Chuyện về nữ biên tập viên tiếng dân tộc Thái
Lượt xem: 595
Sau nhiều lần hẹn, chúng tôi mới được gặp chị Lò Thị Na Ly, Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh Sơn La để trò chuyện về công việc của người biên tập mảng thơ tiếng dân tộc Thái cho Tạp chí Suối Reo. Trong căn phòng làm việc của chị, chúng tôi cảm nhận được sự cần mẫn và vất vả của người biên tập viên trước khá nhiều chồng sách sưu tầm nghiên cứu văn nghệ dân gian dân tộc Thái, những tài liệu, bản thảo bằng chữ Thái phục vụ cho công tác biên dịch, biên tập phục vụ công tác xuất bản tạp chí.

Chị Lò Thị Na Ly biên tập chữ Thái.

Sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tây Bắc, năm 2010, chị Na Ly nhận công tác tại Hội Liên hiệp - Văn học nghệ thuật tỉnh, đảm nhiệm công tác biên tập mảng thơ tiếng dân tộc Thái của Tạp chí Suối Reo. Để đáp ứng công việc, chị đã đi học chữ Thái tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh trong 3 tháng - Đây là bước khởi đầu cho công việc biên tập, biên dịch chữ Thái. Vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, như các ông: Hoàng Trần Nghịch, Lò Thanh Hoàn, nghệ nhân ưu tú Lò Văn Lả…, chị Na Ly từng bước trưởng thành và đáp ứng tốt mảng thơ chữ Thái trong cuốn Tạp chí Suối Reo. Hiện, chị còn là hội viên Chi hội Văn học khu vực Thành phố, hội viên Hội Văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, hội viên Hội Nhà báo tỉnh.

Chia sẻ về nghề, chị Na Ly nói: 2 tháng Hội phát hành một kỳ tạp chí, với số lượng 2.000 cuốn/kỳ, tới các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, các trường học, đồn biên phòng và 63 tỉnh, thành trên cả nước. Trong cuốn tạp chí, có nhiều lĩnh vực, trong đó phần thơ tiếng Thái do tôi phụ trách biên tập, với 8 đến 10 bài thơ/kỳ. Trong công tác biên dịch, phiên âm hay dịch nghĩa, tôi đã tìm hiểu văn hóa, phong tục, tập quán của dân tộc để dịch âm, dịch nghĩa không sai và sát nghĩa. Việc dịch ý từ phiên âm tiếng Thái sang nghĩa phổ thông tương đối khó, có những câu từ khi diễn đạt bằng tiếng Thái rất hay, rất cảm xúc, nhưng khi dịch nghĩa sang tiếng phổ thông thì không lột tả hết được cái hay, cái đẹp ấy.

Sau mỗi tác phẩm khi hoàn thành dịch, chị Na Ly thường trực tiếp trao đổi với tác giả, hoặc gửi cho tác giả xem lại bản dịch có sát nghĩa với bản gốc hay không, với mong muốn, bản dịch nghĩa phản ánh được nội dung tác giả muốn diễn đạt, không xa rời nghĩa mà vẫn giữ được hồn thơ, đặc biệt là thể loại khắp Thái. Bên cạnh việc biên dịch phiên âm, dịch nghĩa, việc biên tập còn có thể làm cho tác phẩm súc tích, ngắn gọn, dễ hiểu, câu từ chau chuốt lên, đảm bảo nội dung và nghệ thuật trình bày, giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Thái trong tác phẩm và đảm bảo công tác an ninh chính trị, tư tưởng của cuốn tạp chí.

Ngoài công tác biên dịch, biên tập cho tạp chí, chị Na Ly còn phụ trách việc biên tập, đọc sửa mo rát các cuốn sách dân gian của nhiều tác giả sưu tầm, nghiên cứu văn nghệ dân gian, phiên dịch từ các tác phẩm Truyện thơ nổi tiếng của dân tộc Thái cổ, như: "Truyện thơ phỏng tác dân gian Thái vùng Tây Bắc - Việt Nam (Lò Thanh Hoàn); Khắp tản chụ xiết sương (đồng tác giả Lò Văn Lả, Cầm Vui, Lò Thanh Hoàn); các truyện thơ dân tộc Thái được sưu tầm, dịch ra từ chữ Thái cổ, như: Khun Tính - Khun Tớng (Lò Bình Minh); Nàng Đăm - Nàng Đón (Cầm Thị Chiêu); Lan nọi ỉn khắp (Lò Văn Lả, Lò Bình Minh), Tóm tắt Truyện thơ bằng chữ Thái cổ (Hoàng Trần Nghịch), Hiền Hom, Sống chụ xon xao… dày từ 300-600 trang. Với những cuốn sách như vậy, chị đã đọc kỹ để hiểu nội dung tác phẩm; tranh thủ cả ngày nghỉ nghiên cứu, biên tập, sửa lỗi để kịp tiến độ phát hành.

Những tác phẩm tạp chí Suối Reo, truyện dân gian Thái do chị Lò Thị Na Ly tham gia biên tập, biên dịch.

10 năm trong nghề, chị Na Ly đã cùng Ban Biên tập Tạp chí Suối Reo xuất bản 60 số tạp chí và hơn 30 cuốn sách sưu tầm, nghiên cứu văn nghệ dân gian, góp phần quảng bá rộng rãi những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị vào kho tàng văn hóa của tỉnh, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái đến gần hơn độc giả trong tỉnh, trong nước, đặc biệt là giới trẻ.