Nét văn hóa trong trang phục của người Dao Tiền
Lượt xem: 431
Về tiểu khu Tà Loọng, thị trấn Nông trường Mộc Châu những ngày đầu năm, khi hoa đào đã khoe sắc trong vườn đồi, nắng xuân trải vàng bên hiên nhà, cũng là thời điểm người phụ nữ Dao Tiền miệt mài thêu trang phục truyền thống của dân tộc mình. Những đôi tay chai sạn quen làm nương, làm rẫy, nhưng lại khéo léo từng đường kim, mũi chỉ trên tấm vải chàm tạo nên những họa tiết tinh tế.

Người Dao Tiền, tiểu khu Tà Loọng, thị trấn Nông trường Mộc Châu thêu áo dân tộc.

Trên địa bàn tỉnh Sơn La, người Dao Tiền sinh sống chủ yếu ở các huyện: Vân Hồ, Mộc Châu, Phù Yên. Dân tộc Dao có các nhóm: Dao Tiền, Dao Đỏ, Dao Quần chẹt... trong đó, người Dao Tiền là nhóm duy nhất mặc váy. Để có một bộ trang phục truyền thống, phải trải qua nhiều công đoạn, như: Trồng bông, se sợi, dệt vải, nhuộm lá, cắt may, thêu thùa... tất thẩy đều do bàn tay người phụ nữ khéo léo, sáng tạo nên. Trang phục truyền thống của người Dao Tiền gồm các thành phần chính: Khăn vấn đầu, dây lưng, áo và váy. Áo người Dao không có cúc mà xẻ tà và quấn dây lưng; cổ áo phía sau được sâu 6 đồng bạc trắng, đây là đặc trưng riêng của nhóm người Dao Tiền. Dây lưng được dệt bằng chỉ màu, trong đó dây lưng nam có họa tiết màu đen pha trắng; dây lưng nữ có họa tiết màu đỏ pha trắng, thể hiện sự gắn kết trong mối quan hệ của nam, nữ.

Trang phục truyền thống của nam giới khá đơn giản. Khăn vấn đầu là vải chàm màu đen, dài khoảng 60cm. Các họa tiết phần viền áo, chân áo, cổ tay khá nhỏ và có màu trắng. Đàn ông người Dao Tiền chỉ mặc váy cùng với quần trong các dịp nghi thức tâm linh. Độ rộng của váy vừa đủ quấn một vòng quanh người, họa tiết trên váy được thêu màu trắng đơn giản.

Một bộ trang phục hoàn chỉnh của phụ nữ Dao Tiền gồm: Khăn vấn đầu, áo, dây lưng, váy, xà cạp và trang sức bằng vàng hoặc bạc... Trên lưng áo và chân vạt áo có nhiều hoa văn dấu nhân, chữ thập, bông hoa, con vật... mô phỏng thiên nhiên, con người nơi họ sinh sống, gắn bó. Đặc biệt, dọc sống áo có thêu 2 hàng hoa văn xếp song song hình con chó và con lừa, bởi theo quan niệm của các bậc cao niên, những con vật đó như vị “cứu tinh” của dân tộc. Khăn vấn đầu được trang trí ở 2 đầu bằng các họa tiết hoa và được đính hạt cườm xanh lam hoặc xanh ngọc bích với các sợi chỉ đỏ sặc sỡ. Tất cả đường nét, hoa văn trên áo, khăn đều sử dụng chỉ đỏ, trắng, vàng và phần lớn được thêu theo một kiểu chung, tuy nhiên, những người khéo tay vẫn có thể sáng tạo hoa văn theo cách riêng, tạo nên sự khác biệt trên trang phục. Kỹ thuật thêu cũng rất đặc biệt, không thêu đè lên các sợi vải mà thêu luồn chỉ theo mắt sợi, thêu ở mặt trái nhưng hoa văn lại nổi lên ở mặt phải. Váy của phụ nữ Dao khá cầu kỳ, đầu tiên là in hoa văn trên vải trắng bằng sáp ong, sau đó nhuộm chàm, phơi, tẩy tan sáp ong, rồi khâu ghép các mảnh vải với nhau thành chiếc váy hoàn chỉnh. Hoa văn trên váy chủ yếu là hình tròn, đường viền lượn sóng. Ngoài ra, phụ nữ Dao còn quấn thêm xà cạp ở chân khi mặc váy và đeo thêm trang sức như vòng tay, vòng cổ...

Trong các nghi lễ: Lễ Cấp sắc (Ca tang đàng), Lễ Tết nhảy (Púng Nháng) hoặc đám cưới, trang phục của chủ lễ là sản phẩm nghệ thuật giàu giá trị thẩm mỹ và giàu bản sắc dân tộc. Ngoài trang phục bình thường của nam giới, chủ lễ còn đội thêm mũ và khoác thêm áo choàng đỏ (Tôm Lui) thể hiện phong thái uy nghiêm, tôn kính. Còn trang phục của cô dâu trong ngày về nhà chồng phải mặc từ 10 bộ áo, khăn, váy trở lên. Theo quan niệm, cô dâu mặc nhiều áo váy thể hiện được gia đình, họ hàng, người thân chúc phúc nhiều.

Bà Lý Thị Son, tiểu khu Tà Lọng (thị trấn Nông trường) cho biết: Con gái Dao Tiền từ khi 8-10 tuổi đã được bà, được mẹ truyền dạy cho cách thêu thùa trang phục. Học thêu từ những họa tiết nhỏ trên tay áo, viền áo, khăn, khi đường kim, mũi chỉ thành thạo sẽ tự làm trang phục cho mình. Để làm được một bộ trang phục thường mất từ 6 tháng đến hơn 1 năm. Ngày nay, người Dao chỉ mặc trang phục truyền thống vào những dịp lễ, tết, dịp trọng đại của gia đình; những người biết làm trang phục của dân tộc ngày càng ít hơn. Vì vậy, việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa trang phục dân tộc Dao Tiền là rất cần thiết.

Xuân về, người già, người trẻ xúng xính váy áo hòa mình với tiếng trống, chiêng, tiếng chuông trong điệu xòe truyền thống của dân tộc. Với những phụ nữ Dao Tiền, Tết không chỉ là thời gian sum họp gia đình mà còn là cơ hội thể hiện sự đảm đang, khéo léo, dệt nên những bộ trang phục giàu bản sắc văn hóa dân tộc.