứu lịch sử, học tập “tinh thần Tô Hiệu” mà còn là dịp để thắp nén tâm hương bày tỏ lòng biết đối với các bậc tiền nhân đã cống hiến, hy sinh quên mình vì nền độc lập dân tộc, cho những mùa đào cộng sản nở thắm khắp núi rừng Tây Bắc.

Tác giả: Cầm Thị May, Bảo tàng tỉnh Sơn La