Tiếng thoi giữ nghề
Lượt xem: 565
Từ tình yêu nghề dệt thổ cẩm, một nhóm các bà, các mẹ người dân tộc Thái giữa lòng thành phố Sơn La đã thành lập Tổ dệt thổ cẩm truyền thống. Sản phẩm của Tổ mẫu mã đa dạng, mang đậm nét truyền thống dân tộc, văn hóa của người Thái Sơn La.

Dệt thổ cẩm tại HTX Nặm La.

Hợp tác xã Nặm La được thành lập và đi vào hoạt động đầu năm 2015, đặt tại bản Giảng Lắc. HTX hiện đang hợp đồng 25 nhân công (10 dệt, may thổ cẩm và 15 phục vụ nhà hàng ăn uống). Đã nhiều lần đến đây nên tôi rất ấn tượng với hình ảnh người phụ nữ Thái dịu dàng, mải miết bên khung cửi, đắm mình vào hoa văn, họa tiết tinh xảo trên những tấm vải thổ cẩm...

Tiếp chuyện tôi ngay tại HTX, bên những khung cửi truyền thống, chị Cà Thị Thỏa, Giám đốc HTX chân tình: Từ nhỏ, tôi đã được các bà, các mẹ dạy nghề dệt thổ cẩm. Đối với người Thái thì công việc gì cũng cần đến vải thổ cẩm. Người con gái Thái ngày trước thể hiện sự khéo léo, đảm đang bằng cách quay sợi, bật bông, phối màu, thêu hoa thật khéo để khi lấy chồng có chiếc khăn piêu, bộ chăn đệm đẹp tặng bố mẹ chồng. Biết thêu thùa, dệt vải được coi là tiêu chuẩn “nhinh hụ dệt phải, trái hụ san he”, nghĩa là “gái biết làm vải, trai biết đan chài”. Theo thời gian và sự phong phú của các sản phẩm may mặc thời kinh tế thị trường, nghề dệt truyền thống cứ mai một dần, con trai, con gái Thái không còn biết tặng nhau những chiếc khăn, chiếc cóm, hay chiếc túi thêu... Thời gian còn đi công tác, sang nước bạn Lào thấy nghề dệt thổ cẩm được gắn với du lịch, quảng bá thương hiệu và giữ gìn bản sắc truyền thống của dân tộc, tạo được công ăn việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi... thôi thúc tôi khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Thái.

Được biết, chị Thỏa đã lặn lội đến các bản trong thành phố Sơn La để sưu tầm những khung cửi truyền thống; vận động những người có nhiều kinh nghiệm dệt vải tham gia Tổ dệt thổ cẩm của HTX. Tại đây, các chị chia thành các nhóm dệt vải theo từng sản phẩm như đệm, gối, chăn, áo dài truyền thống... với những hoa văn cổ như: quả trám, hình con cua, con tôm... Các bước trong quy trình dệt vải rất tỷ mỷ: gạt hồ, phơi sợi, nhuộm màu; sử dụng các cây, quả trên rừng như tô mộc, lúc lắc, lá chè xanh.v.v.

Miệt mài bên khung cửi, đôi bàn tay thoăn thoắt theo nhịp thoi đưa, đôi chân chuyển đều theo guồng sợi, chị Hà Thị Thưởng giới thiệu thêm: Tôi đang dệt hoa văn vải khít nên rất cầu kỳ và mất nhiều thời gian. Vải khít dùng để gắn viền trên những tấm chăn, địu, áo dài... Nghệ thuật trang trí của người Thái rất phong phú, có tới hơn ba mươi loại hoa văn, họa tiết. Chúng tôi cố gắng giữ phong cách truyền thống của thổ cẩm Thái cổ, thể hiện quan niệm về sự hòa hợp trường tồn của cuộc sống, triết lý âm dương, hoa đực, hoa cái, con trống, con mái, đất trời cùng vạn vật...; những hình thoi, quả trám chạy viền, hoa ban cách điệu, những chùm hoa buông dài như xà tích, lá đơn, lá kép, búp cây, dây leo... tất cả như thế giới thu nhỏ.

Ước mơ khôi phục nghề dệt truyền thống của dân tộc, quảng bá sản phẩm thổ cẩm của người Thái Sơn La của HTX Nặm La đã và đang thành hiện thực. Hiện HTX đã đầu tư 10 khung dệt vải, 3 máy khâu và các nguyên liệu với trên 200 triệu đồng. Tổ dệt vải ngày ngày “kẽo kẹt tiếng thoi đưa, rộn ràng tiếng quay sợi” chỉ sau 7 tháng đã dệt được hơn 3.000m vải thổ cẩm để làm đệm nằm, đệm ngồi, chăn, áo, khăn, gối, túi địu... doanh thu hơn 85 triệu đồng. Các sản phẩm đã có được thương hiệu và chỗ đứng riêng, xuất hiện ở tất cả các tỉnh Tây Bắc và các thành phố lớn trong cả nước. Sản phẩm thổ cẩm của HTX Nặm La đã tham gia Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu 2015 với các mặt hàng: Vải hoa văn móc khóa, áo dài nam, nữ truyền thống của người Thái, khăn các loại.

Tiễn chúng tôi ra về, chị Thỏa chia sẻ: Vải thổ cẩm trên thị trường thì có sẵn, nhưng mỏng, hoa văn không đẹp. Vải dệt truyền thống dày hơn, hoa văn, họa tiết tinh xảo hơn. Dệt thổ cẩm truyền thống không lãi nhiều vì mất nhiều công sức, nhưng vui vì giữ được nghề truyền thống. Nghề dệt và những sản phẩm ở đây minh chứng văn hóa độc đáo và phong phú của dân tộc Thái. Chúng tôi đang tăng cường giao lưu, trao đổi với các đơn vị khác để nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là tìm các đối tác bao tiêu sản phẩm, để du khách mỗi lần lên Tây Bắc lại thêm ấn tượng với những món quà thổ cẩm mang đặc trưng của vùng sơn cước.

Báo Sơn La