Phụ nữ Phù Yên giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc
Lượt xem: 473
Huyện Phù Yên có trên 89% dân số là đồng bào dân tộc Mường, Thái, Dao, Tày, Nùng, Sán Dìu... với nhiều nét văn hóa đặc trưng. Trải qua thời gian, cùng tác động của kinh tế thị trường, một số nét văn hóa của các dân tộc dần mai một. Với mong muốn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, Hội LHPN huyện Phù Yên đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm khơi dậy và phát huy những nét văn hóa truyền thống đặc trưng.

Tổ liên kết chuyên sản xuất các mặt hàng thổ cẩm tại bản Búc, xã Quang Huy (Phù Yên).

Thực hiện Nghị quyết TW5, khóa VIII về phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, những năm qua, các cơ sở hội phụ nữ trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên giữ gìn và tham gia các hoạt động văn hóa, lễ hội, trò chơi dân gian, trang phục truyền thống, thông qua đó bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc. Trong đó có điệu khắp đặc trưng của đồng bào Thái; lời đang ngọt ngào của đồng bào Mường; tiếng sáo, tiếng khèn dặt dìu của đồng bào Mông; điệu múa chuông độc đáo của đồng bào Dao... Cùng các trò chơi: Ném còn, ném pao, đánh yến, nhảy bao bố, kéo co, nhảy sạp... Đặc biệt, những trang phục áo cóm dệt bằng vải thổ cẩm, chiếc khăn piêu dệt bằng sợi bông nhuộm chàm, cùng nhiều phong tục mang tính cộng đồng: Hội cầu mùa của dân tộc Dao, hội giã bánh dày của dân tộc Mông, lễ mừng cơm mới của dân tộc Thái, Mường...

Trao đổi về việc phụ nữ tham gia giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, bà Lường Thị Thắm, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phù Yên, thông tin: Hội đã chỉ đạo hội phụ nữ 27 xã, thị trấn thành lập 218 CLB văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao ở các bản, khối phố. Đồng thời, thường xuyên phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, như: Thi ẩm thực giã bánh dày, trình diễn thời trang dân tộc Mông tại xã Suối Tọ; Hội thi giọng đang hay, lời ví giỏi tại xã Bắc Phong; duy trì tổ chức Hội thi thể thao, cắm hoa nghệ thuật, các trò chơi dân gian thu hút nhiều hội viên và cổ động viên là nhân dân đến tham gia và cổ vũ.

Cùng với đó, các cấp hội phụ nữ trong huyện còn tuyên truyền, vận động và khuyến khích các hội viên sử dụng tiếng nói của đồng bào mình trong thời gian ở nhà để con, cháu học theo; tổ chức nhiều hoạt động diễn xướng dân gian, mặc trang phục truyền thống trong các ngày lễ hội; thực hiện nếp sống văn minh; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang; ra mắt mô hình “Phụ nữ tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”. Khuyến khích, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia bảo tồn các trang phục truyền thống của dân tộc qua việc duy trì, phát huy việc thêu hoa văn trên quần, áo, váy. Đơn cử như hội viên Hội Phụ nữ xã Quang Huy thành lập tổ liên kết chuyên sản xuất các mặt hàng thổ cẩm, chăn, gối, ghế, đệm Thái; duy trì các cửa hàng cắt may trang phục dân tộc tại bản Búc, Mo 1; duy trì và nhân rộng mô hình bện chổi chít, mây tre đan - một trong những đồ dùng sinh hoạt không thể thiếu của đồng bào dân tộc Thái tại bản Mo 2... Năm 2015, Hội LHPN huyện đã phối hợp với Bảo tàng phụ nữ Việt Nam tìm hiểu, sưu tầm các loại đồ dùng, trang phục dân tộc, như: Tóc đuôi ngựa, váy, áo, gùi lưng, kèn, sáo của đồng bào Mông tại xã suối Tọ; bộ đơm trầu, mặt chăn, mặt gối của đồng bào Thái và áo cóm, thắt lưng, khăn piêu đen nhuộm chàm, ếp lưng, pí ôi của đồng bào Mường xã Quang Huy; áo, váy 5 màu, yếm đỏ của đồng bào Dao xã Tân Lang... Hiện, các sản phẩm trên đang được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng phụ nữ Việt Nam và được du khách trong và ngoài nước đánh giá cao về giá trị văn hóa.

Thời gian tới, Hội LHPN huyện Phù Yên tiếp tục nghiên cứu, gắn việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc với khai thác tiềm năng về du lịch; định hướng những sản phẩm văn hóa truyền thống phục vụ khách du lịch để tạo nguồn thu nhập; hình thành các tour du lịch, trải nghiệm nghề thêu, mua bán sản phẩm thêu truyền thống, thưởng thức các làn điệu dân ca... Qua đó, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho phụ nữ, làm phong phú hơn bản sắc văn hóa, thúc đẩy kinh tế du lịch địa phương ngày một phát triển.

Tác giả: Theo Báo Sơn La