Văn học dân gian các dân tộc, dòng chảy không ngừng nghỉ
Lượt xem: 4382
Kho tàng văn học dân gian các dân tộc thiểu số vô cùng đa dạng, phong phú về thể loại, nội dung và độc đáo về cách thức lưu truyền trong đời sống. Những tác phẩm lớn, có giá trị về khoa học, lịch sử và văn hóa là vốn tri thức quý giá lưu truyền qua bao thế hệ, là niềm tự hào của dân tộc. Cho đến nay, văn học dân gian các dân tộc vẫn như một dòng chảy không ngừng nghỉ.    

Nói đến văn học dân gian các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc, không thể không nhắc đến tác phẩm truyện thơ “Xống chụ xon xao” (Tiễn dặn người yêu), một thiên trường ca trữ tình, được coi là “Truyện Kiều” của đồng bào dân tộc Thái với 1.846 câu thơ thể tự do. Hay truyện thơ “Khun Lú - Nàng Ủa”, một tác phẩm bất hủ của dân tộc Thái ngợi ca tình yêu đôi lứa với cốt truyện giàu tính nhân sinh. Cả 2 tác phẩm điển hình của văn học dân gian dân tộc Tây Bắc này đều được bắt nguồn từ Mường Muổi (Thuận Châu ngày nay). Đây là minh chứng đầy đủ về văn hóa truyền thống đặc sắc và vốn tri thức dân gian giàu có của đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời ở mảnh đất Sơn La. Các tác phẩm văn học cổ này đã được nghiên cứu, phiên dịch, diễn Nôm và tái bản nhiều lần, được đưa vào chương trình giáo dục văn học các nhà trường cùng với nhiều tác phẩm của các dân tộc khác. Tuy không chiếm nhiều thời lượng, nhưng những tác phẩm này là dấu ấn đặc sắc, làm phong phú thêm cho kho tàng văn học Việt Nam.

           

 

Hát đối đáp trong Hạn Khuống của đồng bào dân tộc Thái.
Ảnh: Tư Liệu

         

Theo thống kê, hiện Thư viện tỉnh Sơn La đang lưu giữ gần 2.000 bản tư liệu bao gồm các thể loại truyện thơ, trường ca, sử thi dân gian các dân tộc: Thái, Mường, Dao. Đây là nguồn tư liệu quý giá không thể thay thế cho các công trình nghiên cứu về văn học dân gian. Kế tục vốn tri thức cổ ngàn đời và phát huy nền văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Sơn La, các thế hệ văn nghệ sĩ Sơn La vẫn đang từng ngày trăn trở, cho ra đời những tác phẩm mới cho nguồn văn học dân tộc.

           

Trong đó, phải kể đến những văn nghệ sĩ tên tuổi được nhắc đến với sự kính trọng và khâm phục bởi những gì họ đóng góp như: nhà thơ Cầm Biêu, nhà văn Sa Phong Ba, nhà dân tộc học Cầm Trọng, Điêu Chính Ngâu (người đầu tiên dịch “Xống chụ xon xao” ra tiếng phổ thông)... Những tác phẩm của văn nghệ sĩ tên tuổi chủ yếu khai thác mảng đề tài dân tộc thiểu số, mỗi tác phẩm là những tâm tình mà tác giả gửi gắm, mang đến cho người đọc cảm nhận bức tranh đa dạng về cuộc sống, con người và văn hóa các dân tộc dưới góc nhìn văn học lãng mạn mà không kém phần chân thực. Thông qua tác phẩm, họ cũng góp thêm tiếng nói bài trừ hủ tục.

           

Nối tiếp truyền thống của các thế hệ văn nghệ sĩ, không ít nhà thơ, nhà văn nặng lòng với văn học dân tộc thiểu số vẫn đang miệt mài tìm kiếm và khẳng định lối đi riêng của thể loại văn học này trong cuộc sống nhiều biến đổi của thời đại. Hội Liên hiệp VHNT tỉnh chính là nơi chắp cánh cho nhiều ý tưởng được hiện thực hóa thành tác phẩm đặc sắc của hơn 40 thành viên hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật dân gian. Song song với việc nghiên cứu, sưu tầm các dạng văn học truyền miệng, như: phương ngôn tục ngữ, lời răn người, câu đế, thơ ca giao duyên, mo núi, mo mường, thơ cầu hồn chúc thọ, lên nhà mới, cầu mùa, lời tang lễ... là những sáng tác song ngữ (tiếng dân tộc - phổ thông) với những tác phẩm truyện, thơ mang chủ đề dân tộc và miền núi, gần gũi với cuộc sống của bà con các dân tộc miền núi.

 


Nghệ nhân ưu tú Cầm Vui với các tác phẩm đã được xuất bản.

           

Những cái tên nổi bật phải kể đến: tác giả Hoàng Lệ Thủy, Lò Bình Minh, nghệ nhân ưu tú Cầm Vui (dân tộc Thái); Đinh Liển (dân tộc Mường); Lò Thị Phấư (dân tộc Kháng); Và Thị Lia, Hờ A Di (dân tộc Mông); Triệu Thị Phai (dân tộc Dao)... Mới đây nhất là cây bút trẻ Kiều Duy Khánh với nhiều tác phẩm nổi bật viết về chủ đề dân tộc và miền núi... Họ là những người tiếp sức cho văn học dân tộc tồn tại và phát triển qua năm tháng theo cách riêng của mình. Mỗi năm, có hàng trăm tác phẩm ra đời theo mảng chủ đề do Hội phát động hoặc được khuyến khích tại các Trại sáng tác văn học bằng tiếng dân tộc và sưu tầm nghiên cứu văn nghệ dân gian. Mảng đề tài dân tộc được khai thác triệt để trong mỗi tác phẩm, hướng đến những bạn đọc riêng, được trân trọng và đánh giá cao ở sự đóng góp cho công cuộc bảo tồn, gìn giữ và phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số.

           

Vốn dĩ, tri thức dân gian chính là nơi hội tụ và kết tinh văn hóa cội nguồn của dân tộc mà bất cứ ai cũng sẽ có lúc muốn tìm về. Thế nên, văn học dân tộc thiểu số dù nhiều hay ít vẫn luôn có chỗ đứng nhất định trong nền văn học nước nhà với lối đi riêng được chính văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số đang miệt mài tạo ra.