Dệt chiếu cói - Nghề thủ công truyền thốngcủa người Thái Sơn La
Lượt xem: 642
Người Thái ở Sơn La có nhiều nghề thủ công truyền thống với các sản phẩm mang đậm bản sắc tộc người, trong một thời kỳ dài đã góp phần quan trọng trong cuộc sống tự cung, tự cấp của đồng bào, ngày nay một số nghề thủ công vẫn được bảo tồn. Tuy nhiên, người Thái còn có một nghề thủ công truyền thống rất độc đáo, có lẽ ít người biết đến - đó là nghề dệt chiếu cói.

Ở Sơn La, nơi đồng bào Thái cư trú, một số vùng có đầm lầy, thích hợp với cây cói, nên người dân đã biến cây cói thành một sản phẩm tiện dụng trong đời sống hàng ngày, được duy trì qua nhiều thế hệ, đó là nghề làm chiếu. Qua công tác khảo sát, nghiên cứu, kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể dân tộc Thái trên địa bàn tỉnh Sơn La, đã phát hiện tại một số xã như: Hát Lót, Chiềng Chung, Mường Chanh huyện Mai Sơn; xã Phổng Lập, huyện Thuận Châu có nghề dệt chiếu cói thủ công, tuy không có tầm ảnh hưởng rộng và nổi tiếng như nghề dệt vải, nghề làm gốm… nhưng nó đã tồn tại từ lâu đời cùng với đời sống của cộng đồng người Thái.


Dệt những nan cói đầu tiên

Tại các vùng đất này, sản phẩm của nghề dệt chiếu thủ công truyền thống phục vụ cho nhu cầu sử dụng trong tất cả các gia đình người Thái; gắn liền với đời sống sinh hoạt hàng ngày của bà con, hơn nữa vật liệu dùng dệt chiếu có thể trồng  xung quanh nhà hoặc có sẵn trong tự nhiên.

Cói được trồng vào tháng 3-4 hàng năm. Người dân trồng cói tại các ruộng nước sâu, ngập úng hay sình lầy. Cói được thu hoạch vào tháng 9 -10 âm lịch, khi đã già và kích thước thường cao từ 1,2m -1,8m. Người ta cắt cói ngoài đồng về, đem phơi nắng cho thật khô, bảo quản nơi khô ráo, rồi phân loại theo độ dài của thân cói để dệt thành những tấm chiếu có kích thước khác nhau. Cói dài đan thành những chiếc chiếu có kích thước lớn, loại cói vừa, ngắn đan chiếu nhỏ hoặc các tấm lót ghế. Nghề dệt chiếu cũng như dệt vải không qui định mùa vụ như trồng trọt mà được người dân tranh thủ thời gian nông nhàn để đan, chủ yếu cho gia đình dùng, đôi khi cũng dùng để bán, làm quà. Khác với dệt vải do người phụ nữ đảm nhiệm, dệt chiếu do  người đàn ông Thái đảm nhiệm.

Khung dệt chiếu được làm bằng tre, có chiều dài 2,2m, chiều rộng tùy thuộc kích thước liên quan khổ chiếu lớn nhỏ, do người dệt chọn theo độ dài của cây cói. Cây làm dây chiếu là gọi là cây khooc (khooc nghĩa là cốt) là dây dẻo và dai bền được lấy lấy ở rừng về bện cốt tấm chiếu.


Công đoạn dệt chiếu cói đang hoàn thiện

Các sợi cói được buộc chặt vào khung ngang (khung dệt bằng gỗ) và luồn qua bàn dập (tiếng Thái gọi là phưm); Phưm là vật dụng dập các sợi cói cài chặt vào khung dệt. Khi độ dài chiếu đã đủ, người thợ dệt tháo các sợi dây chiếu ra khỏi khung và đan tết các phần đầu, cuối của chiếc chiếu là thành sản phẩm.

Người Thái quan niệm dệt chiếu cũng giống như đan lát, thông thường khi người đàn ông đan thì kiêng phụ nữ bước qua, kiêng ngày giỗ (Pạt tông) không dệt chiếu vì ngày đó không tốt cho mọi sự việc của gia đình.

Người Thái truyền dạy nghề dệt chiếu cho con cháu tại nhà. Đến nay nghề dệt chiếu đã mai một nhiều. Năm 2012, trong quá trình đi kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể dân tộc Thái,  chỉ còn vài gia đình tại xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn và xã Phổng Lập, huyện Thuận Châu vẫn duy trì nghề dệt chiếu, sản phẩm cũng chỉ để phục vụ gia đình và biếu tặng.

Qua công tác khảo cứu, kiểm kê văn hóa phi vật thể, mong muốn được giới thiệu một nghề thủ công truyền thống đặc sắc của người Thái./.

                                                               Hải Yến - Phòng NVVH