Bạc trắng trong đời sống đồng bào Thái ở Chiềng Ly
Lượt xem: 487
Đối với đồng bào Thái xã Chiềng Ly (Thuận Châu), bạc trắng có mặt trong hầu hết các giai đoạn quan trọng của cuộc đời. Khi còn tấm bé, trẻ nhỏ được ông bà, cha mẹ sắm cho những chiếc vòng bạc như tấm “bùa hộ mệnh” ước mong sức khỏe. Đến khi trưởng thành, các loại vòng tay, trâm cài tóc, xà tích bạc, là trang sức để tôn lên vẻ đẹp và còn được sử dụng như món sính lễ khi người con gái Thái về nhà chồng. Và khi mất, những chiếc vòng bạc là tài sản theo người Thái về “mường trời” cùng ông bà tổ tiên.

Bộ xà tích bạc nổi bật trên nền váy chàm tạo vẻ đẹp mềm mại, duyên dáng cho phụ nữ Thái Chiềng Ly.

Đồng bào Thái ở Chiềng Ly quan niệm, mỗi con người đều do “me báu” (bà mụ) nặn ra và ban xuống; đứa trẻ tuy là con mình nhưng cũng là cháu của ông bà, tổ tiên. Bởi vậy, khi đứa trẻ sinh ra trong gia đình, để tỏ lòng biết ơn, kính trọng bề trên, cầu mong bé lớn khôn khỏe mạnh, đồng bào Thái thường tổ chức lễ đầy tháng để đặt tên và cầu bình an, may mắn cho đứa trẻ. Tại buổi lễ, mời thầy mo đến cúng và trình diện với tổ tiên đứa cháu mới chào đời, mong tổ tiên nhận mặt, trông coi cháu cho khôn lớn. Sau đó, đứa bé được cha mẹ đặt tên, được ông bà ngoại tặng vòng vía, thường là lắc hoặc vòng cổ bằng bạc chủ yếu để “kỵ gió”, “phòng bệnh”.

Không chỉ mang ý nghĩa tâm linh như một vật “hộ thân” để giữ vía cho trẻ nhỏ, bạc trắng còn là thứ trang sức tôn lên vẻ đẹp của người con gái Thái. Vào mỗi dịp lễ, tết hay những dịp giao lưu, hội diễn văn nghệ của bản, của xã, chị em thường khéo léo sử dụng chiếc trâm cài cuộn suối tóc dài ra sau gáy cho gọn gàng, hàng cúc bướm bằng bạc cùng chùm dây xà tích lấp lánh bên eo tô điểm cho bộ váy áo bó sát, tôn lên nét đẹp của cơ thể. Chị Lường Thị Thảo, bản Pán, chia sẻ: Trâm cài tóc của phụ nữ Thái thường có độ dài khoảng 10cm, một đầu có mũ và một đầu nhọn. Khi trâm cài lên tóc, màu bạc nổi giữa màu tóc đen như một nét chấm phá tạo nên giá trị thẩm mỹ đáng kể. Riêng bộ xà tích gồm từ hai đến sáu dây bạc đánh theo hình xương rắn giắt vào dây thắt lưng, buông xuống một bên hông. Trên nền màu chàm của thân váy, xà tích bạc óng ánh đung đưa theo nhịp chân bước tạo nên vẻ đẹp vừa mềm mại vừa uyển chuyển, nhẹ nhàng.

Đa số phụ nữ Thái đều đeo vòng tay, tùy vào tài nghệ của thợ kim hoàn mà mỗi chiếc vòng có cấu tạo và hình dáng khác nhau, như, vòng tay trơn, vòng tay được trang trí, chạm khắc hoa văn. Vòng tay bao giờ cũng được đeo từng đôi, nghĩa là hai tay phụ nữ Thái đều đeo vòng, ít nhất mỗi tay một chiếc. Vòng tay còn là tín vật tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, được các chàng trai người Thái tặng người thương và là món sính lễ không thể thiếu trước khi cô dâu được đón về nhà chồng. Chị Lường Thị Tâm, công chức văn hóa - xã hội, UBND xã Chiềng Ly, thông tin: Theo phong tục của đồng bào Thái tại địa phương, khi người con trai lấy vợ, ngoài đảm nhiệm bữa ăn hỏi và cưới bên gia đình nhà gái, thì nhà trai phải mang theo những lễ vật, gồm, chiếc trâm cài tóc, đôi khuyên tai và đôi vòng tay bằng bạc để làm quà biếu cô dâu. Bên cạnh đó, còn có đồng bạc trắng, nhẫn, vòng cổ, bộ xà tích… Càng nhiều quà cưới bằng bạc, càng chứng tỏ gia đình nhà trai khấm khá, có của ăn của để. Những món quà này sau đó sẽ được cô dâu trân trọng và giữ gìn cẩn thận, đến khi về với ông bà tổ tiên sẽ dùng chính những món sính lễ đó để làm thủ tục theo đúng phong tục, tập quán của dân tộc mình.

Mặc dù, hiện nay trên thị trường có nhiều đồ trang sức có giá trị như vàng, đá quý, nhưng với đồng bào Thái ở Chiềng Ly, trang sức và đồ đạc bằng chất liệu bạc vẫn còn nguyên giá trị và không thể thiếu trong đời sống của bà con.