Gặp tác giả sưu tầm, dịch thuật Đang Mường Đinh Văn Cung
Lượt xem: 433
Khác với nhiều cán bộ khi nghỉ hưu mong được hưởng an nhàn, ông , nguyên giảng viên Trường Đại học Tây Bắc, nguyên Trưởng khoa Thông tin Khoa học Trường Chính trị tỉnh, về hưu cư trú tại tổ 8, phường Tô Hiệu, Thành phố Sơn La lại chọn cho mình một công việc khá vất vả, khi dồn hết tâm trí, sức khỏe và thời gian cho việc đi sưu tầm, dịch thuật Đang Mường ở vùng ven sông Đà thuộc tỉnh Sơn La với mong muốn lưu giữ nét văn hóa người Mường trước nguy cơ thất truyền.

Vốn là người Mường, sinh ra và lớn lên trên quê hương ven sông Đà thuộc xã Chiềng Sại (Bắc Yên). Thuở nhỏ, ông đã từng được nghe lời du của mẹ, được đi nghe hát Đang đối đáp giao duyên trữ tình đằm thắm của dân tộc Mường, nên khi thoát ly đi học tập, công tác đến lúc nghỉ hưu, ông vẫn đau đáu nhớ về bản sắc văn hóa nguồn cội. Ông tâm sự: “Mỗi lần về thăm lại họ hàng, quê hương, tôi đều nêu nguyện vọng muốn được nghe lại những bài Đang với những lời thoại giao tiếp “có cánh”, thu phục lòng người mà các cụ trước đây hay đem ra thi thố, giao lưu với bản trên, mường dưới mỗi khi có lễ hội, tiệc vui… thì đều được con cháu lắc đầu: “Chịu thôi, số người biết hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay!” Nghe vậy, tôi cũng giật mình và muốn làm một việc gì đó để lưu giữ lại cho thế hệ mai sau”.

Đứng trước thực trạng nguy cơ thất truyền, tâm huyết với nét văn hóa truyền thống có nguy cơ mai một dần, ông đã tự bỏ kinh phí, lặn lội đến các bản vùng sâu, vùng xa, vùng hồ sông Đà thuộc 15 bản ở các xã: Đá Đỏ, Bắc Phong (Phù Yên), Tân Hợp (Mộc Châu), Chiềng Sại và Thị trấn Bắc Yên (Bắc Yên) - những nơi được tôn vinh là cái nôi văn hóa của người Mường vùng ven sông Đà để nghiên cứu, sưu tầm, thu âm, dịch thuật, lưu giữ. Hành trang đi sưu tầm của ông chỉ có chiếc máy ghi âm nhỏ với những hộp băng, hộp pin tiểu dự trữ, ông đã lặn lội đến các bản, đến cả lán trại, lán nương, thuê đò ngược xuôi đi tìm người còn biết Đang theo địa chỉ giới thiệu. Sau gần 2 năm sưu tầm, đến nay ông đã có trong tay 251 bài, sau khi biên tập lại, loại bỏ những bài trùng lặp, còn 192 bài được phiên âm tiếng Mường và dịch ra tiếng Việt, lấy tựa đề “Đang Mường vùng ven Sông Đà thuộc tỉnh Sơn La”, gồm hai phần chính: Đang chào hỏi, ca ngợi quê hương và khích lệ cùng nhau hát Đang; Đang đối đáp tình yêu lứa đôi.

Đang Mường là tiếng hát dân ca của dân tộc Mường, có từ lâu đời, do các nghệ nhân dân gian Mường sáng tác hoàn thiện, truyền tụng, tạo nên giá trị tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người Mường. Đang Mường có nội dung đa dạng, phong phú, phản ánh mối quan hệ tổng hòa giữ con người với con người, con người với thiên nhiên và xã hội, để nói lên tình cảm yêu thương của tình yêu lứa đôi, trải qua nhiều thế hệ; thông qua hình thức ví von, so sánh, nêu các hình tượng về vũ trụ, thiên nhiên, trời đất, sông suối, cây cỏ hoa lá, chim muông… để nói lên tình cảm khao khát yêu thương, hờn giận của mình với người yêu, gia đình và quê hương mình đời đời gắn bó. Trong khi thể hiện, Đang Mường hay dùng một số cụm từ “Chá a ả”, “Chum ủm” để ngân kéo dài câu hát mở đầu, tạo ra giai điệu trầm bổng, êm ái thu hút người nghe. Còn nội dung bài Đang là thông điệp gửi trao bằng những ca từ trữ tình đằm thắm, tạo cho bài Đang Mường có sức lan tỏa đến mọi lứa tuổi, có tính chất sâu chuỗi sự kiện, tạo thành hệ thống văn hóa ứng xử truyền miệng có sức sống mãnh liệt trong cộng đồng dân tộc Mường, rất được mọi người yêu thích.

Song, do tính chất truyền miệng và trước đây chưa có người ghi chép lại nên Đang Mường bị mai một theo thời gian, nhất là các nghệ nhân dân gian Mường do tuổi cao sức yếu, mất dần đi, đã làm cho Đang Mường bị mai một theo. Việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị Đang Mường là cấp bách, phù hợp với tinh thần Nghị quyết TW5, khóa 8 về “Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc” rất cần được khuyến khích phát huy.

Đến thăm phòng làm việc của ông thấy chồng chất những bản thảo, băng đĩa thu âm Đang Mường đang còn dang dở phần dịch thuật. Đưa tôi xem bản thảo tác phẩm sưu tầm dịch thuật dày 250 trang, vừa mới hoàn thành trong đầu tháng 8-2015 với tựa đề: “Đang Mường vùng ven sông Đà thuộc tỉnh Sơn La”. Lật từng trang, đọc từng bài mới cảm thấy nể phục sự đam mê đầy trách nhiệm của ông với cách dịch thuật ra tiếng Việt mặc dù nhiều từ, nhiều nghĩa rất khó phiên âm, nhưng ông vẫn dịch đúng và giữ được bản chất, nội dung, ý nghĩa của cốt chuyện trong Đang Mường. Chẳng hạn như bài “Khách đến chơi nhà” có đoạn:  “...Khách lạ xin được đi thắp đèn/Khách quen xin ra rải chiếu/Rải được chiếu còn thiếu trầu cau/Trầu, bố đem trồng chiều hôm qua/Vừa nẩy mầm, chưa có lá non/Cau, mẹ đem trồng chiều hôm kia/Vừa nẩy buồng, còn chưa kết trái”... ý nói xã giao bao biện cho hoàn gia đình nghèo khó không có gì đem ra tiếp khách, nhưng buộc khách phải vui vẻ hài lòng khi đến thăm nhà. Khi được dịch, đọc qua thì dễ, nhưng trong lời thơ Đang Mường không phải thuận như vậy. Hoặc bài “Miền đất lạ” có đoạn: “…Đến đất này sao mà thấy lạ/Nghe người ta đồn đại rằng/Cơm khô còn đem đi gieo mạ/Cá khô còn đem đi thả ao/Trời râm mát làm cá sống lại/Một gốc khoai thu năm ba sọt/Một gốc lúa gặt năm ba gánh/Một cây cổ thụ có năm ba tổ ong...”. Đây là thể loại Đang đối đáp giao duyên, dùng hình tượng cây trồng, vật nuôi để “hỏi thăm” đối phương, buộc đối phương cũng phải dùng những từ hoa mỹ để đáp lại về một dụng ý mà 2 bên đối đáp đang ngầm hiểu để dần khai thác làm sáng tỏ. Để người đọc dễ hiểu, nhiều câu ông không dịch từ mà chỉ dịch nghĩa, miễn là vẫn giữ được thể loại thơ tự do, mang hồn cách dân gian của người Mường. Ở trong phần Đang đối đáp tình yêu đôi lứa, có những câu, những từ dăn dạy mà đọc lên mới biết thế hệ đi trước tuy không được học hành, nhưng cũng biết cách giáo dục con cháu biết làm việc hiền, điều hay, lẽ phải: “…Con ơi! Đi chợ đừng tham mua những thứ làm nghề hèn/Không mua nghề khoan súng, rèn gươm đao/Chỉ mua nghề ông cha để lại/Nghề làm ruộng nương, đào ao, làm nhà…” (trích trong bài: Rủ nhau xuôi thuyền xuống chợ)…. Và còn rất nhiều ý thơ, lời Đang nhân văn sâu sắc khác...

Ông bảo: Sau khi hoàn thành phần 1 của tác phẩm này, ông tiếp tục đi thu âm để dịch thuật phần 2 là “Đang Vần Va” (Đang cổ điển) và phần 3 là “Đang cách mạng; Đang ca ngượi quê hương đổi mới”. Đồng thời, sẽ đề nghị với các cơ quan chức năng cho phép in sao băng đĩa để lưu truyền cho những người yêu và học Đang Mường.

Thiết nghĩ, việc sưu tầm, bảo tồn, dịch thuật Đang Mường là việc làm cần thiết phù hợp với yêu cầu bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của Đảng, Nhà nước ta, đồng thời còn phù hợp với thực trạng hiện Đang Mường đang có nguy cơ thất truyền. Chúc ông có nhiều tác phẩm mới, hoàn thành ý nguyện của ông cũng như lòng mong mỏi hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp cư dân Mường hiện nay./.

Anh Đức